Việt Nam Thời Báo

Cuộc gặp với phái đoàn dân biểu Su Chih Fen đã diễn ra như thế nào ?

Nguyễn Anh Tuấn
Bà Su (trái). Ảnh: FB Nguyễn Anh Tuấn/ internet
Bà Su Chih Fen (trái). Ảnh: FB Nguyễn Anh Tuấn/ internet
Kỳ 1: Tưởng đã không thành.
Như đã hứa, sau khi phái đoàn của bà Su đã về nước an toàn, tôi xin có vài dòng kể về những gì đã xảy ra quanh chuyến đi sóng gió của bà.
Giữa tháng 7, nhận được tin của các nhà báo Đài Loan về chuyến thị sát của phái đoàn bà Su, tôi nảy ra ý đưa gia đình anh thợ lặn đã tử vong Lê Văn Ngày ra gặp bà nhằm thu hút sự chú ý của dư luận Đài Loan đối với trường hợp tử vong duy nhất trong thảm họa, trong một nỗ lực sau cuối kiếm tìm công lý cho anh.
Đến Vũng Áng vào đêm 31.7 cùng người em trai anh Ngày, chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc gặp ngày hôm sau (1.8) với phái đoàn ngay tại Kỳ Phương và Kỳ Lợi là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa, với sự tham gia theo dự kiến của hàng chục nạn nhân khác, bao gồm ngư dân, cựu công nhân của Formosa, tiểu thương, các em học sinh…Phái đoàn cũng đã chuẩn bị một số phần qua để trao cho các nạn nhân nhằm thể hiện thiện chí của họ.
Thế nhưng mọi thứ đã không diễn ra như dự kiến. Sáng hôm đó tôi nhận được tin báo phái đoàn bị ách tại sân bay vì hộ chiếu của bà Su bị thu giữ, không thể bay đi Vinh như dự kiến.
Nghiêm trọng hơn, chuyến thị sát đứng trước nguy cơ bị hủy hoàn toàn khi phía an ninh yêu cầu phái đoàn chỉ được phép đi hai nơi là Hà Nội và Hạ Long.
May thay với sự can thiệp của Văn phòng KT-VH Đài Bắc (tương đương sứ quán Đài Loan), bà Su đã lấy được hộ chiếu và sau một hồi thương thảo, phía an ninh cho phép phái đoàn đi xe vào Hà Tĩnh, nhưng với điều kiện chỉ thị sát Nhà máy Formosa, không được viếng thăm các nhà thờ trong vùng vốn bị phía an ninh dán nhãn là ‘chống đối’. Một cán bộ của Văn phòng KT-VH Đài Bắc cũng được yêu cầu đi theo đoàn để đảm bảo cam kết được thực thi.
Khi được hỏi ý kiến rằng tiếp theo nên thế nào, tôi nói rằng Phái đoàn nên tiếp tục vào Hà Tĩnh, không gặp được ở nhà thờ thì đúng là tiếc thật vì nhiều nạn nhân địa phương đang mong đợi, nhưng mà không sao, ta gặp nhau ở khách sạn vậy, miễn sao là tiếng nói của các nạn nhân được lắng nghe.
Phái đoàn đồng ý, thế là tôi đề xuất họ nên ở Khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh – nơi chúng tôi sẽ gặp nhau trong một thời điểm không thể kỳ quặc hơn.
Ảnh: Bà Su đứng cùng Bà Tsai trên poster tranh cử Thắp sáng Đài Loan của Đảng Dân Tiến. Bà Tsai nay là Nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan.
Kỳ 2: Cuộc gặp trước bình minh
6h tối ngày 1.8 Phái đoàn mới được phép rời Hà Nội. Cung đường dài hơn tám giờ đồng hồ lái xe nên phải hơn 2h sáng ngày 2.8 đoàn mới tới Khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh, nơi các thương gia xứ Đài vẫn thức để đón bà Dân biểu.
Chẳng có mấy thời gian nên chúng tôi phải thống nhất ngay cuộc gặp sẽ diễn ra vào lúc 4h sáng, khi mà các thương nhân Đài Loan chắc chắn đã ra về, cho đến trước 7h sáng là lúc chúng tôi hi vọng rằng mạng lưới an ninh địa phương mới bắt đầu làm việc.
Đi cùng tôi là hai người địa phương – chị Hương, từng làm việc cho Formosa và Lộc, một ngư dân Kỳ Lợi trẻ tuổi – những người dù ý thức rõ rủi ro có thể xảy đến nhưng vẫn sẵn sàng cất lên tiếng nói trước Phái đoàn. Tiếc là em trai anh thợ lặn tử vong Lê Văn Ngày, sau nguyên ngày chờ đợi, đã phải rời đi, vừa nhằm đảm bảo an toàn vừa để tổ chức lễ 100 ngày cho anh trai. Tuy nhiên, gia đình anh Ngày đã truyền đạt đến tôi những gì muốn nói với bà Dân biểu và nhờ tôi soạn thư trao tận tay bà.
Ba chúng tôi dừng xe tại Mường Thanh đúng 4h sáng khi mà Phái đoàn vẫn chưa thể ngủ được sau chuyến đi dài. Một trục trặc nhỏ đã xảy ra đối với kế hoạch lên thẳng phòng khách sạn để trao đổi của chúng tôi. Cô lễ tân thông báo rằng chính sách của khách sạn là người ngoài chỉ được lên phòng sau 6h sáng, và sở dĩ phải nghiêm ngặt vậy vì đây đang là vùng nhạy cảm về an ninh, có gì là khách sạn phải báo công an ngay. Thế trận an ninh nhân dân có vẻ như cũng phát huy tác dụng ở một số địa phương.
Thế là bất đắc dĩ tất cả chúng tôi phải ngồi ngay tại sảnh để trao đổi, cách không xa vị trí của lễ tân và bảo vệ khách sạn. Lần lượt từng người chúng tôi ngồi vào ghế nóng để Phái đoàn vừa quay phim vừa đặt hàng loạt câu hỏi.
Chị Hương kể về khoảng thời gian 7 năm làm việc cùng chồng trông coi các container của Formosa. Họ sống trong một lán trại dựng tạm cạnh khu container, hàng ngày ăn uống tắm giặt bằng nước mưa hứng qua rãnh trên nóc của container. Nay thì hai vợ chồng phát hiện ung thư gần như cùng lúc. Chị ung thư vú, đang xạ trị. Chồng ung thư vòm họng, di căn giai đoạn cuối, nằm chờ chết. Cả hai giờ nghỉ việc, sống vất vưởng qua ngày, trong khi Formosa không một lời hỏi thăm, không một đồng hỗ trợ. Khi được hỏi mong muốn gì nhất lúc này, chị Hương thẳng thắn: “Chỉ mong Formosa đi khỏi, đời mình đã xong, chỉ lo cho con cháu bệnh tật sau này.”
Lộc mới 26 tuổi nhưng khiến cả Phái đoàn bất ngờ vì đã có 13 năm đi biển. Từ ngày cá chết, ghe tàu nhà anh, xóm anh, làng anh nhất loạt nằm bờ. 15 kg gạo là khoản hỗ trợ duy nhất anh nhận từ Chính phủ. Anh diễn giải cặn kẽ cho Phái đoàn hiểu thế nào là gần bờ, xa bờ và nhận định về sự nguy hiểm nếu dùng tàu gần bờ đi đánh xa bờ. Các lời hứa hẹn chuyển đổi sinh kế, theo anh, mới chỉ nằm trên giấy và không khả thi chút nào. Khi được Phái đoàn hỏi: “Anh nói ngoài đi biển, anh biết chút ít tin học văn phòng, thế thì nếu giờ Formosa tuyển anh vào làm việc, anh có làm không?”
“Không”, Lộc đáp gọn lỏn, “Formosa làm hại cuộc sống nhà tôi, làng tôi, cộng đồng đất nước tôi, sao tôi làm cho nó được?”
Có chút gì đó khó gọi được tên trào lên trong tôi khi nghe đến đó.
Là người lên tiếng sau cùng, tôi trao thư của gia đình anh Ngày cho Phái đoàn, kể lại diễn biến cái chết của anh và nỗi tuyệt vọng của gia đình anh sau khi nhận được kết quả khám nghiệm tử thi chậm trễ và thiếu thuyết phục của nhà chức trách, cũng như sự thiếu trách nhiệm của Formosa khi không có lấy một lời với gia đình anh. Cuối cùng, tôi chia sẻ về hướng hoạt động của các nhóm xã hội dân sự Việt Nam trong việc giúp đỡ các nạn nhân theo yêu cầu của Phái đoàn để họ có cái nhìn toàn diện về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.
Buổi gặp của chúng tôi thỉnh thoảng lại gián đoạn đôi chút bởi tiếng bước chân lào xào xung quanh. Hóa ra khi nghe chúng tôi có nhắc đến Formosa, cô lễ tân và anh bảo vệ đã kịp báo cho một số người mặc áo lót pull trắng, quần xà lỏn (có lẽ là nằm ngủ trước đó trong khách sạn) đi quanh chụp ảnh chúng tôi.
Thế rồi mốc 6h đã đến, chúng tôi rảo bước lên phòng khách sạn, nơi bà Dân biểu sẽ mở lời với những thông tin quan trọng. Việc bị phát hiện khi đó không còn mấy quan trọng với chúng tôi nữa, khi mà cảm giác được lắng nghe đứng ở vị trí ưu tiên hơn. Tôi không thấy bất kỳ nỗi sợ nào trong mắt chị Hương và Lộc.

Ảnh: Thư gia đình anh Ngày ủy quyền gửi đến bà Dân biểu Su Chih Fen

Nội dung bức thư như sau (Cộng tác viên Trần Đông Đức dịch)
Gửi Bà Dân Biểu Su Chih Fen,
Taiwanese Legislative Yuan
01 Chungshan South Road, Taipei, Taiwan

Ngày 01 tháng tám, 2016
Kính thưa Bà Dân Biểu Su Chih Fen,


Vào ngày 24 tháng tư 2016 ông Lê Văn Ngày một thợ lăn cho công ty NIBELC, một công ty xây dựng được thuê bởi Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty con của Tập đoàn Formosa Plastics Group, đã chết trên đường tới bệnh viên cấp cứu sau khi đã trải qua các cơn đau ngực và khó thở.
Sự việc xảy ra sau khi ông ta lặn trong khu vực gần công trường Formosa. Các bác sỹ pháp y đã thực hiện mổ tử thi nhưng kết quả khám nghiêm đã không được công bố mạc dù thi thể sau đó đã được chuyển về cho gia đình.
Thêm vào đó chỉ hai ngày sau, tức vào 26 tháng tư 2016, năm người thợ lặn khác của công ty NIBELC cũng là đồng nghiệp của ông Ngày đã phải nhập viện trong những tình trạng đáng nghi ngờ: hoàn toàn giống những triệu chứng đã xảy ra đối với ông Ngày. Không nghi ngờ, Formosa Hà Tĩnh đã làm nhiễm độc ở mức độ nguy hiểm nước biển khu vực xung quanh nhà máy. Năm người thợ lặn tường thuật rằng họ đã trải qua sợ mệt mỏi thật khác thường, các cơn đau ngực và chóng mặt sau mỗi lần lặn. Vài thợ lăn còn cho biết có sự thay đổi màu da.
Ông Chu Xuân Phàm Giám đốc đối ngoại Công ty Thép Formosa đã nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình VTC ngày 25 tháng tư 2016 rằng: “Trước khi tiếp nhận đất đai, chúng tôi đã khuyên ngư dân địa phương chuyển đổi nghề nghiệp. Mặc dù đã sớm gợi ý, ngư dân địa phương vẫn tiếp tục đánh bắt cá trong khu vực này. Rất nhiều lần trong cuộc đời chúng ta phải lựa chọn: hoặc là tôm cá hoặc là có nhà máy thép. Chúng ta không thể có cả hai.”
Hơn nữa, từ ngày thiệt phận của ông Lê Văn Ngày đến nay, Công ty Thép Formosa đã không có bất cứ một liên hệ nào với gia đình: không thăm hỏi, không hỗ trợ cũng chả có một chút đền bù nào.
Về vai trò trong gia đình, ông Lê Văn Ngày là điển hình của hàng triệu hộ gia đình nghèo khó ở VN. Ông đã từng là trụ cột lao động chính cho gia đình và giờ đây vợ và đàn con của ông ta đang đối mặt vô vàn khó khăn cũng như một tương lai ảm đạm trước nỗi đau mất chồng, mất cha.
Bức thư này được viết ra với hy vọng rằng những câu chuyện thực như trường hợp gia đình ông Lê Văn Ngày sẽ được đưa ra công luận cũng như chuyển đến các vị Dân Biểu Đài Loan. Bước đầu tiên để thừa nhận sự việc này mà chính phủ Đài Loan có thể làm đó là yêu cầu Công ty Thép Formosa xin lỗi gia đình nạn nhân và cung cấp tất cả mọi sự trọ giúp cần thiết cho gia đình nạn nhân được sống một cuộc sống về kinh tế giống như ông Lê Văn Ngày còn đang khỏe mạnh. Điều đó không chỉ giới hạn trong việc bồi hoàn và trọe giúp về tài chính mà còn liên quan đến những vấn đề nhân đạo khác.
Thư này cũng được viết ra với mong đợi rằng Chính phủ Đài Loan giải quyết sự việc đau lòng nêu trên và đảm bảo rằng trong tương lai những người lao động VN như đồng nghiệp của thợ lăn Lê Văn Ngày không trở thành nạn nhân của sự bất công và không là nạn nhân của những công việc ghê tởm từ Tập đoàn Formosa Plastics Group hay của các công ty con cùng các nhà thầu.
Đài Loan là một đất nước thịnh vượng trong khu vực và vẫn sẽ là một quốc gia dẫn đầu. Tuy vậy, sự giàu có được dẫn dắt bởi trách nhiệm là vô cùng quan trọng; công luận khu vực và thế giới đang dõi theo quý vị và đánh giá cách thức quý vị giải quyết vấn đề liên quan đến cái chết của ông Lê Văn Ngày.

Trân trọng,
Gia đình ông Lê Văn Ngày
(Ba Sàm)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo