Thụy My –
Sau các vụ khủng bố xảy ra thượng tuần tháng 01/2015 tại Paris làm cho 17 người thiệt mạng trong đó có ba cảnh sát, một làn sóng phẫn nộ đã dấy lên trên toàn nước Pháp. Bên cạnh đó, là tình tương thân tương ái dành cho các nạn nhân – các nhà báo, nhân viên công lực và thường dân vô tội bị sát hại, không chỉ trên lãnh thổ nước Pháp mà còn trên toàn thế giới. Hình ảnh trên 40 nguyên thủ các nước sát cánh với nguyên thủ Pháp trong cuộc tuần hành hôm Chủ nhật 11/01/2014 là một minh chứng hết sức ấn tượng.
Nến thắp sáng trước biểu ngữ “Tôi là Charlie” (Je suis Charlie). Ảnh chụp nhân phút tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tại báo Charlie Hebdo ở Paris, tổ chức tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội hôm 08/01/2015. REUTERS/Kham
Tại Việt Nam, sự kiện này đã gây ra những phản ứng như thế nào ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với người đại diện Pháp quốc tại Việt Nam, Đại sứ Jean-Noël Poirier.
RFI : Kính chào ông Jean-Noël Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, rất cảm ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay. Thưa ông, sau các vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo cũng như vụ bắt con tin xảy ra vừa qua tại Paris, đã có một làn sóng liên đới với nước Pháp diễn ra trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam thì như thế nào thưa ông ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Ở đây cũng vậy. Trước hết là cộng đồng người Pháp tại Việt Nam, rất sốc và hết sức xúc động vì sự kiện này. Chúng tôi đã tổ chức một buổi họp mặt đột xuất để tưởng niệm, cả ở Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh lẫn ở đây, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. Hàng trăm người Pháp đã đến dự. Trong mấy tiếng đồng hồ, mọi người tập họp lại để bày tỏ nỗi xúc động vì sự kiện này, đã suy niệm, và để tỏ tình liên đới.
Điều thứ hai mà tôi muốn nói, là chủ đề này được theo dõi rất sát tại Việt Nam. Vụ tấn công khủng bố tại Paris đã chiếm trang nhất các báo, nhất là các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên – nếu tôi nhớ không lầm. Đây là điều rất hiếm hoi, vì trang nhất của báo chí Việt Nam thường dành cho những tin tức quốc gia hay vùng miền. Rất hiếm khi một sự kiện xảy ra ở một nơi xa xôi như thế lại được chú ý như vậy.
Cuối cùng, chúng tôi đã nhận được những hành động ủng hộ của người dân Việt cũng như về mặt chính thức từ nhà nước. Ngay cả sáng nay, đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đến Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Pháp để ký vào sổ phân ưu. Trước đó trong tuần, chúng tôi đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và nhiều cơ quan khác nhau, hoặc các học sinh trường trung học song ngữ Trưng Vương cũng đã đến để tưởng niệm và viết những dòng phân ưu.
RFI : Như vậy chính quyền Việt Nam đã nhanh chóng bày tỏ tình liên đới sau vụ khủng bố ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Vâng. Ngay từ tuần rồi đã có những lá thư phân ưu của Chủ tịch nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam gởi đến Tổng thống François Hollande, Thủ tướng Manuel Valls và Ngoại trưởng Laurent Fabius.
RFI : Được biết trên mạng xã hội ở Việt Nam cũng rất sôi động ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Tôi không tham gia mạng xã hội ở Việt Nam nên không thể có ý kiến, nhưng tôi hoàn toàn tin vào cô về việc này.
RFI : Thưa đại sứ, còn về phía xã hội dân sự ở Việt Nam thì sao, cũng có những tổ chức hay cá nhân đến gởi lời chia buồn hay ký vào số phân ưu ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Tất nhiên rồi. Chúng tôi đã nhận được các thông điệp, đã nhận được những bó hoa từ những công dân Việt Nam, từ những giáo viên, bác sĩ…Một số nói được tiếng Pháp, nhưng không phải là tất cả. Rất nhiều người bạn vô danh của Pháp muốn biểu lộ tình tương thân tương ái cũng như nỗi đau buồn trước sự kiện này, nên đã gởi đến những thông điệp ủng hộ. Chúng tôi nhận được nhiều lắm, trong suốt cả tuần.
RFI : Đã từ lâu tiếng Pháp không còn là ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam nữa, nhưng dường như người dân Việt vẫn giữ cảm tình đối với nước Pháp ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Vâng, tại Việt Nam có những người rất yêu mến nước Pháp và nền văn hóa Pháp. Nước Pháp có được hình ảnh tích cực tại Việt Nam, và phải nói là được người Việt dành cho rất nhiều cảm tình. Tương tự, người Pháp cũng quan tâm đến Việt Nam cũng như những gì đang diễn ra trên đất nước này. Và chúng tôi có được minh chứng trong tuần vừa qua.
RFI : Một trong những hành động cụ thể để ủng hộ các nạn nhân, đồng thời ủng hộ tự do báo chí là mua tờ báo Charlie Hebdo, nhưng cho đến nay việc này không dễ dàng tại Pháp vì số phát hành vẫn chưa đủ. Thưa ông, còn ông thì sao, ông có tờ Charlie Hebdo không ?
Đại sứ Jean-Noël Poirier : Không, đối với tôi thì không, tôi ở hơi xa những sạp báo Pháp. Nhưng tôi biết rằng có những thành viên của Đại sứ quán đã nhận được bản PDF, như vậy tôi hy vọng sẽ đọc được trong những ngày tới. Nhưng cũng phải nói thêm rằng đây không phải thói quen bình thường. Với tư cách là Đại sứ, tôi có những tài liệu khác, ít khôi hài hơn phải dành thời gian để đọc mỗi ngày.
RFI: Chúng tôi xin rất cảm ơn ông Jean-Noël Poirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay.
(Theo RFI)