Sự hành hạ các vật nuôi, dù núp dưới vỏ bọc tâm linh, không thể xem là hành vi văn minh, nếu không muốn nói là đi ngược với chính mục đích nhân bản mà cộng đồng đó ước muốn.
Hành vi hiến tế bằng cách hành hạ vật nuôi cần được giải thích, loại trừ và nếu cần phải bị luật pháp ngăn cấm.
Tục dùng vật nuôi làm lễ vật hiến sinh trong các nghi thức thuộc nghi lễ đã từng tồn tại ở nhiều tộc người, quốc gia. Người ta thấy từ các nền văn minh cổ cho đến các tộc người nguyên thủy hiện đại dùng các vật nuôi để tế thần linh vô số. Đến khi nhất thần giáo (chỉ thờ một vị thần tối cao toàn năng tuyệt đối) xuất hiện, tục này không còn tồn tại ở nơi mà tôn giáo này ngự trị trong tâm thức con người. Tín đồ nhất thần giáo dùng hình thức cầu nguyện cá nhân hay tập thể để bày tỏ sự sùng kính đối với thần linh hay thượng đế, không dùng các vật nuôi để làm lễ vật hiến tế. Riêng Phật giáo thì không dùng bất kỳ loại nghi thức nào để hiến tế ngoài sự tuân thủ các nghi thức dành cho “tứ chúng”. Đây có thể được xem là một bước hoàn thiện chủ nghĩa nhân bản mà các tôn giáo lớn đem lại cho loài người.
Trong khi đó, ở nhiều tộc người theo đa thần giáo (thờ nhiều thần), vẫn duy trì tục hiến tế bằng vật nuôi và sự gán ghép ý nghĩa linh thiêng đối với vật hiến sinh. Người Việt và các tộc người thiểu số (không theo các tôn giáo lớn) ở Việt Nam nằm trong số đó.
Các thanh niên thay nhau đập đầu con trâu đến chết. Ảnh: Soha.vn
Hôm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã lan truyền những hình ảnh ghê rợn trong lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ). 12 thanh niên có sức vóc, chưa lập gia đình, được chọn lọc kỹ lưỡng từ các hộ gia đình văn hóa thay phiên nhau dùng búa đập vào đầu con trâu cho đến khi con trâu ngã gục mới thôi. Dân làng quan niệm con trâu quay về hướng nào thì ban phước cho dân làng hướng đó. Lễ hội này mới được khôi phục lại và được tổ chức thường niên vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Tiếp sau lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ) đã khiến nhiều người phản ứng.
|
Ta có thể biện hộ dùng vật nuôi hiến sinh bằng các lập luận như bảo vệ bản sắc, bảo vệ cốt lõi tâm linh, bảo vệ truyền thống ở các cộng đồng hay tộc người. Ta cũng có thể nhân danh văn hóa để nói về duy trì đa dạng văn hóa thông qua các nghi lễ, thờ cúng, được coi là cốt tủy của bản sắc tộc người hay cộng đồng. Tất cả đều nói lên duy trì truyền thống tộc người hay cộng đồng là cần thiết, không thể áp đặt văn hóa này lên một nền văn hóa khác bằng cưỡng bức, bằng truy sát các văn hóa bản địa, cổ truyền. Nguyên tắc này luôn luôn đúng khi mà thế giới cần giữ gìn sự đa dạng văn hóa.
Thế nhưng một dòng chảy khác cũng đang hiện hữu là toàn cầu hóa, là hội nhập, là “thế giới phẳng” thông qua hoạt động kinh tế, hoạt động tư tưởng, truyền thông và mạng xã hội. Lẽ dĩ nhiên, để quá trình này diễn ra, các tiêu chuẩn và chuẩn mực do cộng đồng quốc tế đặt ra cần được tôn trọng. Đó là nhân quyền; đó là kinh tế xanh, sạch (không tăng trưởng bằng mọi giá); đó là môi trường tự nhiên được bảo vệ tính đa dạng sinh thái và hệ động, thực vật, tài nguyên được khai thác hợp lý; đó là xã hội dân chủ, tự do, được chăm sóc về chất lượng sống, về hòa bình, ổn định và thịnh vượng…
Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm…
Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó.
Rất tiếc, khi kêu gọi xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người lãnh đạo đã không đặt sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, sự dung hòa giữa yêu cầu quốc tế chung như là một phương diện bắt buộc nên sự bảo vệ, phục hồi và tái dựng mô hình văn hóa truyền thống đã trượt ra khỏi quỹ đạo chung đó. Điều này khiến cho nhiều sự việc diễn ra không thể kiểm soát và có thể nói đến sự hỗn loạn của giá trị văn hóa.
Sự hành hạ các vật nuôi, dù núp dưới vỏ bọc tâm linh, không thể xem là hành vi văn minh, nếu không muốn nói là đi ngược với chính mục đích nhân bản mà cộng đồng đó ước muốn. Do vậy, hành vi hiến tế bằng cách hành hạ vật nuôi cần được giải thích, loại trừ và nếu cần phải bị luật pháp ngăn cấm.
Đó là lý do tôi cực lực lên án hành vi văn hóa dùng vật nuôi hiến tế bằng các nghi thức dã man. Hãy thay thế bằng các nghi thức thể hiện tính nhân bản, thân thiện với vật nuôi, với con người và môi trường. Điều đó thể hiện xã hội Việt Nam hiện đại sẽ là một xã hội văn minh, bền vững.
Trên website của Bộ VH-TT&DL giới thiệu về lễ hội Cầu Trâu có ghi rõ: “Khi trâu ngã gục và chết, người dân đem lột da, chôn bốn cọc rồi căng da trâu làm “nồi da nấu thịt”, tái hiện cảnh mổ trâu khao quân của nữ tướng Xuân Nương khi xưa. Người ta còn cắt 12 miếng thịt ngon ở bắp làm 12 quả đài xinh để tế thần. Sáng mồng 3 âm lịch, người dân tổ chức lễ “chạy chài”. Lễ gồm có thịt và lòng trâu đặt trên mâm tre. Sau đó nhà sát đội ra bến Giếnh, trên đường về người dân thi nhau tranh cướp lễ vật. Ai cướp được lễ vật thì năm đó làm ăn phát đạt, con cháu thuận hòa, gặp nhiều may mắn”.
|
TS NGUYỄN QUỐC TUẤN (*)
(*) Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo
(Theo Pháp luật TP.HCM)