Thuế chồng thuế, bia tăng giá
Tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Bia – Rượu – Nước giải khát diễn ra vào chiều 29/5, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát cho biết, tại dự thảo Nghị định có 2 nội dung cơ bản liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp bia, rượu.
Cụ thể là việc giá tính thuế cho các doanh nghiệp được tính ở các đơn vị sản xuất nhưng dự thảo Nghị định lại quy định việc tính thuế ở công ty thương mại với giá cao nhất trong khi hầu hết các công ty sản xuất đều có công ty thương mại. Đồng thời, giá tính thuế cũng đang được xem xét ở mức 5% thay vì 10% như đã đề xuất trước đó.
Ông Việt thông tin rằng, nếu theo cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt này, chỉ riêng Habeco đã phải đóng thêm 235 tỷ đồng tiền thuế trong khi Habeco chiếm 22% tổng sản lượng bia cả nước do đó thuế sẽ tăng thêm khoảng 5 lần, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.
Nêu quan điểm, đại diện một công ty bia có trụ sở tại TP.HCM cho biết, việc thay đổi cách tính thuế vô hình đã tăng 2 lần tăng thuế đối với doanh nghiệp và dự định giá bán có thể tăng thêm 10%.
“Trong khi chúng tôi đang nỗ lực kiểm soát việc tăng thuế ảnh hưởng đến doanh nghiệp chúng tôi lại nhận được dự thảo này. Ba năm tới ngành bia sẽ chuẩn bị cho phương án sản xuất kinh doanh mà thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 5%, và thêm việc thay đổi cách tính thuế và giá tính thuế”, vị này cho hay.
Theo phân tích của vị đại diện, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá công ty con bán ra thị trường chưa phù hợp, đề xuất này làm việc kê khai thuế sẽ trở nên phức tạp và gây phiền hà cho công tác thực hiện tại đơn vị và cơ quan thuế.
Ngoài ra, việc xác định thuế tính trên giá bán cao nhất của công ty thương mại cũng được chỉ ra là chưa phù hợp vì công ty sản xuất không thể kiểm soát giá bán tại công ty thương mại do chính sách mua đứt bán đoạn và nếu kiểm soát sẽ trái quy định của Luật Cạnh tranh.
Vị này cũng cảnh báo, theo soạn thảo mới sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng môi trường cạnh tranh, do đó không nên có sự phân biệt giữ công ty liên kết và công ty không liên kết.
Thậm chí, việc thay đổi cách tính thuế cũng sẽ làm tăng chi phí thuế đột ngột ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo đó đề xuất bỏ quy định xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt qua công ty con công ty liên kết. Áp dụng nguyên tắc thuế thống nhất dựa trên giá bán ra của cơ sở sản xuất như hiện hành và bỏ khống chế mức 5%.
Đồng quan điểm, ông Vũ Xuân Dũng, Phó Tổng giám đốc Habeco cũng cho rằng việc tính thuế theo giá cao nhất của công ty thương mại thì công ty sản xuất không kiểm soát được giá bán. Nguyên nhân giá bán bia phụ thuộc vào thời điểm, mùa vụ và địa điểm bán.
“Nếu Nghị định quy định dẫn đến hiểu nhiều nghĩa sẽ khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Chúng tôi hiểu với Nhà nước việc thu đúng đủ và đảm bảo ngân sách nhưng cần rõ ràng minh bạch”, ông Dũng nói.
Tận thu hay phát triển ngành?
Phản hồi những ý kiến được đưa ra bởi đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát và các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia rượu, đại diện đến từ Bộ Tài chính cho biết, những nội dung trong dự thảo không do riêng Bộ Tài chính nghĩ và đề xuất đưa vào, nên mong nhận được ý kiến và lập luận để từ Nghị định đến Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn.
Với giá tính thuế, Bộ Tài chính cho biết đang làm việc với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này.
Có mặt tại hội nghị, đại diện đến từ Bộ Kế hoạch Đầu tư thẳng thắn đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định: “Chúng ta xác định tận thu hay phát triển ngành? Tại sao phải đưa ra mức 5% hay 10%?”.
Theo vị đại diện này, các doanh nghiệp sau khi sản xuất làm thương mại và bia cũng là ngành nghề kinh doanh nên không nên áp đặt mức thuế như vậy.
“Chúng ta đang đi vào lối mòn cũ là không mở cho doanh nghiệp phát triển lên được”, vị đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nói.
* VNTB đặt lại tiêu đề
* Tiêu đề gốc: Gánh thuế tiêu thụ đặc biệt, bia sẽ tăng giá 10%?