Pháp luật TP.HCM
(PL)- Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi.
Trong những ngày này, hình ảnh và hoạt động lập lại trật tự vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cùng các cộng sự xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội. Có thể nói ông Hải là người mạnh tay nhất và có những phát ngôn quyết liệt nhất từ trước đến nay liên quan đến vỉa hè.
Rất nhiều bên hưởng lợi từ vỉa hè
Trước hiện tượng này, dư luận cũng hình thành nên các luồng khác nhau. Nhiều người tỏ thái độ đồng tình và đánh giá cao các hoạt động của đoàn xử lý vi phạm trật tự đô thị của quận 1. Nhưng có nhiều người khác lại băn khoăn về tính pháp lý của hành động mạnh tay này. Rất nhiều người nghi ngờ tính bền vững của nó, sợ rằng sau dăm bữa vắng bóng ông Hải thì đâu lại vào đấy. Cũng rất nhiều người lo lắng cho việc kinh doanh của những người dựa vào vỉa hè mưu sinh.
Có một điều không thể phủ nhận là lịch sử lâu dài của thành phố này đã tạo một kiểu kinh tế-xã hội dựa vào vỉa hè. Bao gồm: nhà kinh doanh mặt phố (shophouse) – kinh tế vỉa hè – xe máy. TP.HCM nổi tiếng thế giới vì các phố chuyên kinh doanh. Những con phố dài mút mắt chỉ kinh doanh duy nhất có một mặt hàng như vải vóc, vật liệu xây dựng, điện tử, thuốc Bắc, đồ sành sứ, hoa giả…
Lực lượng chức năng phá dỡ trụ sở khu phố 6 trên đường Nguyễn Trung Trực, quận 1 để trả lại vỉa hè thông thoáng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trong cuộc nghiên cứu vào năm 2010 của Sở VH-TT&DL mà tôi làm chủ nhiệm, chúng tôi đã thống kê được 72 loại hình hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ dựa vào vỉa hè để mưu sinh. Có một sự thật là việc sống nhờ vỉa hè không phải chỉ là người có cửa hàng, người buôn thúng bán bưng trên vỉa hè mà cả thành phố này cùng hưởng lợi từ đó. Cũng nhờ đó mà Nhà nước thu được thuế, các chính quyền địa phương cấp quận, phường có nguồn quỹ hoạt động.
Trên phương tiện thông tin đại chúng những ngày này tràn ngập các tít như “giành giật vỉa hè”, “đòi lại vỉa hè”, “cuộc chiến vỉa hè”, “dẹp loạn vỉa hè”, “anh hùng vỉa hè”. Mới nghe qua thấy hay nhưng ngẫm kỹ thấy có điều không ổn. Bởi lẽ vỉa hè là của chung của tất cả chúng ta. Vỉa hè là nơi rất nhiều bên hưởng lợi, do vậy không thể nói người dân chiếm lĩnh vỉa hè nay chính quyền đòi lại. Cũng không thể nói giành giật vỉa hè cho người đi bộ mà quên đi những người khác sống quanh và trên vỉa hè. Như thế vừa không đúng và không công bằng.
Đừng triệt tiêu hồn phố
Nếu tinh ý sẽ thấy trong phát biểu của mình với báo chí hay cán bộ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong luôn nói rằng chúng ta cần “sắp xếp lại trật tự vỉa hè” hay “lập lại trật tự vỉa hè”.
Điều đó rất đúng, lâu nay chúng ta làm chưa đúng cả về phía người dân và chính quyền, vừa buông lỏng vừa không có những chính sách thích hợp. Một ví dụ điển hình là vát vỉa hè tạo điều kiện cho người đi xe máy phóng thẳng lên vỉa hè, còn người dân cũng có phần quá trớn.
Do vậy mà nay chúng ta cần nhận thức lại, hành động quyết liệt nhằm hướng đến việc vỉa hè được xắp xếp lại một cách khoa học để cho mọi người cùng hưởng lợi. Đó không chỉ người đi bộ, hộ gia đình có cửa hàng, người bán hàng rong, người mua hàng mà còn cả các tập đoàn, công ty của Nhà nước và tư nhân… Nếu liệt kê ra thì cái vỉa hè phải cõng ít nhất 25 thứ trên nó. Ngoài xe cộ, hàng hóa, bảng hiệu ra thì còn nhiều thứ khác không dễ mà bứng được như trụ ATM, cột điện, trạm biến thế, cột đèn tín hiệu giao thông, trụ nước, điểm nối cáp quang…
Vỉa hè tưởng nhỏ nhưng việc giải quyết nó không bao giờ thành công nếu chỉ tính lợi cho một phía. Bởi bất cứ chính sách đô thị nào cũng mang tính chất “nhị nguyên”, tức là dân có lợi mà chính quyền cũng có lợi. Singapore không thể có được một xã hội xanh, sạch, đẹp, trật tự như ngày hôm nay nếu ông Lý Quang Diệu chỉ hướng đến việc làm sạch bong vỉa hè phục vụ cho giao thông bộ hành. Ông đã hướng đến “sức sống vỉa hè và linh hồn phố phường”.
Có khi nào bạn lý giải tại sao rất nhiều nhóm du khách nước ngoài đầu trần, áo quấn ngang lưng, tay cầm chai nước, dưới trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại cứ thế đi dọc vỉa hè từ trung tâm ra các quận ven; từ quận 1 sang Chợ Lớn một cách miệt mài, hào hứng không?
Đó chính là sức hấp dẫn từ phố phường, vỉa hè đấy. Nếu ở châu Âu, chưa đi thì chúng ta đã biết mười mươi phía trước là ngã tư, là những khối nhà vuông vức hình dạng giống nhau. Nhưng ở Sài Gòn hết đoạn phố này thì nhất định còn có gì đó lạ lùng hay hay ở phía trước nếu không đến thì uổng. Chính những “bất ngờ”, “điều không đoán định” là yếu tố hấp dẫn của phố phường, lẽ nào chúng ta triệt tiêu nó.
Tính toán, quy hoạch phải có lớp lang
Cũng trong cùng thời gian này, thái độ ứng xử mềm dẻo hơn của ông Phó Chủ tịch quận Tân Phú Nguyễn Quốc Thái lại thu hút được sự chú ý của đại bộ phận bà con dân nghèo. Ông Thái cho rằng đằng sau mỗi gánh hàng rong là số phận của cả một gia đình. Điều đó không phải là ông tìm cách mị dân (lấy lòng dân) mà thực sự ông muốn chúng ta cùng chia sẻ với nhau quyền lợi và trách nhiệm trên cái vỉa hè. Có lẽ vì quan niệm này mà ông nhận được rất nhiều sự cảm thông chia sẻ.
Còn nhớ khi còn sống, khi chứng kiến cảnh đội trật tự đô thị thu gom quang gánh của bà con bán hàng rong, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có hài hước rằng:
“Lấy đá mà ném ao bèo
Bèo tan lại hợp phố phèo vẫn nguyên”
Mong sao thời gian tới đây cái “phố phèo” vẫn nguyên đất có lớp lang, trật tự hơn và hơn thế không mất đi cái sống động của phố thị. Muốn khu vực 930 ha trở thành một Singapore thu nhỏ thì cần một chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và giáo dục đồng bộ. Thêm vào nữa là quy hoạch không gian và quy hoạch kinh tế-xã hội khoa học. Như thế mới duy trì được thành quả lâu dài, bền vững, nếu không hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải chỉ là một hiện tượng lóe lên trong một vài khoảnh khắc.
|
TS NGUYỄN MINH HÒA