Việt Nam Thời Báo

Khi chủ đầu tư bắt tay cơ quan quản lý làm giá, và đầu cơ chung cư*

Rất khó tránh khỏi tình trạng bắt tay giữa chủ đầu tư với cơ quan quản lý để thỏa thuận số “sao” cho chung cư.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nhận định, việc phân hạng chung cư là tốt và cần thiết, tuy nhiên cần phải tách bạch rõ ràng hai vấn đề: Nâng hạng và thu phí.
Ông Đực nhấn mạnh, phân hạng chung cư không được coi là cơ sở để nâng phí dịch vụ cao lên. Theo ông, nhà nước chỉ nên đưa ra khung giá dịch vụ cơ bản, còn quyết định mức phí nào phải do thỏa thuận giữa những cư dân trong chung cư với Ban Quản trị, đơn vị quản lý.

“Phí quản lý, phí dịch vụ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà nhà nước không quyết định được”, ông Đực nói.

Đi vào trả lời câu hỏi vì sao phân hạng chung cư lại tốt, ông Đực làm rõ hai vấn đề: Tích cực và tiêu cực.

Về hướng tích cực, ông Nguyễn Văn Đực cho hay, việc phân hạng chung cư cũng giống việc gắn sao cho khách sạn. Ngoài việc xác lập được cơ sở để doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm của mình thì việc gắn sao cũng có thể xem như hình thức PR hình ảnh của doanh nghiệp. Về phía người tiêu dùng, gắn sao giúp họ hiểu được giá trị thực của sản phẩm, đồng thời “sao” cho họ biết họ đang được thụ hưởng một sản phẩm có chất lượng thế nào?

Một khi các tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định cụ thể, chi tiết trong văn bản pháp luật, các chủ đầu tư sẽ phải đăng ký và phải đạt được các tiêu chí đó. Quan trọng vẫn phải làm sao để doanh nghiệp nói tôi 3 sao hay 4 sao thì phải có cơ sở để họ nói như vậy.

“Tôi lấy ví dụ, chung cư loại A có quy định thế nào, vị trí để xe ô tô ra sao? Chung cư loại B thì sử dụng vật liệu, thiết bị, nhà vệ sinh thế nào; điện nước phải đáp ứng được những yêu cầu gì…?”, ông Đực cũng nhấn mạnh: “Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng chung cư bắt buộc phải được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà khoa học, các Hiệp hội BĐS, đặc biệt phải lắng nghe ý kiến của chủ đầu tư và cả người dân để có được bộ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng hơn, đảm bảo được quyền lợi cho cả chủ đầu tư và người dùng.

Theo ông Đực, trên thực tế, quy định xếp hạng nhà chung cư đã có từ cách đây 5 năm, được quy định tại Thông tư 14 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ tháng 6/2008) nhưng chưa thực hiện được. Đến giờ, tiếp tục đưa ra bàn vấn đề này với mong muốn sẽ giảm việc tự gắn mác cho chung cư. Theo Dự thảo “gắn sao” cho chung cư của Bộ Xây dựng vừa đưa ra lấy ý kiến, chung cư sẽ được phân thành 3 hạng A,B,C và theo 4 nhóm tiêu chí gồm có tiêu chí về quy hoạch kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; mức độ và chất lượng hoàn thiện và trang thiết bị gắn với chung cư; chất lượng dịch vụ quản lý và sử dụng nhà chung cư. Trên cơ sở đó sẽ áp mức giá dịch vụ, giá bảo trì ở khu nhà ở. Tuy nhiên, để làm được như vậy Bộ Xây dựng phải giải quyết được những bất cập tại Thông tư 14.

“Đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện có tiêu chí thì quá chi tiết, nhưng có những tiêu chuẩn lại không được quy định… vì vậy chưa nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Thứ hai, thời điểm đó BĐS đang sụp đổ, có thể vì thế mà chủ đầu tư họ cũng không quan tâm nhiều tới việc được gắn 1 sao, 2 sao hay 5 sao. Họ chỉ quan tâm bán được hàng hay không, bán được nhiều hay ít chứ chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hình ảnh”, ông Đực nói.

Như vậy, có thể hi vọng việc phân hạng chung cư sẽ giảm tình trạng chủ đầu tư muốn “nổ”, người dân cũng tránh bị “bé cái nhầm” vì bỏ tiền “khủng” nhưng không được sở hữu chung cư đúng với giá trị như quảng cáo.

Nhìn từ chiều ngược lại, ông Nguyễn Văn Đực cho biết sẽ khó tránh được những tiêu cực nếu công tác quản lý không thực hiện nghiêm túc.

“Tôi e sẽ có kẽ hở cho lợi ích nhóm lợi dụng. Rất khó tránh khỏi tình trạng bắt tay giữa chủ đầu tư với cơ quan quản lý để thỏa thuận số “sao” cho chung cư. Bởi lẽ, việc gắn sao không khác nào việc thực hiện cơ chế khen thưởng; danh hiệu “gia đình văn hóa”, vừa tốn kém, phiền hà vừa không chặt chẽ. Đến bằng tiến sĩ, giáo sư còn mua được thì “sao” có gì mà khó”, ông Đực nói.

Xếp hạng chung cư như khách sạn: Chỉ để tăng phí?

Hơn nữa, theo ông Đực, việc gắn sao còn là cơ hội để chủ đầu tư đẩy giá chung cư lên. “Tâm lý người Việt cũng thích khoe của, khoe sang. Nếu mọi việc suôn sẻ thì dân ở các chung cư cao cấp lâu nay tự hào vì được sở hữu căn hộ sang trọng, giờ còn tự hào hơn nữa vì chung cư được phân hạng như gắn sao ở khách sạn. Người mua nhà có cơ hội được “tự sướng” mà người bán nhà cũng vừa “tự sướng” vừa được thu thêm tiền. Như vậy, sao càng nhiều chủ đầu tư càng thuận lợi trong giao dịch, thỏa thuận mua bán. Vì thế, vấn đề này cũng không nằm ngoài câu chuyện lợi ích nhóm. Đó cũng là mặt trái của một quy định pháp luật, do đó Bộ Xây dựng phải tính toán.

Ông Đực đề xuất nên giao việc quản lý, giám sát, chấm điểm, xếp hạng “sao” cho một cơ quan độc lập, có thể là các Hiệp hội BĐS thực hiện nhằm đảm bảo được tính công bằng, minh bạch và xã hội hóa.

Theo báo Đất Việt

Tin bài liên quan:

Biệt thự bỏ hoang: Hậu quả sau cơn sốt đất ở Ba Vì

Phan Thanh Hung

VNTB – Một nền kinh tế thiếu minh bạch đã biến thị trường tài chính thành chiếu bạc bịp

Phan Thanh Hung

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 3: Khủng hoảng địa ốc

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.