Việt Nam Thời Báo

Địa phương ‘đua’ xin ngân sách: lấy tiền đâu bù ngân sách T.Ư? *

Tại hội nghị trực tuyến ngành tài chính với các địa phương chiều 30.12, không chỉ các tỉnh hụt thu xin bù đắp, một số tỉnh tăng thu vượt dự toán cũng muốn được giữ lại ngân sách với lý do quá nhiều thứ cần phải chi.


Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách (NS) cả nước ước tính đến 28.12 vượt dự toán Quốc hội giao hơn 5%, ước đạt 957.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi NS vẫn quá lớn, mức bội chi lên tới 226.000 tỉ đồng, tương đương 5% GDP. Bộ đánh giá nhiều địa phương tăng thu, tiết kiệm chi nhưng cũng có không ít địa phương chi tiêu còn lãng phí, dàn trải; kỷ luật tài chính không nghiêm.

Tỉnh nào cũng than khó

Thảo luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Sửu cho biết thành phố năm nay vượt thu nhưng nhiệm vụ chi cũng quá nhiều, trong khi lại phải điều tiết về NS T.Ư lớn. “Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, theo quy định hiện hành, phí thu được từ ô tô phân chia cho T.Ư 65%, địa phương giữ lại 35%. Từ năm 2013 – 2015, TP.HCM thu được 2.733 tỉ đồng, nếu để lại 35% được khoảng 956 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận hơn 151 tỉ đồng, không đủ để duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn”, ông Sửu dẫn chứng và đề nghị: “Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ thực hiện đúng quy định phân bổ tỷ lệ 35% cho thành phố”.

Cũng theo ông Sửu, tỷ lệ điều tiết 23% cho NS thành phố từ nguồn thu được theo phân cấp, sau khi đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên, phần còn lại quá hạn hẹp nên thành phố gặp khó khăn trong cân đối NS. Do đó, TP.HCM mong muốn được tăng tỷ lệ này lên trong thời kỳ ổn định NS mới.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, than phiền qua tính toán năm 2015, tỉnh bị hụt thu 781 tỉ đồng do thực hiện chính sách miễn giảm 100% thuế giá trị gia tăng cho nông sản. T.Ư đã ứng 600 tỉ đồng để bù đắp và tỉnh đã phân bổ chi 362 tỉ đồng. “Còn 248 tỉ đồng tỉnh xin được giữ lại do NS rất khó khăn, toàn tỉnh chỉ dựa vào các cây chủ lực như cà phê, cao su nhưng năm qua cả giá và sản lượng sụt giảm mạnh”, ông Ninh nói và đề nghị thêm với vị trí là tỉnh biên giới, NS đang rất eo hẹp lại phải bố trí chi nhiều nhiệm vụ thì Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh thêm theo diện “đặc thù” của cả nước.

Lãnh đạo Đồng Nai cũng trình bày từ năm 2011 – 2015, nguồn vốn đầu tư phát triển của địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu nên tỉnh phải đi vay nợ. Do đó, từ năm 2016 – 2020 tỉnh mong muốn được giữ lại 70% NS thu được để bù đắp, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ các dự án trọng điểm. Đặc biệt, vừa qua tỉnh cổ phần hóa Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), bán vốn sở hữu của nhà nước thu về 1.380 tỉ đồng, Đồng Nai xin được giữ lại khoản này. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng mong muốn tiền thu cổ phần hóa theo quy định phải nộp về Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (DN) do T.Ư quản lý, có thể xem xét để lại cho tỉnh nhà tái đầu tư cho các DN sau cổ phần hóa.

Trong khi đó, đại diện TP.Cần Thơ đề nghị Bộ Tài chính xem xét đối với các đơn vị gặp khó khăn không có khả năng trả nợ một lần được cam kết trả nợ làm nhiều tháng trong năm, không cần bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Thứ hai, cho phép khoanh hoặc xóa nợ đối với DN đã phá sản, giải thể, mất tích, bỏ địa chỉ kinh doanh. Hiện Cần Thơ còn 500 DN thuộc đối tượng trên không còn khả năng thu hồi thuế.

“Giật mình” vì chi thường xuyên quá lớn

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá năm nay ngành tài chính thu vượt dự toán là cố gắng lớn, qua đó không phải dùng 10.000 tỉ đồng tiền bán vốn của DN nhà nước để bù đắp.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng vẫn cho rằng cân đối NS rất khó khăn, bội chi cao, chưa đạt được mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015. “Hôm trước tôi giật mình chi thường xuyên tăng nhanh quá, tăng cao hơn cả tăng thu nên NS khó là đúng thôi. Phải cơ cấu lại khoản chi này”, Phó thủ tướng nói.

Đối với những áp lực nợ công, Phó thủ tướng yêu cầu cần đặt ra bài toán để giải quyết, không chỉ 2015 mà cả nhiệm kỳ phải cơ cấu lại cho nợ công quay về tình trạng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý thực trạng đáng lo ngại hiện nay là NS chi lương quá lớn cho các đơn vị sự nghiệp. Tính đến cuối năm 2014, tỷ trọng chi lương cho đơn vị sự nghiệp chiếm gần 39% tổng chi lương toàn hệ thống, trong khi đó cơ quan hành chính từ T.Ư đến xã chưa đến 9%. Với hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công, theo Phó thủ tướng là “quá nhiều, quá lớn” khiến mấy năm nay không tăng được lương, trong khi chất lượng và dịch vụ vẫn chưa tốt, người dân còn than phiền nhiều.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định năm tới sẽ quán triệt tinh thần tiết kiệm triệt để, đặc biệt chi thường xuyên. “Đào tạo ở nước ngoài, hội nghị hội thảo, mua sắm xe công… phải cắt giảm để dành tiền tăng lương”, ông Dũng nói. Bên cạnh đó, cần siết lại kỷ luật chi tiêu trước tình trạng nhiều tỉnh, thành còn buông lỏng để nợ đọng nhiều; chi tiêu vượt định mức, giới hạn. “Lực lượng tài chính từ T.Ư đến địa phương phải gương mẫu, kiểm tra kiểm soát làm sao chuyển biến mạnh, quản lý đồng tiền hiệu quả và tiết kiệm hơn”, ông Dũng chỉ đạo.

Theo Thanh Niên

Tin liên quan: Lấy tiền ở đâu bù đắp hụt thu ngân sách trung ương?

Ngân sách trung ương (NSTW) hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương (NSĐP) tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Báo cáo Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 và triển khai nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2016.

Trong năm 2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương nhằm thực hiện nhiều biện pháp nhằm để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Ngân sách trung ương hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng (Hình minh họa)
Tính đến thời điểm tháng 9/2015, trên cơ sở đánh giá sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty lớn, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội đánh giá thu NSNN năm 2015 vượt khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách trung ương (NSTW) hụt khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương (NSĐP) tăng khoảng 47,7 nghìn tỷ đồng.

Để bù giảm thu NSTW, Chính phủ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để bù lại.

Số thâm hụt còn lại, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp.

Tính đến tháng 12/2015, cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68 nghìn doanh nghiệp, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014.

Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt…) 10,2 nghìn tỷ đồng, số tiền đã nộp NSNN khoảng 7 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20,7 nghìn tỷ đồng.


Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chống chuyển giá, chống gian lận thương mại và buôn lậu qua biên giới, điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 2.421 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết; giảm lỗ trên 4,4 nghìn tỷ đồng; truy thu, truy hoàn, phạt 0,5 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 190 tỷ đồng.

Trong 11 tháng năm 2015, cơ quan Hải quan đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 16,4 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thu nộp NSNN 102 tỷ đồng.

Các biện pháp xử lý nợ đọng thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu; công khai số nợ thuế của từng địa phương, doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Ngoài ra, các đơn vị có biện pháp đôn đốc thu đủ, thu kịp thời số tiền truy thu, tiền phạt, tiền nợ thuế vào NSNN và các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.

Với những biện pháp mạnh tay và có phần cứng rắn, đến ngày 28/12/2015, thu cân đối NSNN đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán, bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán, bằng 103,1% số báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, bằng 111,4% số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 98,2% dự toán và số báo cáo Quốc hội.

Hồi tháng 11, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cam kết thu hồi lại ít nhất 34 nghìn tỷ đồng nợ thuế.

Tính đến cuối tháng 12/2015, Bộ trưởng Dũng cho biết số thu nợ đọng thuế đã đạt 38 nghìn tỷ đồng.

Theo Trí thức trẻ

Tin bài liên quan:

VNTB – Ngân sách sắp sửa lại được tiêu xài hoang phí

Do Van Tien

Tăng giá điện, ngân sách hỗ trợ thêm 153 tỷ đồng

Phan Thanh Hung

Việt Nam đang bội chi gấp đôi chuẩn thế giới

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.