Việt Nam Thời Báo

Đầu tư nông nghiệp: Miếng ngon hay khúc xương?

Nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro mà tỉ lệ sinh lời lại thấp, thường chỉ ở mức 3-4%


40 triệu USD là số tiền mà hãng Cargill (Mỹ), công ty ở tốp đầu ngành thức ăn chăn nuôi, vừa công bố sẽ chi ra để đầu tư thêm tại Việt Nam. Ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill tại Việt Nam, cho biết Công ty sẽ dùng số tiền này để xây nhà máy thức ăn gia súc tại Bình Dương và hợp tác với Cảng Quốc tế Sài Gòn (SITV) xây trạm lưu trữ ngũ cốc, các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ.
Động thái mới nhất của Cargill đã tái khẳng định tiềm năng thị trường thức ăn chăn nuôi 6 tỉ USD của Việt Nam. Ðặc biệt, trước năm 2022, theo Grand View Research, thị trường này có thể đạt tới 10,55 tỉ USD. Vì thế, không riêng doanh nghiệp nước ngoài, nhiều công ty trong nước như Masan, Hòa Phát hay Hùng Vương đều dòm ngó và đẩy mạnh đầu tư vào đây.
Tháng 10 vừa qua, Hùng Vương công bố kế hoạch rót 2.000 tỉ đồng để xâm nhập lĩnh vực chăn nuôi heo và thức ăn cho heo. Công ty đặt mục tiêu tung sản phẩm thịt heo vào quý III/2016, tăng đàn giống lên 100.000 con và cung cấp 3 triệu con heo thương phẩm cho thị trường đến năm 2018. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá đây là bước chuyển hướng đầy thú vị, hứa hẹn tiềm năng của Hùng Vương.
Tính ra, lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm đã thu hút khá nhiều tên tuổi lớn. Ngoài những doanh nghiệp trong ngành có liên quan như Hùng Vương hay Masan, còn có sự hiện diện của Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, PAN, Vingroup, Hòa Phát…
Tưởng chừng như đầu tư nông nghiệp đang trở nên hấp dẫn, nhưng con số công bố tại Diễn đàn Kinh doanh Đầu tư Nông nghiệp thời TPP tổ chức mới đây đã cho thấy thực tế ngược lại. Chẳng hạn, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm khoảng 1% trong toàn nền kinh tế. Riêng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp cũng chỉ trên dưới 1%. So với thời điểm vốn FDI rót vào nông nghiệp có lúc lên tới 15% thì đây là mức sụt giảm rất mạnh.
Có nhiều nguyên nhân cản trở bước chân của các nhà đầu tư. Đã qua rồi thời kỳ đầu tư nông nghiệp theo kiểu manh mún, tự phát. Muốn có chỗ đứng, cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, chuyên gia Trần Hải Yến cho rằng các công ty phải đầu tư bài bản và M&A là con đường ngắn nhất. Nhưng đây lại là con đường đòi hỏi sự cẩn trọng khi chọn đối tác phù hợp và doanh nghiệp phải có vốn lớn. Hàng trăm tỉ đồng, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng là cái giá mà Masan, Vingroup, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, PAN hay Hùng Vương đã bỏ ra để tiến sâu vào lãnh địa này. Và đó chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng. Mặt khác, các công ty thường phải huy động vốn từ nhiều nguồn và ít nhiều chịu áp lực lãi vay.
Quan trọng hơn, bài toán thu về từ nông nghiệp lại đòi hỏi thời gian dài và khó dự liệu. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, từng nói vui rằng 2 năm qua, nếu không có chăn nuôi bò thì tập đoàn này chắc đã “bò” theo số tiền đổ vào nông nghiệp. Dù đầu tư vào cao su từ sớm (năm 2008) và rót không ít vốn để có được hơn 38.000 ha đất trồng cao su ở Lào và Campuchia, nhưng đến nay, nguồn thu từ cao su lại rất khiêm tốn, chỉ chiếm 7% tổng doanh thu năm 2014 của Công ty. Giá mủ cao su hiện tại đã giảm xuống còn bằng 1/5 so với giá ở thời điểm Hoàng Anh Gia Lai mới đầu tư, nên mọi kế hoạch, mục tiêu của bầu Ðức trong lĩnh vực này đều không thành. Mía đường, dầu cọ cũng đang diễn biến không thuận lợi như dự tính ban đầu của Hoàng Anh Gia Lai.
Theo chuyên gia Cao Sỹ Kiêm, nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro mà tỉ lệ sinh lời lại thấp. Lý do này khiến nhiều công ty chưa mặn mà đầu tư vào đây. Thực tế, tăng trưởng của nông nghiệp luôn đứng chót bảng so với các ngành khác, thường chỉ ở mức 3-4%. Thậm chí ở một số mảng như thức ăn cho cá, “đại gia” C.P Việt Nam cũng từng thua lỗ và chấp nhận rút lui.
Khó khăn còn đến từ quy mô diện tích đất đai ở Việt Nam hiện manh mún, khó triển khai các dự án lớn về nông nghiệp. Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Trung ương cho biết, doanh nghiệp rất khó tìm được quỹ đất từ 100-1.000 ha. Nếu tìm được, họ phải chi trả ít nhất 2 lần tiền (tiền cho nông dân và tiền thuế) thì mới có đất. Còn nếu đầu tư vào các khu công nghiệp, doanh nghiệp chỉ trả tiền một lần mà lại có cơ sở hạ tầng thuận tiện.
Ở một số lĩnh vực, điều kiện tự nhiên của Việt Nam cũng không hoàn toàn thích hợp cho nông nghiệp. Chẳng hạn, thời tiết nóng bức, thiếu đồng cỏ lớn gây trở ngại cho việc chăn nuôi bò sữa của Việt Nam. Đó có lẽ là lý do để các công ty sữa như Vinamilk phải tìm cách phát triển vùng nguyên liệu ở nước ngoài.
Theo chuyên gia Bùi Trinh, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thiếu sự hỗ trợ từ chính sách bảo hộ, vốn luôn được các quốc gia khác đẩy mạnh nhằm bảo vệ nền nông nghiệp nội địa khi tham gia thương mại quốc tế.
Theo Nhịp cầu đầu tư

Tin bài liên quan:

VNTB- Bộ chính trị Hà Nội nín thở chờ chung quyết số phận quyền đàm phán nhanh (TPA)?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-TPP – Tù nhân lương tâm: “Đặc cách” mới “Đặc xá”?

Phan Thanh Hung

Hiệu ứng TPP: Vốn FDI giải ngân tại Việt Nam đạt mức kỷ lục trong năm 2015 *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo