Việt Nam Thời Báo

Huyện Kỳ Anh đuổi 155 học sinh cắp sách đến trường

Nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh đuổi 155 em thiếu nhi Công Giáo không được đến trường học trong niên khóa 2014 – 2015. Các em có độ tuổi từ 4 – 15 thuộc cấp Mần non, Tiểu học và Trung học cơ sở.


Hiện nay, các em đã nghỉ học và ở nhà. Các em thiếu nhi này thuộc Giáo xứ Đông Yên, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thầy Hiệu Trưởng trường THCS Kỳ Lợi – huyện Kỳ Anh cho các bậc phụ huynh biết lý do con em của họ không được đến trường, bởi vì “danh sách của các em đã chuyển đến chỗ tái định cư mới của người dân Đông Yên – xã Kỳ Lợi cách chỗ ở hiện tại khoảng 30 km”.

Các bậc phụ huynh cũng cho hay, Thầy Hiệu trưởng nói, đây là lệnh của cấp trên nên bắt buộc nhà trường phải thi hành.

Được biết, hiện nay có 6 phòng học tại trường THCS Kỳ Lợi để trống do thiếu học sinh ghi danh đến trường, trong khi đó 155 học sinh bị nhà cầm quyền cấm cắp sách đến trường.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: Chu Mạnh Sơn

Nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này bắt đầu từ năm 2012 khi nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh cho triển khai dự án di dời dân tái định cư đối với 1000 hộ dân thuộc Giáo xứ Đông Yên. Nhưng, cho đến nay, có hơn 840 hộ di dời, còn lại 158 hộ vẫn chưa di dời bởi họ phản đối các lý do sau: Thứ nhất, mục đích di dời, giải tỏa chưa được sáng tỏ. Thứ hai, nhà cầm quyền huyện Kỳ Anh đã định mức tài sản vật chất của người dân không đúng giá bồi thường theo quy định của pháp luật. Thứ ba, khu tái định cư không đáp ứng được các điều kiện tối thiểu về đời sống như y tế, giáo dục, công ăn việc làm, thực hành các lễ nghi tôn giáo. Thứ tư, vùng đất thôn Đông Yên đã được ông cha xây dựng hơn 100 năm nay…

Xét về khía cạnh pháp lý, nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đuổi 155 em học sinh không được đi học là vi phạm pháp luật, bởi vì “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” quy định tại Điều 39 Hiến pháp. Cũng vậy, Luật Giáo dục qui định : “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Điều 11 Luật Giáo dục cũng qui định: “Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập”. Như vậy, việc nhà cầm quyền ngăn cản -bằng thủ thuật ‘chuyển danh sách’- Ban giám hiệu nhà trường ‘tuân theo’ là trắng trợn vi phạm quyền và nghĩa vụ học tập của các em.

Đặc biệt trong lứa tuổi giáo dục phổ cập, gia đình có nghĩa vụ đấu tranh ‘cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập’ như Luật định. Điều 20 Luật Giáo dục cũng đưa ra qui định: “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tín, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội. Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Rõ ràng nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh và Ban giám hiệu trường đã có hành vi “lợi dụng hoạt động giáo dục” để đạt mục tiêu buộc cha mẹ học sinh phải di dời.

Cần nhấn mạnh Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qui định rõ không được phân biệt đối xử với trẻ em tại Điều 4: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Điều này xác định, hành vi tự ý “chuyển trường” các em học sinh -do chính kiến của cha mẹ các em chống lại chính sách di dân, giải tỏa không phù hợp- của nhà cầm quyền Hà Tĩnh và nhà trường là “phân biệt đối xử” với các em. Điều 5 Luật này cũng qui định: “Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: 1. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu. 2. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ở trong nước và nước ngoài góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

Về quyền của trẻ em, Luật này quy định tại Điều 6: “1. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện. 2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.”

Luật này cũng nghiêm cấm các hành vi ‘cản trở việc học tập của trẻ em’ tại Điều 7. Và khẳng định “trách nhiệm bảo đảm quyền được học tập’ tại khoản 1, Điều 28: “Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn”.

Cùng lúc, báo Vietnamnet.vn có bài viết: ‘Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh cho ‘doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả quyền chính phủ’. Nguồn báo này dẫn chứng, “cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ, đấu thầu thiếu minh bạch, bồi thường giải phóng mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật”… “Đặc biệt, những sai phạm đó có nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền lên đến hơn 493 tỉ đồng”.

Phải chăng, cùng với Vũng Ánh, Hà Tĩnh đang muốn tách ra, thành lập khu tự trị mới, với những luật lệ mới và ngang nhiên bất tuân pháp luật hiện hành?

Chu Mạnh Sơn
(Theo VRNs)

Tin bài liên quan:

Điều 258 và những người cao tuổi

Phan Thanh Hung

Hải quân Mỹ-Việt thao dượt chung

Phan Thanh Hung

Nhân Dân nhật báo lại giở giọng côn đồ vu cáo lãnh đạo Ngoại giao Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo