Việt Nam Thời Báo

Hội nghị Trung ương 10 và câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh

Thiên Điểu

 

(VNTB) –Câu chuyện số phận của ông Nguyễn Bá Thanh ra sao, dù màn chót là gì thì riêng việc ông tiếp tục bị loại trong cơ cấu BCT lần này cũng cho thấy một bước thụt lùi. Một khoảng trống vô định cho bóng dáng minh bạch, định hướng  chính trị trong tương lai mà chế độ nhà nước Việt Nam sẽ phải đối mặt sau Hội nghị trung ương 10.
Thăng trầm một cuộc chơi
Khởi đầu năm mới 2015, sau nhiều những lý do cuối năm 2014, Hội nghị Trung ương 10 đã trì hoãn kế hoạch khai mạc tới hơn 2 tháng mới bất ngờ khai mạc vào ngày 05/01/2015.
Cái bất ngờ của Hội nghị TW 10 có thể bắt đầu bằng việc thông báo hoãn tới 2 lần – một việc chưa có tiền lệ trong các cuộc họp TW từ trước tới nay. Việc hoãn sẽ không có gì đáng bàn cãi nhiều nếu như trong thời gian hoãn không có những vụ lùm xùm đình đám và trong bối cảnh chính trị có nhiều nhạy cảm. Và một trong những ‘’nhạy cảm’’ đó chính là vai trò của đương kim Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh.
Từ vị trí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Thanh được rút ra Hà Nội để đảm trách vị trí đứng đầu một cơ quan mới được Bộ chính trị khôi phục lại là Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan được dư luận đánh giá là cơ quan của Đảng – “đối trọng” với UB Chống tham nhũng của Chính phủ – với thêm một chức danh kiêm nhiệm là Phó trưởng ban chống tham nhũng của Trung ương Đảng. Từ nhận định trên, người ta đã mặc nhiên nhìn nhận đối thủ chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh chính là các quan chức dính dáng tham nhũng trong Chính phủ.
Khởi đầu bước đường chông gai của ông Thanh ở vị trí mới được xác lập bằng những phát ngôn đấy quyết tâm và mang rõ hàm ý đối kháng không khoan nhượng. Dấu hiệu trắc trở theo đó cũng bắt đầu lộ ra khi ông Thanh bất ngờ không lọt vào Bộ chính trị – một vị trí quyền lực khả dĩ cho phép ông có một cơ sở bảo đảm độ ‘’an toàn’’ cao hơn, phù hợp hơn với nhiệm vụ được giao.
Chỉ hơn một năm ở vị trí mới, Ban Nội chính Trung ương với sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Thanh đã ghi được một số dấu ấn khi xuất hiện ở vai trò quyết định trong một số vụ án đình đám. Mặc dù những vụ án ấy cũng bị đánh giá là có hơi hướng đấu đá giữa các phe nhóm trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là: Ông Thanh đã làm được những việc có ý nghĩa nhất định.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh diễn ra cùng lúc với bối cảnh xáo trộn mạnh mẽ khuynh hướng chính trị toàn diện của bộ máy chính quyền tại Việt Nam. Cuộc xâm lược kiểu mới của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông cùng những biến động trên cục diện toàn cầu khiến các lãnh đạo nhà nước Việt Nam rơi vào trạng thái lúng túng trong việc định hướng các lựa chọn chính trị cho chế độ. Việc duy trì hình ảnh hữu hảo, tình đồng chí anh em với người láng giềng Trung Quốc không còn đủ tính thuyết phục khi Trung Quốc dùng giàn khoan HY 981 làm công cụ, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam, làm dấy lên ý thức phản kháng gay gắt từ người dân. Vấn đề cải cách thể chế bị đặt vào những dữ liệu nan giải khi muốn chuyển sang dân chủ thì xuất hiện mối lo ngại vai trò lãnh đạo độc tôn của ĐCS sẽ bị đe dọa. Việc xây dựng một nền tảng chính trị khác lại không có khả năng thiết kế các cấu trúc về lý luận cũng như mô hình hợp lý.
Cuộc chiến chống tham nhũng vốn là lá bài tẩy để ĐCSVN hi vọng lấy lại được chút ít hình ảnh và uy tín trong dân.
Những bế tắc ngày càng rối rắm hơn khi cơn xoáy khủng khoảng kinh tế và tác hại của nó được TQ lợi dụng triệt để, từ đó thông qua đầu tư, các khoản vay mượn, TQ tiếp tục thọc tay vào các ngõ ngách quyền lực ở VN bằng một chiến lược sức mạnh mềm nhưng không cần che giấu mục đích thực sự. Nó tạo ra cơ hội để các phe nhóm lợi ích có nhiều lựa chọn khi phản công nhau, triệt hạ đối thủ, tự bảo vệ mình. Nếu đặt các sự kiện trên lăng kính ấy, người ta dễ dàng lý giải được tại sao cuộc chiến chống tham nhũng được chính Tổng bí thư ĐCSVN  trực tiếp phát động và hậu thuẫn, nhưng chưa bao giờ chạm tới cái ngưỡng mà người dân mong đợi. Sau vụ việc Phạm Quý Ngọ, Vinalines…, người ta đã phong phanh nhắc tới cái tên một vài vị bộ trưởng nhưng sau đó thì im ắng. Các tín hiệu mang tính ‘’dọn đường’’ nhằm vào các quan chức cao hơn nữa cũng mau chóng bị chìm khuất.
Chính những động thái cò cưa, đưa qua đẩy lại xoay quanh cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo cơ hội hình thành bi kịch đối với bản thân Nguyễn Bá Thanh. Ngay vào thời điểm BCT tiến hành thiết lập cơ cấu nhân sự cho nhiệm kỳ mới, trước thềm Hội nghị TW 10 vài tháng thì ông Nguyễn Bá Thanh bất ngờ lâm bệnh. Trước mắt, do chưa có cơ sở kiểm chứng chính thức một cách rõ ràng nên tạm gác qua thông tin đồn đoán “ông Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ và nó là kết quả bởi bàn tay một quan chức cao cấp đứng sau tạo ra”. Điều rõ ràng và chắc chắn nhìn thấy ngay là: Ông Thanh sẽ không có mặt trong cơ cấu BCT ‘’vì lý do sức khỏe’’. Điều này cũng đồng nghĩa vị trí Trưởng ban Nội chính của ông cũng sẽ sớm có thay đổi.
Ở một số diễn biến khác, người ta có thể nhìn thấy và đặt ra vài giả thuyết liên quan vấn đề bệnh tật của ông Thanh trong thời gian ông đi chữa bệnh ở nước ngoài. Vụ phanh phui khối tài sản khổng lồ của nguyên tổng thanh tra chính phủTrần Văn Truyền được kết thúc bằng một ‘’bản án’’ là kiểm điểm tư cách Đảng (!?) với kết luận, xử lý như vậy. Rõ ràng khía cạnh có hay không tội danh ‘’tham nhũng’’ đối với ông Truyền đã được loại ra ngoài sự chú ý, mong mỏi của bất cứ ai quan tâm. Với phong cách làm việc của ông Nguyễn Bá Thanh, nếu ông không bị bệnh thì liệu vụ Trần Văn Truyền có dừng lại ở mức như vậy?
HY 981, Nguyễn Bá Thanh và…?
Có một cách nhận định khác, liên quan vấn đề cơ cấu vị trí các UVBCT mà người ta gán vào căn bệnh của ông Thanh, là “bị đầu độc bởi âm mưu cạnh tranh vị trí Thủ tướng do hiện khu vực miền Trung chỉ có một UVBCT  đang nắm giữ một số lợi thế nhất định”.
Việc xuất hiện blogger chandungquyenluc với hàng loạt các bài viết có chủ đích nhắm vào Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một facebooker Sao Băng đưa ra những nguồn tin khá chính xác mà bất cứ ai cũng có thể tin chắc là nó được lấy nguồn từ nội bộ, hé mở thêm một khía cạnh gay gắt hơn rất nhiều những câu chuyện hậu trường chính trị Việt Nam.
Nếu nhìn toàn cục các diễn biến theo một cảm quan rằng nó liên quan việc đấu đá nội bộ và gắn các dữ kiện liên quan có dấu vết TQ, thì việc Hội nghị TW 10 bất ngờ khai mạc vào ngày 05/01 vừa qua có liên quan gì chuyến công du của Du Chính Thanh qua Việt Nam trước đó?
Đặc biệt hơn, có một động thái cũng bất ngờ không kém là thông tin giàn khoan HY 981 ‘’di chuyển vào Biển Đông’’ chỉ một vài ngày trước khi khai mạc. Giàn khoan HY 981 chính là giàn khoan đã ngang nhiên xâm phạm rất sâu vào lãnh hải của Việt Nam, gây nên một cơn địa chấn chính trị với rất nhiều hậu quả bất lợi cho chính quyền Việt Nam hồi tháng 5/2014. Sau khi rút đi, HY 981 để lại một sân bay quân sự đã hoàn thiện cơ bản trên quần đảo Trường Sa, chứng minh rằng bản thân HY 981 chỉ là một con cờ trong nước đi nhằm tới mục đích xâm chiếm Việt Nam, một phương tiện truyền tải thông điêp từ TQ tới chính quyền Hà Nội.
Từ khi rút về, tên tuổi và hành trình của HY 981 luôn được truyền thông chú ý và công khai một cách rất chi tiết. Chuyến đi không hề có tín hiệu nào lần này của HY 981 rõ ràng cũng rất bất thường. Có hay không một động thái mang tính đe nẹt ngấm ngầm trong thông điệp nào đó từ TQ? Bởi vì dù cho có ngây thơ tới đâu, người ta cũng không khó để khẳng định rằng: Nếu HY 981 lần này lại kéo vào vùng biển Việt Nam thì toàn bộ cấu trúc quyền lực của chế độ sẽ bị “vỡ nát” không gì cứu vãn nổi, khi mà trước đó, hầu hết các quan chức lãnh đạo hàng đầu đã phải vất vả ra sao trong việc ổn định tư tưởng người dân liên quan chính sách đối với TQ sau trận sóng gió năm 2014 mà nó đã gây ra.
Ai cũng biết, khi còn đương chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chính ông Thanh đã nhiều lần không ngần ngại đụng chạm ‘’yếu tố TQ’’ một cách rõ ràng, không thua kém mấy so với các phát ngôn liên quan hoạt động chống tham nhũng của ông.
Quay lại vấn đề cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh.
Thông tin trên truyền thông chính thức của nhà nước Việt Nam rõ ràng đang bị rơi vào vòng hỏa mù khi thông tin về bệnh tình của ông bỗng trở nên ‘’tuyệt mật’’. Nó bí mật còn hơn cả đối với trường hợp các nguyên thủ đứng đầu đất nước, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới.
Suốt thời gian ra nước ngoài điều trị, không có bất cứ thông tin cụ thể nào về ông được công khai, tiết lộ trên truyền thông. Loại thông tin được giữ chặt tới mức như vậy, chắc chắn phải có ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, chính trị quốc gia chứ không chỉ đơn giản là bí mật riêng tư bình thường. Nó khiến người ta càng dễ tin hơn vào các tin tức đưa ra từ chandungquyenluc.bogsport.com, một kênh thông tin đang khẳng định sự thách thức mọi quy chế kiểm soát thông tin mà chính quyền Việt Nam đưa ra.
Câu chuyện số phận của ông Nguyễn Bá Thanh ra sao, dù màn chót là gì thì riêng việc ông tiếp tục bị loại trong cơ cấu BCT lần này cũng cho thấy một bước thụt lùi. Một khoảng trống vô định cho bóng dáng minh bạch, định hướng  chính trị trong tương lai mà chế độ nhà nước Việt Nam sẽ phải đối mặt sau Hội nghị trung ương 10.
———————

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tiền lẻ B.O.T: Bài học lớn cho hoạt động xã hội dân sự

Phan Thanh Hung

VNTB- Câu chuyện chặn xe cứu thương & “Văn hóa lợi ích nhóm” trong xã hội

Phan Thanh Hung

VNTB- Chấn động hậu đại hội và nhọc nhằn tạo hình ảnh để ‘an dân’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo