Ngày 26 tháng Năm năm 2023
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá cao cơ hội được đóng góp vào tiến trình chuẩn bị cho Cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên minh Châu Âu – Việt Nam sắp tới, dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9 tháng Sáu năm 2023.
Chính quyền Việt Nam hạn chế gắt gao các quyền dân sự và chính trị cơ bản, vi phạm Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) đã được Việt Nam ký kết từ năm 1982. Trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Bất kể một tổ chức hay nhóm nào bị coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản đều bị chính quyền cấm thành lập và hoạt động. Nhà cầm quyền chặn đường truy cập tới các trang mạng và yêu cầu các công ty viễn thông và mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung bị coi là nhạy cảm về chính trị. Những người lên tiếng phê phán chế độ độc đảng, bao gồm cả việc phê phán trên mạng xã hội, phải đối mặt với nguy cơ bị công an sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị hành hung thân thể, bắt giữ và câu lưu tùy tiện và truy tố hình sự. Công an giam giữ các nhà hoạt động chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết tội các nhà hoạt động và blogger dựa trên các cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia, và áp đặt những bản án tù dài hạn.
Một nghị định của chính phủ Việt Nam ban hành tháng Tám năm 2022 đã đưa ra các quy định chung chung cấm các tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế hoạt động ở Việt Nam không được làm các việc không phù hợp với “lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội” và “đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam. Nghị định không đưa ra định nghĩa nào về các thuật ngữ nêu trên, nhưng tổ chức nào bị coi là vi phạm các điều khoản này sẽ bị chấm dứt hoạt động.
Vào tháng Tư, một phái đoàn từ Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên Âu đã tới thăm Việt Nam để đánh giá tình hình nhân quyền ở quốc gia này. Sau chuyến thăm, phái đoàn đã “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình nhân quyền ngày một xấu đi ở Việt Nam, cụ thể về tình trạng không gian cho xã hội dân sự đang bị thu hẹp thêm, lạm dụng các điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự để áp chế các tiếng nói phê phán, sách nhiễu các nhà hoạt động, đè nén quyền tự do biểu đạt, nhất là trên không gian mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.” Hơn nữa, phái đoàn còn “kêu gọi phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm các nhà lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, nhà báo và nhà hoạt động môi trường.”
Trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị rằng EU nên theo sát các nhận định của Nghị viện Liên Âu hồi tháng Tư và tập trung vào ba lĩnh vực cần ưu tiên như sau, xét hiện trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam: 1) những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại; và 3) tình trạng đàn áp tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng tôi mong phía EU sẽ yêu cầu phải có các chỉ dấu rõ ràng, cụ thể và dễ đánh giá về tiến bộ trong các lĩnh vực nói trên, và đặt ra các hậu quả đối với quan hệ song phương nếu các vi phạm nêu trên vẫn không được giải quyết.
1. Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị
Việt Nam thường sử dụng các điều khoản có ngôn ngữ mơ hồ và có thể diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các luật khác để truy tố và xử tù các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo. Các điều khoản đó bao gồm “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 109); “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” (điều 116); “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117), và “phá rối an ninh” (điều 118). Việt Nam cũng sử dụng các điều khoản khác trong bộ luật hình sự để đối phó với những người vận động nhân quyền, như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (điều 331) và “gây rối trật tự công cộng” (điều 318).
Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 150 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình. Tính từ sau cuộc đối thoại nhân quyền lần trước giữa EU và Việt Nam vào năm 2022, chính quyền Việt Nam đã kết luận có tội và xử án tù ít nhất là 20 người vì đã lên tiếng phê phán chính quyền hoặc tham gia các tổ chức hay nhóm tôn giáo độc lập, trong đó có các nhà báo công dân Lê Mạnh Hà, các nhà hoạt động dân chủ Đinh Văn Hải và Bùi Văn Thuận từ năm đến tám năm tù giam. Tháng Tám năm 2022, các tòa án ở Hà Nội từ chối yêu cầu kháng cáo của blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang và các nhà hoạt động đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.
Trong tháng Ba và tháng Tư năm 2023, các tòa án kết tội và xử các nhà vận động dân chủ Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Trần Văn Bang từ sáu đến tám năm tù giam.
Ngày 25 tháng Năm, một tòa án Đà Nẵng kết tội Bùi Tuấn Lâm tuyên truyền chống nhà nước và kết án ông năm năm rưỡi tù giam. Chính quyền không cho ông gặp luật sư từ khi bị bắt giữ vào tháng Chín năm 2022, và đến tháng Tư năm 2023 đơn phương tuyên bố ông không muốn có luật sư bào chữa. Vợ ông Bùi Tuấn Lâm khiếu nại kết luận đó và cuối cùng đảo chiều được quyết định, nhưng rồi chính quyền đã trả đũa bằng cách không cho bà dự phiên tòa. Khi bà vẫn xuất hiện bên ngoài tòa án vào ngày xử, bà bị công an khống chế, trấn áp và lôi đi dọc phố khiến bà bị thương ở cả hai chân rồi đến khoảng 7 giờ tối mới được thả, rất lâu sau khi phiên tòa đã kết thúc. Một luật sư bào chữa, Ngô Anh Tuấn, bị đuổi ra khỏi phòng xử trước khi ông trình bày xong phần biện hộ của mình.
Năm 2022, chính quyền Việt Nam đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động NGO. Các tòa án Việt Nam đã xử nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh, với các cáo buộc trốn thuế mang động cơ chính trị, và buộc họ phải ngồi tù. Năm 2018, Ngụy Thị Khanh đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín về môi trường Goldman Environmental Prize vinh danh các nhà hoạt động môi trường cấp cơ sở cộng đồng. Tháng Năm năm 2023, dưới sức ép quốc tế, bà Ngụy Thị Khanh được phóng thích sớm sáu tháng trước khi mãn hạn tù. Cũng trong tháng Năm, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua ý kiến cho rằng chính quyền Việt Nam cần “ngay lập tức phóng thích ông Bách và trao cho ông quyền được bồi thường và các khoản đền bù khả thi.”
Công an cũng bắt giữ các nhà hoạt động Hoàng Ngọc Giao vào tháng Mười hai năm 2022 và Nguyễn Sơn Lộ vào tháng Hai năm 2023.
Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam có quy định rằng viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể ngăn không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74). Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị tình nghi phạm các tội về an ninh quốc gia thường xuyên bị công an giam giữ mà không được tiếp xúc với luật sư với thời hạn tùy ý chính quyền.
Phía EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
– Ngay lập tức phóng thích tất cả những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình.
– Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự cho phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo ICCPR.
– Hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều 74 và 173 của bộ luật tố tụng hình sự và cho phép tất cả những người bị tạm giam vì bị tình nghi về bất cứ hành vi gì, kể cả các tội danh về an ninh quốc gia, được lập tức tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt.
2. Tình trạng hạn chế quyền tự do đi lại
Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên vi phạm quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu ở nơi công cộng và nhiều kiểu hành xử khác khiến việc đi lại hoặc xuất nhập cảnh của họ bị cản trở. Chính quyền thường câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự xử các nhà hoạt động thân hữu, các cuộc gặp với các nhà ngoại giao nước ngoài, và các sự kiện khác liên quan đến nhân quyền.
Cơ quan an ninh quản thúc người dân tại gia bằng cách cho nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào bằng khóa ổ, dựng rào chắn và các chướng ngại vật khác để ngăn cản việc người trong nhà đi ra và người khác tới nhà, huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân phải ở nhà, và thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa cửa ra vào nhà của người dân.
Chính quyền Việt Nam cũng ngăn cản một cách có hệ thống các nhà hoạt động, các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và cả người thân của họ đi lại trong nước hay xuất cảnh đi nước ngoài, trong đó có các vụ chặn giữ tại sân bay hoặc cửa khẩu, và từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác theo quy định để họ đủ điều kiện xuất cảnh hoặc trở về Việt Nam.
Tháng Hai năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố phúc trình, “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam,” ghi nhận việc Việt Nam hạn chế gắt gao và có hệ thống quyền tự do đi lại trong khoảng thời gian từ năm 2004-2021.
Tháng Tám, công an cấm luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình rời Việt Nam đi Mỹ, viện lý do an ninh quốc gia. Tháng Mười, công an cấm Linh mục Trương Hoàng Vũ thuộc Dòng Chúa Cứu thế xuất cảnh đi Mỹ, viện lý do trật tự an toàn xã hội.
Tháng Năm, công an cảng hàng không quốc tế Nội Bài ở Hà Nội ngăn cấm nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Quang A không được xuất cảnh đi Châu Âu, viện lý do “an ninh.”
Một sự cố nghiêm trọng là nhà vận động dân chủ Đường Văn Thái, người đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc UNHCR công nhận là người tị nạn ở Thái Lan, bị mất tích ở Băng Cốc vào ngày 13 tháng Tư, sau đó chính quyền Việt Nam tuyên bố là ông đang bị công an Việt Nam tạm giữ vào ngày 16 tháng Tư. Các bài báo dẫn lời nhân chứng địa phương đưa tin rằng ông bị những người đi trên một chiếc xe hơi khống chế khi họ dùng xe chặn đường chiếc mô tô ông đang điều khiển trên đường đi về nhà từ một quán cà phê trong khu vực sinh sống, rồi ép buộc ông lên chiếc xe hơi và lái đi. Giới chức chính phủ Thái Lan nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng chính phủ Thái Lan không liên quan gì tới sự cố này, và đang tích cực điều tra vụ việc như một vụ bắt cóc – là hành vi vi phạm chủ quyền Thái Lan.
Phía EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
– Lập tức chấm dứt việc tùy tiện hạn chế quyền tự do đi lại đối với các nhà hoạt động và những người phê phán chính quyền, bao gồm quản thúc tại gia, tùy tiện câu lưu, sách nhiễu, theo dõi, cấm đi lại trong nước và xuất nhập cảnh.
– Cần hủy bỏ hoặc sửa đổi điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến pháp, có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền vì các lý do an ninh quốc gia, vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền.
– Cần hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều trong Luật Xuất Nhập Cảnh có nội dung cho phép nhà cầm quyền tùy tiện cấm công dân Việt Nam ra nước ngoài hoặc trở về Việt Nam nhân danh các điều luật có nội dung mơ hồ về an ninh quốc gia.
3. Tình trạng đàn áp quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng
Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, các quy định về đăng ký, sách nhiễu và theo dõi. Các tổ chức tôn giáo bị quy định phải được sự phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn thường cấm các hoạt động tôn giáo bị họ tùy tiện cho là đi ngược với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội,” hay “khối đoàn kết dân tộc.” Chính quyền dán nhãn “tà đạo” đối với Tin lành Đề Ga, Công giáo Hà Mòn, Pháp Luân Công và vài nhóm tôn giáo khác, và sách nhiễu những người thực hành các tín ngưỡng này.
Công an giám sát, và đôi khi dùng vũ lực đàn áp đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát. Các nhóm tôn giáo không được công nhận phải liên tục đối mặt với việc bị theo dõi, bị sách nhiễu và đe dọa và các tín đồ của họ có thể bị đấu tố trước đông người, bị buộc từ bỏ đạo, bị giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù.
Việt Nam thừa nhận rằng, tính đến tháng Chín năm 2021, chính quyền đã không công nhận khoảng 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.
Công an bắt giữ Y Krec Bya vào tháng Tư năm 2023, và bắt giữ Nay Y Blang vào tháng Năm, vì liên quan tới các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền chuẩn thuận.
Phía EU cần, cả khi họp riêng và công khai, kêu gọi chính quyền Việt Nam:
– Cho phép tất cả các tổ chức tôn giáo độc lập được tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo và tự quản lý. Các cơ sở thờ tự và dòng tu không muốn gia nhập một tổ chức tôn giáo được chính thức công nhận với các ban trị sự do chính quyền phê chuẩn cần được cho phép hoạt động độc lập.
– Chấm dứt việc chính quyền sách nhiễu, bắt buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì họ là tín đồ của các tôn giáo không vừa ý nhà nước, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt, nhóm họp và lập hội.
– Cho phép những quan sát viên bên ngoài, bao gồm các cơ quan của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ, và các nhà ngoại giao nước ngoài, được đi lại không bị cản trở hay kèm cặp tới Tây Nguyên, bao gồm cụ thể việc được tới các thôn xã của người Thượng và các dân tộc thiểu số khác. Bảo đảm rằng những người nói chuyện hoặc tiếp xúc với những quan sát viên bên ngoài đó không bị trả đũa hay trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào.
____________
Nguồn: