Bùi Minh Quốc
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Tên bài này là ý kiến tổng kết cách đây 18 năm của cố lão thành cách mạng Võ Văn Đặng, nguyên Khu ủy viên, trưởng Ban thành phố và đấu tranh chính trị Khu 5 phát biểu trong CUỘC GẶP MẶT CÁN BỘ NHÂN VIÊN BAN THÀNH PHỐ VÀ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ KHU ỦY 5 LẦN I tại Đà Nẵng ngày 21.05.1996 mà tôi được tham dự.
Tôi cho rằng đó là một tổng kết thâm thúy, rất có giá trị thực tiễn.Không những giá trị cho thời gian trước mắt mà nhất định sẽ còn giá trị lâu dài.
Có áp bức, có đấu tranh, đó là qui luật muôn đời, muôn nơi.
Hiện nay, trên đất nước Việt Nam ta, ai áp bức ai, những kẻ nào là bọn áp bức và những ai là nạn nhân của sự áp bức ấy ?
Câu trả lời bật ra lập tức từ chính hiện thực khách quan :
Kẻ áp bức là một thiểu số thống trị mà cựu chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An gọi ngắn gọn và xác đáng là “Vua tập thể”.Bị áp bức là toàn bộ số người còn lại đang sống ngạt thở dưới ách Vua tập thể, từ người anh hùng lấn biển Đoàn Văn Vươn, vợ chồng dân oan Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu cùng hàng ngàn hàng vạn dân oan đến các công dân trí thức văn nghệ sĩ và lão thành cách mạng nói thẳng nói thật.Ách áp bức ngày càng nặng nề, ngay cả đối với bộ phận công dân mà Vua tập thể vẫn (trên đầu lưỡi) coi là các bậc tiền bối.Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – nhân vật đứng đầu Vua tập thể ngang ngược gọi các nhân sĩ trí thức và lão thành cách mạng góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến Pháp là suy thoái chính trị cần phải xử lý.Ngang ngược tuyên bố Hiến pháp đặt dưới cương lĩnh của đảng (CSVN).Ngang ngược dùng tổ chức đảng và các đoàn thể, quân đội, công an, toà án và hệ thống truyền thông độc quyền (tất cả đều được nuôi bằng tiền thuế của dân), thậm chí còn ngầm kết hợp cả xã hội đen, làm công cụ để khống chế, kìm kẹp, khủng bố đảng viên và nhân dân.Bản thânVua tập thể thì lại vừa là đại diện đồng thời cũng là công cụ của một giai cấp mới, cái giai cấp chiếm tỷ lệ cực nhỏ trong dân số nhưng lại chiếm tỷ lệ cực cao về tài sản, một khối tài sản kếch sù khó tưởng tượng nổi mà phần lớn được tích lũy siêu tốc bằng cướp lột đất nước, cướp lột nhân dân với một qui mô vượt hẳn mọi triều đại chuyên chế trong lịch sử dân tộc.Mê muội vì quyền lực, coi việc duy trì quyền lực độc tài toàn trị của mình làm mục đích tự thân,Vua tập thể ra sức bám níu lấy mối quan hệ “đồng chí tốt” với thế lực ăn thịt người ở Trung Nam Hải và ráo riết phát-xít hoá tổ chức đảng, phát-xít hoá bộ máy nhà nước.
Nhưng dù mê muội lú lẫn đến đâu, Vua tập thể không thể không thấy rằng, theo đà phát-xít hoá ngày càng trắng trợn thì hiện ra không phải một trạng thái nín nhịn cam chịu hoặc bộc phát manh động như trước nữa mà là một sự phát triển lực lượng của những người bị áp bức công khai hợp pháp đoàn kết đấu tranh, bằng sức mạnh của những người tay không, lấy tiếng nói lấy lá phiếu làm vũ khí, chống lại ách áp bức tàn bạo ấy.Đoàn kết ngày càng chặt chẽ, đấu tranh ngày càng có ý thức về quyền của mình, ngày càng có tổ chức, có phương pháp, với những chiêu thức ngày càng phong phú và điêu luyện, ôn hoà mà kiên quyết và kiên trì đi tới mục tiêu THIẾT LẬP CHO BẰNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM CHỦ THỰC SỰ CỦA NHÂN DÂN, nói gọn LÀ LẬP QUYỀN DÂN.
Hành trang tinh thần thuở vào đời của tôi có 2 câu thơ Nguyễn Đình Thi – nhà thơ cách mạng:
Còn một em bé rách
Chúng ta còn phải đi
Tâm hồn tôi nung nấu ngày càng cháy bỏng tiếng thơ ấy thành ý chí này : còn một người bị áp bức, dù chỉ là một em bé bị người lớn mắng oan, thì tôi còn phải đi.Một cách tự nhiên, như là không thể khác, 2 câu thơ Nguyễn Đình Thi nhào quyện cùng máu huyết tâm hồn tôi cất thành tiếng lòng của riêng tôi :
Còn ai bị áp bức
Chúng ta còn phải đi !
Xin gửi đến tất cả những ai bị áp bức trên đất nước Việt Nam này, trên khắp thế gian này, tiếng lòng tôi !
Đà Lạt 16.10.2014
BMQ