Việt Nam Thời Báo

Lại “tâm thần Quốc hội”: Báo chí ĐƯỢC (KHÔNG) đưa tin công bố kết quả phiếu tín nhiệm?

VNTB: Kịch tính lại bật trào nơi hậu trường Quốc hội. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm chưa diễn ra mà đã phát sinh đủ thứ toan tính kèm bất nhất của lợi ích nhóm. “Thủ phạm” vào lần này không phải ai khác, lại là Trung tâm thông tin – Văn phòng Quốc hội, khi chỉ đến đầu giờ sáng nay 14/11 mới gửi Thông cáo báo chí cho các báo, mặc định hàng loạt chuyện “không được”, trong đó có việc “báo chí không được đưa tin về lấy phiếu tín nhiệm”.

Mấy tiếng đồng hồ sau, cũng trung tâm thông tin trên lại “cải chính” bằng sự thay đổi duy nhất một từ “ĐƯỢC’. 

Chuyện gì đã xảy ra trong cảnh “hỗn độn” nơi nghị trường?

Thực ra, vụ việc có dấu hiệu “hoang tưởng” trên đã từng có tiền lệ. Tại lần bỏ phiếu tín nhiệm quốc hội đầu tiên vào tháng 5/2013, Trung tâm thông tin – Văn phòng Quốc hội đã có yêu cầu “báo chí không được tham dự các phiên họp của Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu để miễn nhiệm và bổ nhiệm các chức danh Bộ trưởng Tài chính, Tổng kiểm toán Nhà nước, cũng như phiên Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm”. Sau đó do phản ứng của công luận dư luận, thông báo trước đó đã được thay thế bằng từ “ĐƯỢC”.

Còn ngay trước kỳ họp quốc hội lần này, Ủy ban thường vụ quốc hội đã phát lệnh “họp kín”.

Những ai muốn công khai, và những ai khác muốn bưng bít mọi thông tin về chuyện nhân sự cung đình?  

Chỉ mới đầu kỳ họp quốc hội cuối 2014, người bị đặt biệt danh là “nghị khùng” Hoàng Hữu Phước đã làm dấy lên nỗi lo ngại lẫn thương hại của cử tri về vấn nạn nghị sĩ quốc hội bị “tâm thần thể nhẹ”.

Có vẻ như trạng huống “hoang tưởng thể nhẹ” đã như virus ebola khi lan nhiễm nhanh chưa từng thấy trong giới quan chức quốc hội và các nhóm lợi ích chính trị. Những “sai sót kỹ thuật” lại càng tô điểm thêm cho cuộc chiến quyền lực đang có chiều hướng đến mức cao độ.




——————————-



Báo chí được đưa tin công bố kết quả phiếu tín nhiệm

14/11/2014
TTO – Theo thông báo mới nhất, phiên họp công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào chiều 15-11, báo chí được dự và đưa tin.


Sáng 14-11, ít phút sau khi báo Tuổi Trẻ Online đăng bản tin “báo chí không được đưa tin về lấy phiếu tín nhiệm”, lãnh đạo Trung tâm thông tin – Văn phòng Quốc hội – đã liên lạc với phóng viên và cho biết có sự nhầm lẫn trong Thông cáo báo chí khi thể hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

Trung tâm báo chí cũng đã gửi qua email tới phóng viên bản thông cáo báo chí mới, thay thế Thông cáo báo chí phát hành đầu giờ sáng.

Theo đó, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự và đưa tin các nội dung: Quốc hội thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm (sáng 14-11); Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và đại biểu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu.

Phiên họp công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào chiều 15-11, báo chí dự và đưa tin bình thường.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 50 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, bao gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày trước Quốc hội một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

“Đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin ở mỗi vị đại biểu Quốc hội. Chúng ta phải tiến hành một cách rất thận trọng, rất khách quan, rất công tâm. Do vậy, lá phiếu mà chúng ta đánh giá phải chính xác” – ông Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội sử dụng các thông tin chính thức để đánh giá tín nhiệm, không phụ thuộc vào những thông tin chưa được sàng lọc, chưa được kiểm nghiệm, chưa đủ căn cứ để các vị…

“Nếu chúng ta nhầm lẫn thông tin, phán đoán, nghiêng về mặt này mặt kia thì kết quả lấy phiếu sẽ không chính xác” – ông nói.

“Đại biểu chúng ta cầm lá phiếu nhẹ nhàng thôi nhưng trọng trách trong đó rất nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 14-11, Trung tâm báo chí kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII phát đi thông cáo yêu cầu phóng viên các cơ quan báo chí không đưa tin về việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Thông cáo viết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Trung tâm báo chí kỳ họp (Vụ Thông tin) trân trọng đề nghị phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí không tham dự và đưa tin về một số nội dung sau đây:

“Buổi sáng ngày 14-11-2014: Quốc hội thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Ngày 15-11-2014: Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu; Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; Buổi chiều: Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu”.

Bản thông cáo đã gây bất ngờ cho các phóng viên đang có mặt Trung tâm báo chí kỳ họp Quốc hội.

LÊ KIÊN
Tuổi Trẻ

Tin bài liên quan:

VN, Philippines lên tiếng về ‘sự sách nhiễu’ của TQ ở Biển Đông

Phan Thanh Hung

Cơ hội cải thiện ‘uy tín’ của TBT Trọng

Phan Thanh Hung

“Khả năng vỡ quỹ của BHXH Việt Nam là nguy cơ rất rõ ràng” *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo