Phường Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ), trong nhiều năm qua, ép dân nộp tiền tỷ để chi tùy tiện nhưng không xử lý, nay nhiều người… lên chức.
Hơn một năm trước, Bộ Công an lập danh sách 10 vụ tham nhũng điển hình cả nước, trong đó có vụ ở phường Thuận Hưng, thu tiền của dân để ngoài sổ sách, chi sai nguyên tắc và có dấu hiệu tham ô 2,95 tỷ đồng, 339 chỉ vàng 24K (bị phát hiện năm 2004).
Con đường làm bằng ngân sách nhưng phường vẫn thu tiền của dân |
Vụ chưa xử lý thì ở phường Thuận Hưng lại xảy ra vụ khác.
Ép dân nộp tiền
Ông Lê Công Trận ở khu vực Tân Phú kể, gia đình ông bị ép buộc nộp hơn 1 triệu đồng để làm con đường từ chợ Thuận Hưng đến cầu Ông Mỏng, dài gần 3 km. Ép buộc là vì, phải nộp tiền mới được chứng thực các loại giấy tờ hành chính, từ mua bán đất đai, khai sinh, khai tử đến học hành, đi làm.
Hàng trăm hộ dân bị ép như vậy. Có người nghèo nên phải nộp nhiều lần, như bà Đàm Thị Kim Hai phải nộp 9 lần, tổng cộng 2.485.000 đồng. Nâng cấp con đường từ quốc lộ 91 vào phường, dân cũng bị ép nộp tiền tương tự. Việc này diễn ra từ năm 2008 đến 2011. Đường làm xong, người dân mới ngỡ ngàng, ngân sách quận đã cấp gần 3,6 tỷ đồng cho hai con đường. Lãnh đạo phường giải thích, con đường thứ nhất, ngân sách quận chỉ cấp một nửa, còn lại phải thu của dân; con đường thứ hai tính thu tiền của dân để mở rộng thêm nhưng không thực hiện. Thu của dân bao nhiêu tiền, đến nay vẫn chưa có con số chính xác.
Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, ông Nguyễn Ngọc Hè, cho biết: “Phường không cập nhật số tiền thu được đầu tư vào tuyến đường nào hoặc chi xuất cho nội dung gì nên không thể hiện rõ số liệu cụ thể. Đồng thời, phường không công khai việc thu, chi cho người dân biết”.
Theo Chủ tịch Hè, phường báo cáo có ra phiếu biên nhận và ghi sổ vận động nhưng các phiếu biên nhận không lưu giữ, sổ vận động thì mất. Con đường thứ nhất, bước đầu xác định được, thu của dân hơn 400 triệu đồng. Còn con đường từ quốc lộ vào phường mà ngân sách đã cấp tiền làm: Thường trực Quận ủy xác định, thu của dân “khoảng 200 triệu đồng và dự báo sẽ còn cao hơn”; Đảng ủy phường Thuận Hưng cho rằng, chỉ thu của dân 12.640.000 đ; Thanh tra quận làm việc với một số hộ dân đã phát hiện 31.440.000 đ và “có người dân không nhớ rõ đã đóng bao nhiêu, đưa cho ai”.
Chi tùy tiện
Về chi tiêu, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Ngọc Hè cho biết: “Tổng số tiền đã sử dụng và chi vào mục đích nào thì hiện nay không ai nắm rõ do thời gian dài không kiểm soát thu, chi”.
Ủy ban Kiểm tra Quận ủy phát hiện, phường sử dụng tiền dân góp làm đường để: “Chi hỗ trợ cán bộ ốm đau, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ phong trào hội khuyến học và một số công việc hành chính của phường”. Thanh tra quận cho biết thêm, thu của dân cho con đường này nhưng có “chi xuất phục vụ các tuyến đường khác”.
Vụ việc chưa xử lý được vì nhiều người liên quan lại tham gia giải quyết và nay là cán bộ chủ chốt của quận. Hai cán bộ phường mà nhiều đơn tố cáo của người dân cho là đứng đầu danh sách tiêu cực: Bí thư Đảng ủy Võ Trúc Khanh và cháu rể của ông Khanh là ông Huỳnh Đức Nhã, cán bộ văn phòng trực tiếp buộc người dân phải nộp tiền.
Bên cạnh là Chủ tịch UBND phường Phạm Trung Hiếu. Vụ việc kéo dài nên còn có trách nhiệm của các vị giữ chức vụ kế tiếp: Bí thư Đảng ủy phường Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND phường Trần Thanh Hoài và Nguyễn Thành Hưởng. Khi người dân phát hiện tiêu cực, ông Phạm Văn Tâm làm Bí thư Đảng ủy phường (thay ông Khanh đã lên làm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thốt Nốt) nhưng không giải quyết. Sau đó, ông Tâm lên làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy; lại được cử về chỉ đạo giám sát, xử lý vụ việc; chỉ kỷ luật cảnh cáo Đảng ba ông là Khanh, Nhã, Hoài. Hiện nay, ông Khanh đã nghỉ hưu.
Những người liên quan: Ông Tâm và ông Hiếu làm Phó chủ tịch UBND quận, ông Hưởng làm Trưởng phòng Nội vụ quận, ông Hoài làm Phó phòng TN&MT quận Thốt Nốt. Ông Nhã vẫn là cán bộ văn phòng UBND phường Thuận Hưng. Nhiều người dân đang ký đơn tập thể yêu cầu làm rõ số tiền thu của dân và xử lý hành vi tiêu cực, dứt điểm vụ việc.
Theo Báo NN