Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington D.C. mới đây công bố báo cáo cho biết sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết [1]. Phân tích dữ liệu AIS năm 2022 cho thấy hải cảnh Trung Quốc duy trì các cuộc tuần tra gần như hàng ngày tại các thực thể quan trọng trên Biển Đông bao gồm Bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa Việt Nam, Bãi Cỏ Mây và Đảo Thị Tứ nơi Philippines đang đóng quân, Bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines và Bãi cạn Luconia gần các hoạt động dầu khí quan trọng của Malaysia.
Bãi Tư Chính – sự hiện diện tăng gấp đôi
Bãi Tư Chính, một bãi đá ngầm thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng là nơi đang có 3 nhà giàn thuộc Cụm Kinh tế – Khoa học – Dịch vụ ở thềm lục địa phía nam của Việt Nam do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân quản lý.
Trả lời RFA, thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, TS. Vân Phạm cho biết Bãi Tư Chính đã là nơi hải cảnh Trung Quốc thường xuyên dừng chân nghỉ trong các chiến dịch quấy nhiễu hoặc tiếp cận những địa điểm có hoạt động dầu khí ở phía nam Biển Đông trong những năm gần đây. Năm 2021, các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên tới các mỏ khí Lan Tây Lan Đỏ của Việt Nam, có những lúc vào rất sâu và có thể xâm phạm vùng an toàn của hệ thống ống dẫn khí [2].
Theo báo cáo của AMTI, Số ngày hải cảnh Trung Quốc tuần tra ở Bãi Tư Chính đã tăng hơn gấp đôi, từ 142 ngày vào năm 2020 lên 310 ngày vào năm 2022. Các cuộc tuần tra quan sát được ở tất cả năm thực thể lên tới tổng cộng 1.703 ngày tàu. Cùng với đó là sự hiện diện khắp nơi của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Theo Greg Poling, Giám đốc AMTI, Philippines, Indonesia và Việt Nam ít nhiều đã đứng vững năm 2022. “Nhưng sẽ không tránh khỏi những pha va chạm và những sự cố tiềm ẩn nguy cơ có thể leo thang.”[3]
Cuối tháng 12, con tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc, Hải cảnh 5901, đã được triển khai xuống khu vực phía nam Biển Đông gần 1 tháng, với nhiều ngày dừng chân ở Bãi Tư Chính và các khu vực gần mỏ Cá Ngừ thuộc Indonesia và bãi cạn Luconia.[4]
Bản đồ AIS sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5901 trong hơn một tháng qua ở vùng đặc quyền kinh tế các nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Hiện tàu đã quay lại Hải Nam, nhưng nhiều tàu hải cảnh khác vẫn đang hiện diện ở Biển Đông. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic
Không chỉ tăng cường hiện diện, hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc tích cực cản trở hoạt động thực thi pháp luật của các quốc gia ven biển
Ngày 1/2/2023, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã bám đuôi tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio (PS-17) của Hải quân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, theo quan sát của Ray Powell, Giám đốc Dự án Biển Đông ở Đại học Stanford. Tính đến 1 giờ chiều giờ giờ Manila, hai tàu dân quân biển Trung Quốc đã rời thực thể Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa đã có động thái “chặn” tàu Bonifacio khi nó đi vòng quanh Bãi Cỏ Rong. Hải cảnh Trung Quốc “dường như đã không can thiệp” vào hoạt động này của dân quân biển Trung Quốc, Powell nói với RFA.[5] Cùng thời gian này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đang có chuyến thăm Philippines để thúc đẩy việc tiếp cận tốt hơn các căn cứ quân sự địa phương.
Người phát ngôn cảnh sát biển Philippines Armand Balilo đã xác nhận thông tin trên.[6]
Powell nói thêm rằng một tàu dân quân khác “dường như quay đầu lại khi nhận ra tàu Philippines sẽ không tiếp cận Bãi Cỏ Mây”.
Manila cho biết trong những tháng gần đây, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động và quấy rối các tàu thực thi pháp luật của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vào tháng 11/2022, hải cảnh CCG 5203 đã chặn một tàu Hải quân Philippines đang kéo một số mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc và lấy lại mảnh vỡ. Vào đầu tháng 12/2022, hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc đã ngăn chặn một con tàu tiếp cận Bãi cạn Scarborough, chỉ cách Vịnh Subic chiến lược 198 km (123 dặm) nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Cũng vào tháng 12/2022, hải cảnh CCG 5205 đã cố gắng cản trở một tàu hải quân Philippines đang chở đồ tiếp tế cho quân đội đóng quân tại Bãi Cỏ Mây.[7]
Vào cuối tháng Giêng vừa rồi, hải cảnh Trung Quốc đã áp sát và tìm cách xua đuổi 5 tàu Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku. Người phát ngôn lực lượng hải cảnh Trung Quốc nói rằng những tàu này, trong đó có tàu nghiên cứu Shinsei Maru, đã “xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc bất hợp pháp” và hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết nhằm “bảo vệ quyền hàng hải và thực thi pháp luật” trong khu vực mà Trung Quốc coi là quyền tài phán của mình. Trong khi đó, phía bên Nhật Bản xác nhận họ đã cảnh cáo 4 tàu hải cảnh Trung Quốc cố gắng tiếp cận một tàu tư nhân và 3 tàu đánh cá của Nhật Bản trong vùng biển xung quanh quần đảo.[8]
Thao túng và minh bạch thông tin
Báo cáo của AMTI cũng đưa ra bằng chứng cho thấy tàu Trung Quốc có thể thao túng dữ liệu định danh AIS để che giấu thân phận thực sự. Một trường hợp như vậy liên quan đến một con tàu gần đảo Thị Tứ khai báo thông tin định danh dưới cái tên “Dujuae” và tự nhận mình là tàu chở hàng. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh tiết lộ rằng con tàu thực sự là tàu hải cảnh lớp Zhaojun (Type 718B) dài 101 mét.[9]
Theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, các tàu có trọng tải trên 300 tấn (trừ tàu chiến) đều cần phải bật AIS khi tham gia các hành trình xuyên biển quốc tế. Trong bối cảnh AIS có thể dễ dàng bị thao túng như bằng chứng của AMTI là một ví dụ, các quốc gia yếu hơn chủ động minh bạch về diễn biến thực địa có thể là giải pháp giúp tránh được những sự cố tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột. Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Indonesia đều đã có những báo cáo về sự quấy nhiễu và cản trở của hải cảnh Trung Quốc. Câu hỏi là với việc hiện diện gần như hàng ngày của hải cảnh Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, có hay không những sự cố tương tự xảy ra đối với Việt Nam?
Theo ước tính của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Hải cảnh Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một hạm đội khoảng 150 tàu, trong đó có những tàu trước đó là tàu chiến thuộc biên chế hải quân. Mỗi tàu có trọng tải ít nhất 1.000 tấn, một số tàu được trang bị pháo hải quân tương tự như tàu chiến, theo hình ảnh Kyodo ghi lại ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc vào cuối tháng 1/2023.[10]
———-
Chú thích
[1] Flooding the zone: China Coast Guard Patrols in 2022. (2023, January 30). Asia Maritime Transparency Initiative. https://amti.csis.org/flooding-the-zone-china-coast-guard-patrols-in-2022/
[2] RFA staff (2023, January 31). Report: China Coast Guard ‘more robust than ever’. Benar News. https://www.benarnews.org/english/news/malaysian/china-coast-guard-01312023022315.html
[3] Đã dẫn.
[4] Nhóm theo dõi thực địa (2023, January 14). Trung Quốc Triển Khai Tàu Hải Cảnh Lớn Nhất Gần Bãi Tư Chính Và Mỏ Cá Ngừ Sát Ranh Giới EEZ Giữa Indonesia Và Việt Nam. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. https://dskbd.org/2023/01/14/trung-quoc-trien-khai-tau-hai-canh-lon-nhat-gan-bai-tu-chinh-va-mo-ca-ngu-sat-ranh-gioi-eez-giua-indonesia-va-viet-nam/
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. (2023, February 4). Hải cảnh 5901 quay trở lại Bãi Tư Chính [Facebook post]. https://www.facebook.com/daisukybiendong/posts/6146561328697844
[5] RFA Staff (2023, February 2). China’s coast guard ‘monitors’ Philippine navy ship in disputed territory. RFA. https://www.rfa.org/english/news/southchinasea/china-coast-guard-philippines-02022023050040.html
[6] Cecilia Yap (2023, February 5). Philippines Says Four Chinese Vessels Tailed Its Navy Ship. Bloomberg. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-02-05/philippines-says-four-chinese-vessels-tailed-its-navy-ship
[7] Đã dẫn. Xem chú thích [5]
[8] China puts into operation expanded coast guard fleet of 150 vessels. (2023, February 1). Kyodo News. https://english.kyodonews.net/news/2023/02/801b961e7e16-china-puts-into-operation-expanded-coast-guard-fleet-of-150-vessels.html
[9] Đã dẫn. Xem chú thích [1]
[10] Đã dẫn. Xem chú thích [8]