Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-01-19
Người dâ
Thời gian trước trước khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 khai mạc, rất nhiều thông tin đủ các loại về nội bộ đảng, cũng như về các nhân vật lãnh đạo được phát tán khắp nơi trên nhiều trang mạng khác nhau. Nhiều người nói rằng các thông tin này do chính những nhóm người trong đảng phát tán ra. Sau đây là nhận xét của một số nhà báo, và người điều hành các trang thông tin được nhiều người theo dõi.
Cơn bão thông tin
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người từng là đảng viên và làm việc khá lâu trong guồng máy an ninh của đảng cộng sản Việt nam nhận xét:
“Chưa bao giờ một cái đại hội của đảng cộng sản Việt nam mà lại diễn ra tình hình lộ, lọt tài liệu kinh khủng như vậy. Điều này đã được chính Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang xác nhận là rất nghiêm trọng. Trước khi có lời xác nhận của ông Trần Đại Quang, chúng ta chứng kiến tình hình tài liệu thì có thể nói là vẫn chưa có cơ sở để đánh giá những tài liệu đó thật giả tới mức độ nào. Nhưng sau lời xác nhận không chỉ của ông Trần Đại Quang mà còn của ông Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, thì có thể nói là phần đông dư luận đều tin rằng tình hình lộ lọt tài liệu là có thật, mà không những lộ lọt tài liệu mà đó là những tài liệu nội bộ có tính chất tuyệt mật.”
Bà Đinh Ngọc Thu, người điều hành trang Ba Sàm cho chúng tôi biết rằng trang này nhận được nhiều tài liệu gửi tới, chẳng hạn như: Thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị và nhiều thư của các cựu quan chức gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… cũng như các bài viết liên quan tới nhân sự Đại hội 12. Có tài liệu ủng hộ phe TBT Nguyễn Phú Trọng, có tài liệu ủng hộ phe TT Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực.
Chỉ vài ngày trước khi Đại hội đảng chính thức khai mạc, một trang thông tin khác là Dân Luận nhận được một bài viết ký tên là Người đưa tin với nội dung kết tội nặng nề ông Nguyễn Phú Trọng, và ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Công Huân, kỹ sư ngành truyền thông, hiện đang điều hành trang Dân Luận cho chúng tôi biết về nội dung các bản tin này.
Chưa bao giờ một cái đại hội của đảng cộng sản Việt nam mà lại diễn ra tình hình lộ, lọt tài liệu kinh khủng như vậy. Điều này đã được chính Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang xác nhận là rất nghiêm trọng.
– Nhà báo Phạm Chí Dũng
“Các bản tin đó thì thường họ pha trộn giữa những thông tin có thể kiểm chứng được, là sự thật,… với những thông tin mang tính chất chụp mũ cho đối thủ. Khi mà mình đọc một bên thì cũng khó xác định được sự thật, mình phải đọc cả hai phía, và so sánh những thông tin nội bộ lộ ra từ nhiều phía thì mình mới có thể xác định được phần nào là thật phần nào là giả.”
Qua email, Bà Đinh Ngọc Thu cũng cho chúng tôi biết về độ tin cậy của các thông tin mà trang Ba Sàm nhận được trong thời gian trước đại hội đảng như sau:
“Những thông tin từ các file ảnh họ gửi cho tôi rất chính xác. Như thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, thư của Đại tướng Lê Đức Anh, thư của ông Phan Diễn, Lê Quang Nhường, Trịnh Văn Lâu… mà các thông tin phản hồi của những người có liên quan đều có nhắc tới. Chỉ cần kiểm tra các dòng thông tin chuyển tiếp và theo dõi các thông tin liên quan, có thể biết các trang tài liệu đó là thật. Chẳng hạn như, về đề nghị xác minh những vấn đề liên quan tới Thủ tướng, LS Trần Quốc Thuận cũng cho là đúng khi ông trả lời BBC. Hay thư viết tay của ông Phan Diễn, nhiều người cũng đã xác nhận đó là nét chữ của ông. Và trong thư viết tay đó, ông Phan Diễn cũng có nhắc tới bức thư của TT Nguyễn Tấn Dũng gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị.”
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng có khả năng các lực lượng chính trị trong nước sử dụng các trang tin mà nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam cho là không chính thống để đưa những thông tin hay bình luận mà họ muốn. Theo ông thì nguyên nhân của việc này là do báo chí của nhà nước không thể thay đổi để thỏa mãn yêu cầu của các lực lượng chính trị trong những thời điểm quan trọng như đại hội đảng.
“Nếu mà không thay đổi được thì…. Mà lại có cái nhu cầu gấp gáp của đại hội kỳ này, sự xung đột giữa các lực lượng chính trị thì cần phải có thông tin. Và khi mà báo chí trong nước không thể thay đổi, và không thể trở thành phương tiện để thông tin, những văn bản nhạy cảm, những văn bản nội bộ, thì lại phải nhờ đến những trang mạng như là trang Ba Sàm, mà một thời nhà nước coi là cực kỳ thù địch, mà bây giờ vẫn coi là như vậy.”
Và ông Dũng nhận xét thêm là từ giữa tháng 11 cho đến nay các trang phi chính thống được người đọc chú ý nhiều từ trước đến nay như Ba Sàm, Dân Luận,… được truy cập dễ dàng từ Việt Nam.
Không phải chính thống nhưng cũng không bị chỉ trích
Ngoài những trang luôn bị nhà nước Việt Nam xem là phi chính thống, còn có những trang thông tin đặc biệt xuất hiện trong vài năm gần đây, và đặc biệt được chú ý trong những thời điểm như hiện nay, đó là các trang mang tên các nhà lãnh đạo Việt nam như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang,…
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận xét về các trang này:
“Tôi cho rằng về thực chất thì những trang này thuộc về những lực lượng chính trị, mang tính chất vệ tinh truyền thông của những lực lượng chính trị đó. Nhưng sở dĩ nó không nằm trong hệ thống báo chí nhà nước vì nếu như vậy nó phải tuân thủ những điều luật khắt khe của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ thông tin truyền thông. Mà Ban tyên giáo trung ương và Bộ thông tin truyền thông vốn có thói quen là hàng tuần, hàng tháng họp yêu cầu rất sát sao từng nội dung chi tiết, cái nào được đăng, cái nào không được đăng, cái nào phải cẩn trọng. Và báo chí cứ phải răm rắp làm theo mà thôi.”
So sánh những trang này với những trang như Anh Ba Sàm, Dân Luận, ông Nguyễn Công Huân nêu lên sự khác biệt trong cách cư xử của cơ quan công quyền Việt Nam:
Những thông tin từ các file ảnh họ gửi cho tôi rất chính xác…Chỉ cần kiểm tra các dòng thông tin chuyển tiếp và theo dõi các thông tin liên quan, có thể biết các trang tài liệu đó là thật.
– Bà Đinh Ngọc Thu
“Báo chí trong nước cũng có lên tiếng đòi xác định, mà nó vẫn tồn tại, không có một cuộc điều tra chính thức hay truy tố những trang này như là đối với các blogger độc lập như là Bọ Lập, hay Anh Ba Sàm. Mình có thyể thấy ngay là sự cương quyết của Bộ công an hay là tình báo quân đội để tìm kiếm chủ nhân các trang này đều rất là thấp. Thì tôi chắc chắn là phía sau phải là những người thuộc các phe lãnh đạo. Phải có một đội ngũ nhiều người tham gia phía sau. Và nó được tài trợ, đầu tư khá là lớn.”
Ông Huân nhận xét thêm là trong những trang mang tên các nhà lãnh đạo Việt nam thì trang Nguyentandung.org là hoạt động tích cực nhất. Ngay trước thời điểm khai mạc đại hội đảng, trang này đưa liên tục những bình luận, yêu cầu, mong mỏi đương kim Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành người đứng đầu đảng trong thời gian tới đây.
Khi được hỏi là có phải các phe phái chính trị Việt Nam đang sử dụng các trang phi chính thống để chỉ trích lẫn nhau không, bà Đinh Ngọc Thu nói rằng bà không rõ, nhưng có vẻ như mỗi phe đều muốn sử dụng trang Ba Sàm để chuyển tải thông tin, họ muốn tranh thủ sự ủng hộ của công luận.
Ông Nguyễn Công Huân thì cho rằng khả năng dùng các trang phi chính thống để đưa ý kiến quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam là có thật và họ cũng nhân đó ghi nhận phản hồi của dân chúng, của độc giả thông qua các trang này là như thế nào.