Nếu có một hằng số liên quan đến kinh tế Việt Nam trong một chục năm gần đây, thì đó là đà tăng trưởng của kiều hối, tức là ngoại tệ mà người Việt ở nước ngoài gởi về Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên là tính chất đều đặn và nhanh chóng của cho dù tại những nơi xuất phát chính của nguồn kiều hối đã xuất hiện khủng hoảng kinh tế, tác hại đến đời sống của người dân. Tính chất « không bình thường » của đà tăng kiều hồi đã tạo nên nghi vấn về nguồn gốc không minh bạch của một phần lớn kiều hối được chuyển về Việt Nam trong những năm gần đây.
Điểm cần ghi nhận trước tiên là tính chất quan trọng của lượng kiều hối gởi về Việt Nam trong thời gian qua. Trước tiên hết là về quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Trong một bản báo cáo công bố tháng 08 năm 2014, Ngân hàng Thế giới – định chế tài chánh quốc tế có cả một bộ phận chuyên nghiên cứu về di dân và kiều hối trên thế giới, hai phạm trù có liên quan chặt chẽ với nhau – đã cung cấp số liệu về kiều hối của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam trong giai đoạn 2005-2014.
Tính theo tỷ đô la, các số liệu là như sau : 3,15 (2005) – 3,80 (2006) – 6,18 (2007) – 6,80 (2008) – 6,02 (2009) – 8,26 (2010) – 8,6 (2011) – 10 (2012) – 11 (2013) – 11,40 (2014).
Trong vòng 10 năm, kiều hối tăng gấp 4, vượt mức 11 tỷ
Nếu tính theo giá trị tuyệt đối, thì trong khoảng thời gian 10 năm từ 2005 đến năm 2014, tổng trị giá kiều hối chuyển ngân theo đường chính thức về Việt Nam đã tăng lên gần gấp 4 lần, từ 3,15 tỷ đô la năm 2005, lên thành 11,40 tỷ đô la theo số liệu ước tính của năm 2014.
Tốc độ tăng cũng rất nhanh với ba mốc quan trọng : từ 3,8 tỷ đô la năm 2006, vượt mức hơn 6 tỷ đô la năm 2007, dao động ở mức này trong hai năm, vọt ngưỡng 8 tỷ năm 2010, lên ngưỡng 10 tỷ năm 2012, và từ đó đến nay, năm nào cũng tăng khoảng 10%.
Giới chuyên gia tại Việt Nam rất lạc quan trước khả năng kiều hối sẽ tiếp tục tăng ít ra là trong hai năm 2015 và năm 2016.
Trong danh sách các nước có nguồn kiều hối cao nhất thế giới, théo số liệu chính thức mới nhất là năm 2013 (năm 2014 chỉ là số ước tính), thì Việt Nam được xếp thứ 10. Đứng đầu bảng là Ấn Độ (70 tỷ), Trung Quốc (60 tỷ) và Philippines (25 tỷ).
Nguồn « vốn » thứ hai của Việt Nam, thua FDI nhưng hơn ODA
Đối với Ngân hàng Thế giới, nguồn kiều hối đã góp phần không nhỏ vào việc cung ứng ngoại tệ cho Việt Nam. Cũng theo số liệu của năm 2013, kiều hối được ước lượng chiếm khoảng 6,4% GDP của Việt Nam.
Trong công trình nghiên cứu « Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước », công bố ngày 17/12/2014, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) một trung tâm nghiên cứu của chính phủ Việt Nam, đã ghi nhận sức nặng đáng kể của kiều hối đối với kinh tế Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã trích dẫn báo cáo này để xác định rằng : « Trong giai đoạn 2007-2013, Kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau tổng vốn Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài FDI đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn Viện trợ Phát triển Chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước ».
Nguyên nhân giúp kiều hối tăng là gì ?
Điểm được các nhà quan sát ghi nhận là nguồn kiều hối đổ vào Việt Nam trong thời gian qua đã tăng đều đặn và tăng mạnh cho dù các vùng lãnh thổ được cho là nơi xuất phát truyền thống của kiều hối, cụ thể là Hoa Kỳ (chiếm 57% nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam) hay là Châu Âu, đã bị vướng vào nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh liên tiếp, đặc biệt từ sau vụ Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản vào năm 2008.
Những giải thích về nguyên nhân khiến kiều hối tiếp tục tăng rất nhiều. Trong một bài phỏng vấn dành cho Thông Tấn Xã Việt Nam vào đầu năm nay (23/01/2015), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã nêu lên các nguyên nhân như số lượng người Việt Nam ra sinh sống và lao động tại nước ngoài ngày càng tăng, dịch vụ ngân hàng ngày càng cải thiện và đặc biệt là vấn đề chính sách.
« Sự thông thoáng về chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn kiều hối (bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, thông thoáng trong việc về thăm quê hương, mua nhà ở, đầu tư trong nước…) đã góp phần thu hút mạnh mẽ nguồn kiều hối. »
Mặt trái của kiều hối
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số nhà quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi là phải chăng phía sau của hiện tượng kiều hồi đổ về Việt Nam còn có những nguyên nhân khác nữa.
Một bài viết đăng ngày 10/02/2015 trên báo mạng Doanh nhân Saigon của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngần ngại tìm hiểu xa hơn về « Hai mặt của kiều hối », tựa của bài báo, trong đó tác giả đã đặt ra câu hỏi là « liệu có phải toàn bộ kiều hối là những khoản tiền chắt chiu dành dụm của bà con người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về giúp gia đình hoặc đầu tư kinh doanh trong nước hay không ? »
Trong một bài viết trước đó, đăng ngày 26/01/2015 trên báo mạng Diễn đàn (diendan.org) ở Paris, dưới tựa đề « Lý giải kiều hối tăng mạnh và 33 tỷ đô la xuất ngoại », Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia Thống kê tại Liên Hiệp Quốc, cũng đã phân tích các số liệu khác nhau về kiều hối để nêu bật tính chất phức hợp của cái gọi là kiều hối, không chỉ đơn giản là tiền dành dụm của người Việt sinh sống hay lao động ở ngoại quốc gởi về nước, mà còn « tiền rửa » được chuyển ngược về đầu tư ở trong nước.
Không thể có khả năng một người ở Mỹ gởi về Việt Nam 4000 đô la/năm
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Tiến sĩ Vũ Quang Việt xác định rằng khối lượng kiều hối chính thức từ 9 đến 11 tỷ đô la/năm thật ra là quá nhiều so với sức gửi của người Việt làm việc hoặc định cư ở nước ngoài… Không thể có chuyện trung bình một người Việt định cư trên thế giới gửi hàng năm mỗi người là 1.400 đô la về nước, và tính riêng ở Mỹ là 4.000 đô la/năm (hay 12.000đô la/năm trong trường hợp thường thấy là một gia đình 3 người).
Đối với Tiến sĩ Việt, một phần không nhỏ số kiều hối gởi về Việt Nam phải là tiền quan chức tham nhũng tại Việt Nam, ăn cắp thông qua các hợp đồng thương mại (như tăng giá bán lên), tạm giữ ở ngoại quốc rồi gửi trở lại Việt Nam qua dạng kiều hối.
Trung bình trong 5 năm qua, có đến 6 tỷ chảy vào Việt Nam thêm hàng năm, riêng năm 2013 là 9 tỷ, tổng cộng 5 năm qua là 30 tỷ mà không nằm trong hệ thống tài chính, không được sử dụng trong kênh chính thức. Con số này được tính bằng cách so sánh nguồn ngoại tệ chảy vào (buôn bán, vay mượn, đầu tư nước ngoài, kiều hối) trừ đi ngoại tệ chảy ra, và trừ đi tiền đưa thêm vào dự trữ ngoại tệ. Số tiền này có thể nằm phần lớn ở cái gọi là kiều hối.
Tương quan giữa « tiền rửa » chuyển về nước và nhập lậu từ Trung Quốc
Một hệ quả của hiện tượng tiền được « rửa sạch » rồi chuyển về Việt Nam đó, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, là nạn nhập lậu hàng ồ ạt từ Trung Quốc. Nguồn tiền đó có thể thông qua các cách chu chuyển khác nhau, để bơm vào tài trợ cho việc nhập lậu từ Trung Quốc.
Nhập lậu được tính bằng cách lấy số xuất sang Việt Nam theo báo cáo của Hải quan Trung Quốc, trừ đi số nhập được Việt Nam báo cáo chính thức qua hải quan. Dấu hiệu cho thấy tương quan giữa hai vấn đề kiều hối và nhập lậu từ Trung Quốc là mức tương đương giữa hai khối lượng tiền.
Trọng Nghĩa
(Theo RFI)