Trần Thế Kỷ
(VNTB) – Liệu lòng tự hào dân tộc có giúp cho người Nga đứng vững trước cơn lốc cấm vận của Phương Tây, và liệu sự cấm vận này sẽ chấm dứt một khi nước Nga chịu đầu hàng trong vấn đề Ukraine, hay chỉ dừng lại sau khi phương Tây đã “xóa bỏ chế độ hiện thời ở nước Nga”?
Việc tổng thống Yanukovich bất ngờ hủy việc ký kết các thỏa thuận chính trị, thương mại với EU đã làm bùng lên cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Một chính phủ mới thân Phương Tây được thành lập sau khi vị tổng thống này bị lật đổ.
Một số tỉnh miền Đông và Nam Ukraine, với đa số là người Nga, không công nhận chính phủ mới và tuyên bố ly khai trong sự hậu thuẫn của Nga. Nga còn đem quân xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraine rồi sáp nhập vào Nga.
Phương Tây đã áp đặt cấm vận nặng nề đối với Nga khiến nền kinh tế Nga trở nên trầy trật mà phương Tây cũng phải trả giá ít nhiều cho sự cấm vận này. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói: “Crimée là số phận của nước Nga”. Có thể nói cuộc khủng hoảng Ukraine bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.
Về mặt lịch sử, Ukraine từng là một nước thành viên trong Liên bang Xô viết. Năm 1954 bán đảo Crimée thuộc Nga được chính quyền Xô viết cho sáp nhập vào Ukraine.
Về sắc tộc, Ukraine là nơi sinh sống của nhiều dân tộc. Người gốc Ukraine chiếm 78% dân số, người Nga chiếm 17%, còn lại là người Tatar, Belarus, Bulgarie, Do Thái, Ba Lan,… riêng vùng Crimée có 60% dân số là người Nga.
Ngoài tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thì tiếng Nga cũng phổ biến, nhất là ở vùng Đông và Nam Ukraine.
Nền kinh tế Ukraine đang lâm cảnh khó khăn và nằm vào nhóm các nền kinh tế yếu kém trên thế giới. Tổng thống Yanukovich không phải không có lý khi quyết định từ bỏ ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine với EU để quay sang tìm sự trợ giúp từ Nga hầu nhận được khoản viện trợ tài chính 15 tỷ USD. Nhưng hóa ra Yanukovich đã phạm một sai lầm lịch sử. Sự bất ngờ quay lưng với Phương Tây của Yanukovich đã vấp phải sự chống đối mãnh liệt của phe thân Phương Tây khiến ông cuối cùng phải ra đi. Từ lâu ở Ukraine đã có sự phân hóa Đông – Tây. Khu vực phía tây nằm sát Phương Tây với đa số dân theo Thiên Chúa giáo thường có thái độ thân phương Tây. Khu vực phía đông tiếp giáp với Nga với đa số dân gốc Nga theo Chính Thống giáo lại có tư tưởng thân Nga.
Vấn đề đặt ra là với một Ukraine có sự phức tạp về mặt lịch sử, sắc tộc, văn hóa… như vậy mà tại sao Nga và Phương Tây chưa bao giờ ngồi lại với nhau để tìm ra một quy chế trung lập cho quốc gia này. Nếu Ukraine trở thành một Phần Lan, một nước Áo ở Đông Âu, quốc gia này sẽ là cầu nối giữa Đông và Tây. Điều này đâu chỉ có lợi cho người dân Ukraine mà còn giúp ổn định cho nền hòa bình trong khu vực và cả trên thế giới.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng nói: “Giữa Nga và phương Tây không còn sự khác biệt về ý thức hệ (ám chỉ Nga không còn là nước cộng sản) thì tại sao hai bên lại không thể hợp tác với nhau”. Thế nhưng trong mắt Phương Tây, ở nước Nga dưới sự cai trị của tổng thống Vladimir Putin, chủ nghĩa dân tộc đã thay thế cho chủ nghĩa cộng sản trong vai trò ý thức hệ. Theo cách nhìn của Phương Tây, chính chủ nghĩa dân tộc đã khiến nước Nga thách thức trật tự quốc tế hiện nay, đầu tiên là ở Gruzia năm 2008 và nay là ở Ukraine. Với Phương Tây, Putin chỉ là kẻ cuồng tín dân tộc chủ nghĩa, khát khao khôi phục Đế chế Xô viết. Phương Tây xem nước Nga của Putin là hậu thân của Liên Xô. Nghĩa là đối với Phương Tây, nước Nga là đối thủ hơn là đối tác.
Ngược lại, trong mắt Putin, phương Tây lúc nào cũng xem Nga là kẻ thù và luôn tìm cách uy hiếp Nga. Việc mở rộng NATO và EU về phía Đông là nằm trong mục đích đó của Phương Tây. Nga luôn xem Ukraine và các nước trước đây nằm trong Liên bang Xô viết đương nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của mình. Vì lẽ đó Nga luôn phản đối sự “Đông tiến” của NATO và EU, cho dù Phương Tây biện bạch rằng việc Đông tiến của họ không nhằm cạnh tranh về kinh tế và quân sự với Nga. Nga cáo buộc Phương Tây đứng đằng sau vụ lật đổ vị tổng thống dân cử Yanukovich. Như vậy Phương Tây đã vi phạm các thỏa thuận ký ngày 21/2/2014 giữa tổng thống Yanukovich và đại diện phe đối lập, trước sự chứng kiến của đặc phái viên EU. Theo đó, một chính phủ liên kết sẽ được thành lập trong vòng 10 ngày. Cải cách Hiến pháp sẽ được triển khai ngay theo hướng cân bằng quyền lực giữa Tổng thống, chính phủ, quốc hội và hoàn tất trước tháng 9/2014.
Tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraine là hệ quả của sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Phương Tây. Điều này xuất phát từ cách nhìn của bên này đối với bên kia. Có vẻ cách nhìn của cả hai bên không dễ thay đổi một sớm một chiều. Chung qui cũng vì chưa tin tưởng nhau.
Liệu lòng tự hào dân tộc có giúp cho người Nga đứng vững trước cơn lốc cấm vận của Phương Tây, và liệu sự cấm vận này sẽ chấm dứt một khi nước Nga chịu đầu hàng trong vấn đề Ukraine, hay chỉ dừng lại sau khi phương Tây đã “xóa bỏ chế độ hiện thời ở nước Nga”, như lời ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, mà cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là cái cớ để Phương Tây thực hiện ý đồ này?