Người tiêu dùng
“Cuộc chiến” giá sàn vé máy bay giữa VietJet Air với “người một nhà” Vietnam Airlines và Jestar Pacific Airlines đang nóng dần. Nhiều thông tin đã phân tích rõ rằng “khơi mào” để đạt mục đích Vietnam Airlines thu thêm 2.600 tỷ đồng, còn Jestar Pacific Airlines sẽ đỡ hụt hơi và bớt thua lỗ. Nhưng với lý do hay biện hộ gì thì đề xuất phi thị trường này rất khó được người tiêu dùng chấp nhận, nhất là khi quyền quyết định thuộc về họ chứ không phải mệnh lệnh hành chính nào.
Ai cũng thấy rõ rằng chẳng đời nào một tỷ phú đô la như bà chủ VietJet Air lại “chiêu đãi” khách hàng bằng những tấm vé máy bay dưới giá thành hay không lợi lộc gì. Nếu vậy hãng này có lẽ không phát triển và có chỗ đứng như ngày nay. Cả Vietnam Airlines, Jestar Pacific Airlines lẫn những nhà quản lý đừng lo giùm người khác vì hơn ai hết VietJet Air biết làm gì để tìm lợi nhuận. Hơn nữa còn có Luật Cạnh tranh cùng những biện pháp chống bán phá giá chế tài.
Tôi cho rằng, khi không cạnh tranh lành mạnh được, tốt nhất nên tự hỏi mình vì sao và tự thân vận động để tồn tại. Đó có thể là tái cấu trúc, cắt bỏ những “khối u”, giảm những chi phí không cần thiết hay bớt lại bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả. Thời buổi này những danh xưng hào nhoáng xem ra không thể đọ lâu dài với những đầu tư mang lại “tiền tươi thóc thật” nên cực khó để mong chờ một quyết định hành chính phi thị trường “cứu giúp” mình.
Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nơi trên thế giới, cơ quan nhà nước không thể quyết định thay cho người tiêu dùng hay doanh nghiệp. Một hãng xe máy cực lớn đã phải “tuân” theo khách hàng, hạ giá về đúng giá trị thật khi có sự cạnh tranh sòng phẳng của các nhà sản xuất khác. Mobifone, Vinafone đã phải bỏ cách kinh doanh “tôi bán theo cách của tôi” khi Viettel rồi hàng loạt nhà mạng khác ra đời. Người tiêu dùng cũng hưởng lợi không ít bởi các nhà cung cấp internet hay truyền hình cáp chẳng còn hiếm hoi như trước. Riêng hành khách đi máy bay chắc rất nhiều người không có dịp dùng dịch vụ hàng không nếu VietJet Air không tung ra những mức cước hợp lý hơn những hãng đi trước. Còn rất nhiều ví dụ khác mà Vietnam Airlines và Jestar Pacific Airlines nên tìm hiểu trước khi đòi cho bằng được quyền không phải của mình.
Cần sòng phẳng với nhau, VietJet Air hay bất cứ nhà cung cấp nào cũng chỉ đem đến cho khách hàng những dịch vụ và mức giá mà họ thấy rõ lợi nhuận trực tiếp hay gián tiếp. Chẳng bao giờ có chuyện VietJet Air hay ai đó lỗ lã khi tung ra giá vé cực rẻ bởi tính tổng ghế của cả chuyến bay hay cân đối giữa các đường bay họ luôn có lợi nhuận. Còn vì sao hai hãng đề nghị giá sàn làm không tốt hoặc hoặc không được thì nên tự trách mình. Bên cạnh đó, giá sàn chỉ có lợi cho hãng không khuyến khích cạnh tranh, vì khách hàng và trái với quy luật thị trường nên chấp nhận là đi ngược với những gì nhà nước khuyến khích lâu nay.
Không cần phải phân tích thêm quy định giá sàn sẽ ảnh hưởng xấu thế nào đến hàng triệu hành khách. Tôi chỉ muốn thêm rằng quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014. Còn cứ muốn áp dụng giá sàn cũng chẳng phù hợp với thông lệ quốc tế bởi không có hãng hàng không hay bất kỳ quốc gia nào còn quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách. Nếu chưa làm được thì cũng đừng nên làm ngược và người tiêu dùng sẽ là người quyết định sáng suốt nhất giá dịch vụ. Dẫu có cực rẻ nếu không hài lòng dần họ sẽ tẩy chay và ngược lại. Mệnh lệnh nào chắc chắn sẽ không thay đổi được điều đó.