Việt Nam Thời Báo

Làm du lịch thua Campuchia, khách ngày càng sụt giảm

Cũng trong điều kiện khó khăn nhưng du lịch Campuchia vẫn trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng qua sụt giảm liên tiếp. Cách làm du lịch của ta, theo các chuyên gia, chỉ hơn Lào.

Đổ lỗi cho khách quan
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 92 – Kích cầu du lịch và tọa đàm Nâng cao hiệu quả tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, du lịch Việt Nam đang đối mặt nguy cơ khách quốc tế sụt giảm mạnh.
Ông Tuấn chia sẻ, du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng thì từ giữa tháng 6/2014 đến nay lại bắt đầu sụt giảm mạnh. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách Nga giảm trên 40%, Trung Quốc giảm 27%, châu Âu giảm 11%,…
Trong vòng 10 tháng liên tục, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam luôn là con số âm, và giảm không phanh ngay trong mùa cao điểm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau).
du-khách, du-lịch, hội-chợ, Việt-Nam, Lào, Campuhia, du-lịch-Việt-Nam, quảng-bá-du-lịch, khách-quốc-tế, du khách, du lịch, hội chợ, hội chợ du lịch, quảng bá du lịch, khách quốc tế
Du khách quốc tế đến Việt Nam đang sụt giảm mạnh
Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên là do nền kinh tế thế giới suy thoái, ngấm sâu vào thị trường Việt Nam nên du lịch cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn do tác động của các nguyên nhân khác như: Đồng Rúp mất giá, đồng Euro giảm giá so với đồng USD khiến chi phí du lịch của cá khách châu Âu bị đội lên. Giá tour tới Việt Nam trở nên đắt đỏ. Trong khi, khách đến từ Trung Quốc hay thị trường nói tiếng Hoa vẫn chưa hồi phục sau sự kiện Biển Đông năm ngoái.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho rằng, nguyên nhân chủ quan là dẫn đến tình trạng khách quốc tế giảm mạnh còn là do: Thứ nhất, sản phẩm du lịch của Việt Nam từ lâu vẫn chưa được đầu tư để nâng cấp. Những sản phẩm cũ vẫn được khai thác, không đầu tư làm mới nên khó giữ chân khách cũ và thu hút khách mới đến Việt Nam. Thứ hai, công tác xúc tiến, quảng bá còn lạc hậu, cách quảng bá du lịch Việt tại các hội chợ du lịch quốc tế còn kém, chưa hiệu quả, nếu không nói là chưa có bất cứ sự đổi mới nào.
“Thực tế, khi đi hội chợ du lịch quốc tế tôi cẩm thấy ngượng vì gian hàng của ta quá lạc hậu, đôi khi cũ kỹ quá. Hiện nay các gian hàng du lịch Việt Nam ở hội chợ du lịch quốc tế chỉ hơn mỗi Lào”, ông Bình chia sẻ.
Hơn nữa, “khu Việt Nam tại các hội chợ du lịch quốc tế còn thiếu ‘cá tính’ về thiết kế và trang trí, thiếu các hoạt động, ấn phẩm, chương trình, thiết bị đa phương tiện tạo ấn tượng mạnh và thu hút sự quan tâm của những người tham gia hội chợ” – ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, nhận xét.
Giá tour đắt đỏ, quảng bá thua Campuchia
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, điều đáng báo động là, năm 2015, khách đến Việt Nam giảm mạnh nhưng khách đến Thái Lan tăng tới 20%; Campuchia cũng đang phát triển mạnh mẽ về du lịch. Các nước khác làm du lịch rất tốt, biết liên kết với nhau để giảm giá lớn. Ví như, tour đi Nhật 5 ngày 4 đêm chỉ còn 20 triệu đồng, đi Hàn Quốc còn 16 triệu đồng và đặc biệt, tour đi Thái chỉ còn 5 triệu đồng. Rõ ràng, với giá tour đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm chỉ bằng chúng ta đi vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội vào TP.HCM – ông Tuấn lo lắng.
Qua đây, có thể thấy rằng nếu không liên kết đồng bộ giữa các ngành để giảm giá tour xuống thấp thì Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh.
du-khách, du-lịch, hội-chợ, Việt-Nam, Lào, Campuhia, du-lịch-Việt-Nam, quảng-bá-du-lịch, khách-quốc-tế, du khách, du lịch, hội chợ, hội chợ du lịch, quảng bá du lịch, khách quốc tế
Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá du lịch qua nhiều kênh, không chỉ là tham gia hội chợ (ảnh Vietnam plus)
Bên cạnh đó, ông Tuấn cùng cho rằng chúng ta cần mở cửa, chính sách xin visa của chúng ta nhiều thủ tục phức tạp. Hiện Việt Nam mới miễn visa cho 17 nước trong khi Singapore đang miễn visa cho 150 nước, Thái Lan miễn hơn 60 nước.
“Năm vừa rồi chúng ta đã được Phó thủ tướng chỉ đạo gỡ khó cho chính sách xin visa nhưng mới chỉ là tạm thời”, ông nói.
Ngoài việc cải thiện chính sách visa, mở nhiều đường bay thẳng đến các nước để hút khách du lịch, theo ông Tuấn, chúng ta cũng phải xây dựng và định vị thương hiệu tốt hơn.
“Các quốc gia khác đang làm rất tốt. Họ chỉ chọn 1-2 điểm làm trọng tâm để giới thiệu, quảng bá. Campuchia chỉ chọn Angkor Wat, Ai Cập chọn Kim Tự Tháp. Cái này chúng ta chọn rất kém. Bằng chứng là khi đến một địa phương, ông giám đốc sở ngồi giới thiệu hàng trăm di tích được quốc gia công nhận trong khi bảo chọn lấy 1-2 điểm chính, trọng điểm thì bắt đầu lúng túng không biết chọn cái nào”, ông Tuấn cho hay.
Ông Tuấn nhận định, phát triển du lịch phải có trọng tâm trọng điểm, xác định được thị trường trọng điểm để thiết kế ra những sản phẩm phù hợp, đồng bộ hóa hạ tầng du lịch (điểm đến, giao thông, khách sạn, mua sắm,… ). Đặc biết, chúng ta phải quản lý điểm đến tốt hơn để tránh tình trạng trộm cắp, móc túi,…
Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Bình, chúng ta cần phải đổi mới cả cách thức quảng bá khi tham gia các hội chợ du lịch quốc tế. “Không thể đem mãi mấy cành cọ sang các nước để dựng lên làm gian hàng, trong khi Trung Quốc họ đã bỏ những mái đình để thay thế bằng gian hàng hiện đại với những màn hình lớn, giúp du khách tiếp cận được sản phẩm du lịch tốt hơn”, ông Bình nói.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, trong vấn đề quảng bá du lịch, Campuchia đang làm rất tốt, họ làm chuyên nghiệp và hiện nay đã hơn hẳn chúng ta về cách quảng bá, giới thiệu du lịch của họ tới các nước trên thế giới.
Theo ông Lương Hoài Nam, để gia tăng hiệu quả quảng bá xúc tiến đi tham dự hội chợ, cần nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam qua nhiều kênh; mở các văn phòng quảng bá du lịch ở một số thị trường lớn với tính chất hoạt động tương tự như của các cơ quan xúc tiến du lịch Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc…
“Nếu ngân sách nhà nước hạn hẹp, cần thiết phải xem xét việc ban hành và áp dụng thuế (hoặc phí) du lịch theo kinh nghiệm một số nước đã áp dụng” – ông Nam kiến nghị.
Bảo Hân
Vietnamnet




Tin bài liên quan:

Vụ Rừng Toàn Cầu: Xóa sổ Cty Hiển Vinh

Phan Thanh Hung

Kinh tế quốc gia: Chủ tịch Sang “Khó khăn nhất”, Thủ tướng Dũng “tiếp tục chuyển biến tích cực” (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Tại sao OceanBank và VNCB có người bị bắt đều “được” NHNN mua lại với giá 0 đồng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo