Việt Nam Thời Báo

Hàng loạt quan chức xin nghỉ hưu sớm: Không quá bất thường!

Đúng là việc “từ quan” xảy ra khá dồn dập dễ tạo cảm giác bất thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc “từ quan” để sắp xếp nhân sự cho dễ lại là việc không quá bất thường.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói về việc hàng loạt quan chức xin nghỉ hưu sớm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra quan điểm như trên trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông xung quanh sự việc hàng loạt quan chức xin nghỉ hưu sớm, một tiền lệ chưa từng xảy ra.

Sau việc Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự từ nhiệm, Bí thư Thành ủy Hải Dương và hàng loạt lãnh đạo quận, huyện của Hà Nội cũng xin nghỉ hưu sớm chỉ trong thời gian ngắn. Ông có cho rằng, đây là sự bất thường khi việc “từ quan” diễn ra dồn dập như vậy?

Đúng là việc “từ quan” xảy ra khá dồn dập dễ tạo ra cảm giác bất thường. Tuy nhiên, tôi cho rằng ở thời điểm sắp diễn ra đại hội Đảng các cấp, việc “từ quan” để sắp xếp nhân sự cho dễ lại là việc không quá bất thường. Đằng nào cũng nghỉ, nghỉ sớm một vài tháng chẳng mất gì. Kéo thêm một vài tháng không khéo người đã được mình dìu dắt, bồi dưỡng lại gặp khó khăn. Bởi thế, nhường quyền sắp xếp nhân sự cho những người kế nhiệm rất có thể tạo ra một xu thế lành mạnh trong sinh hoạt chính trị ở nước ta.

Cũng có người đặt vấn đề, phải chăng một số người xin từ chức là vì mục đích này hay mục đích khác, chứ không phải vì có tự trọng hay do không “tham quyền cố vị” nữa. Dư luận có quyền đặt ra mọi câu hỏi. Vấn đề là khả năng giải trình của các quan xin từ chức. Cái khổ là khi người ta đã xin từ chức, thì động lực để giải trình cũng chẳng còn bao nhiêu nữa.

Theo ông, liệu đây có phải là tiền lệ để tạo ra “văn hóa từ chức”, điều mà xưa nay rất hiếm khi xảy ra?

Khó có thể khẳng định điều đó bởi, văn hóa từ chức được hình thành từ rất nhiều yếu tố. Sự thôi thúc nội tâm, môi trường xã hội, các cơ hội bên ngoài “chiếc ghế”, truyền thông… là một số trong những yếu tố như vậy. Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc từ chức nhẹ nhàng như vừa qua cũng có thể góp phần hình thành dần văn hóa từ chức.

Nếu như ở nước ngoài việc từ chức rất nhẹ nhàng, thì ở Việt Nam, đây là câu chuyện không hề đơn giản. Trong nhiều nguyên nhân, phải chăng có nguyên nhân công tác cán bộ là công tác của Đảng và bất cứ ai từ chức cũng được xem là từ chối nhiệm vụ mà Đảng phân công?

Việc từ chức ở ta khó hơn ở các nước phát triển. Chức quyền nhiều khi còn được coi là nhiệm vụ chính trị được Đảng giao. Từ chức nghĩa là từ chối nhiệm vụ được giao. Một việc làm như vậy khó có thể được đánh giá cao, xét từ góc độ kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc từ chức ở ta cũng không phải là quá khó, không thể làm được. Muốn từ chức, anh cứ làm đơn trình bày cho thấu tình, đạt lý. “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, làm đơn vài lần rồi cũng sẽ được chấp nhận. Tôi nghĩ, việc xin chức còn khó hơn việc từ chức rất nhiều.

Chức vụ có thể tạo điều kiện để có những khoản thu nhập lớn ngoài lương và vô số những bổng lộc khác. Chính vì thế mà khi từ bỏ, quan chức không biết làm gì khác để sống. Ông có cho rằng đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến ai đã có chức quyền sẽ không bao giờ chịu từ bỏ?

Tôi thì cho rằng, về hưu, cơ hội để tiếp tục làm việc và công hiến không phải là nhu cầu thiết yếu đối với cán bộ ở Việt Nam, cũng như ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Nhưng từ chức lại là một chuyện khác. Từ chức không phải là về hưu. Vấn đề là nhiều khi việc từ chức lại đồng nghĩa với chuyện về hưu, đặc biệt là đối với những người đã nắm giữ chức vụ quá to. Cái truyền thống “đã lên không xuống, đã vào không ra” dường như đã tước mất của người ta cơ hội làm một công dân bình thường, làm việc như một công dân bình thường. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng chỉ đạo, điều hành là một năng lực gắn với chức quyền. Ngoài năng lực này ra anh không còn năng lực gì khác, thì từ chức rồi sẽ làm việc gì cũng là câu hỏi không dễ trả lời.

Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên ủng hộ việc từ chức sớm, chứ không phải việc về hưu sớm. Về hưu sớm còn gây nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội!

Cảm ơn ông!

Cuối tháng 5, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam bất ngờ “treo ấn từ quan”, trong khi còn hai năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Tiếp sau đó, ông Phạm Thế Tập, Bí thư Thành ủy Hải Dương cùng hàng loạt lãnh đạo quận, huyện của Hà Nội cũng nộp đơn xin nghỉ công tác sớm để chờ hưu. Nếu như trường hợp ông Nguyễn Sự từ quan là do muốn nhường lại cơ hội cho lớp trẻ thì tất cả những trường hợp còn lại đều chỉ còn vài tháng là đến tuổi hưu.

Theo báo GTVT

Tin bài liên quan:

Tri túc Nguyễn Sự: Cái đủ cho một chức quan cộng sản

Phan Thanh Hung

VNTB – Chạy án tham nhũng

Do Van Tien

Nhiều ngân hàng bị mua 0 đồng: Tại sao Thống đốc Bình không phải ra chất vấn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo