Thiên Điểu
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Cuộc biểu tình của phong trào Chiếm trung tâm ở Hồng Kông đang đi vào giai đoạn cao trào. Các vấn đề chính sách và đường lối hành xử của cả hai bên – chính quyền và người biểu tình – đã và đang bộc lộ ngày càng rõ nét.
Dấu hiệu gia tăng các thành phần tham gia, ủng hộ cuộc biểu tình ở Hồng Kông, các vụ biểu tình, phản kháng gia tăng trong thời gian gần đây ngay trong lòng Trung Hoa đại lục đã chứng minh sức lan tỏa ngày càng rộng của thông điệp từ Hồng Kông.
Con Cáo và Chùm Nho
Những người biểu tình Hồng Kông đã đem đến cho cả thế giới một thông điệp, một phương thức đấu tranh dân chủ mang tính điển hình. Kiên nhẫn, ôn hòa nhưng đầy quyết liệt và dứt khoát. Vừa thu hút, lôi cuốn mọi người, mọi thành phần, vừa tạo dựng một hình ảnh đầy thuyết phục.
Về phía chính quyền Hông Kông – thực tế là chính quyền Trung Quốc – đã bộc lộ cả sự lúng túng lẫn ý chí quyết tâm áp đặt kiểu cường quyền quen thuộc.
Những tưởng khi lượng người biểu tình giảm xuống và bằng các thủ đoạn chia rẽ, mượn tay giang hồ quấy rối sẽ triệt tiêu được cuộc biểu tình, nhưng tuyên bố đầy tráo trở của Lương Chấn Anh hủy bỏ đàm phán lập tức được đáp trả bởi một cuộc tập trung người biểu tình đông hơn gấp nhiều lần, tỏ rõ một ý chí đoàn kết và quyết liệt hơn rất nhiều đã đẩy chính quyền Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông vào thế lúng túng, bất ngờ.
Thái độ ôn hòa, đầy nhân văn của cuộc biểu tình khiến chiêu trò cho những kẻ gây rối tời phá đám mất tác dụng khi quá trơ trẽn, không thể tìm thấy đối tượng hợp lý để ra tay. Thậm chí, việc giả mạo hình ảnh tung tin “người biểu tình hành hung cảnh sát” cũng bị lật tẩy ngay tức khắc là giả mạo(!). Huy động một lực lượng đông đảo cảnh sát nhằm uy hiếp tinh thần cũng thất bại trước một lực lượng đông đảo, đoàn kết. Việc trấn áp bằng dùi cui, hơi cay… cũng sớm phá sản trước các phản ứng hết sức khéo léo từ người biểu tình.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã lại phải muối mặt chấp nhận đối thoại, đàm phán với đại diện người biểu tình.
Cách hành xử của chính quyền Hồng Kông cho thấy rất rõ bản chất lươn lẹo, tráo trở khi luôn nhằm tới mục địch dẹp tan cuộc biểu tình, tiếp tục thực thi âm mưu áp đặt chế độ bầu cử theo chủ trương từ Bắc Kinh. Nó khiến người ta liên tưởng câu chuyện ngụ ngôn “Con Cáo và Chùm Nho”. Con Cáo sau khi tìm đủ mọi cách dối trá để hòng ăn chùm nho không được, chấp nhận phải bỏ đi nhưng lại nói “Nho còn xanh lắm” (!)
Chùm nho còn xanh – thật sự xanh
Với nòng cốt là lực lượng sinh viên, phong trào biểu tình Chiếm trung tâm thật sự là một phong trào của lớp thế hệ trẻ. Tuổi trẻ và bầu nhiệt huyết căng tràn khao khát tự do, khao khát thể hiện mình được sự giúp sức bởi kinh nghiệm những nhà hoạt động lão luyện đã tạo nên một không khí cách mạng vừa năng động, vừa tươi trẻ, khiến bất cứ ai cũng bất ngờ và cảm phục.
Ý đồ tham lam, nôn nóng muốn đồng hóa Hồng Kông vào một thể chế độc tài, áp đặt của chính quyền Bắc Kinh là minh chứng của sự tráo trở, bộ mặt dối trá khi chính chính quyền Bắc Kinh đã ký vào Hiệp ước 1997 với Vương Quốc Anh: Công nhận Hồng Kông có quyền tự trị và độc lập về chính trị cho tới 2047. Tham muốn quá mức, cộng với nỗi sợ hãi, lo lắng về sự hình thành các phong trào đòi tự trị ở Nội Mông, Tân Cương… khiến chính quyền Bắc Kinh cố tìm mọi cách triệt tiêu tư tưởng dân chù ở đây. Một kiểu “ăn xổi”, tham chiếm càng sớm càng tốt, vô tình đã biến “Chùm Nho xanh” Hồng Kông chín sớm trong bản lĩnh và nhận thức, nhưng vẫn xanh khi “Con Cáo” Bắc Kinh phải nhận câu trả lời chát đắng, không khoan nhượng của tuổi trẻ Hồng Kông.
Việc hứa hẹn đàm phán, dùng thủ đoạn chia rẽ, phá rối rồi cả đàn áp đều thất bại. Cuộc đàm phán lần này dù có nhượng bộ nào từ đại diện phong trào sinh viên Hồng Kông thì một sự thật rõ ràng là chính quyền Hồng Kông – phía sau là chính quyền Bắc Kinh – đã bị buộc ngồi vào vị trí bất lợi, vị trí kẻ thua cuộc trước khao khát tự do, dân chủ.