Việt Nam Thời Báo

Luật không cấm tư nhân làm báo!

Nguyễn Cao

(VNTB) – Từ cách nhìn giác độ “Sống làm việc, học tập theo Hiến pháp và pháp luật”, có thể khẳng định rằng rất có thể với tổ chức Đảng thì báo chí là “công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng”, song với các các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, diễn đàn của nhân dân thì báo chí đơn giản như lời của vị Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ Abraham Lincoln: “Hãy để người dân biết sự thật, và đất nước sẽ được an toàn”.
Công cụ tuyên truyền của tổ chức Đảng
Thông báo Hội nghị Trung ương 10, khóa XI, có đoạn viết: “Trung ương thảo luận các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; trong đó nhấn mạnh, báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật”.
“Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.
Toàn bộ “Thông báo” có 4.518 chữ, chia làm 7 vấn đề và được cho đây là ý kiến phát biểu của Tổng bí thư. Không thấy nêu rõ cụm từ “Trung ương” ở đây cụ thể là những ai, và những “quan điểm” được thảo luận đã có những tranh luận ra sao.
Xét về mặt kỹ thuật văn bản, những nguyên tắc thỏa thuận nhân danh “Trung ương” ở đây gồm những cá nhân có tên tuổi cụ thể của nhiệm kỳ hiện tại. Các ràng buộc pháp lý để thực hiện nguyên tắc thỏa thuận ấy, xét về Hiến định và quy phạm pháp luật, có lẽ chưa đủ để buộc phải tuân thủ thi hành – nhất là đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước tiên, các hoạt động của Đảng, Nhà nước đều tuân thủ theo Hiến pháp. “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. (Trích Điều 4, Hiến pháp 2013).
Như vậy có thể hiểu rằng yêu cầu: “báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng”, là để áp dụng với các tờ báo có đơn vị chủ quản là tổ chức Đảng.
Báo chí là bình đẳng
“Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân”. (Điều 1, Luật Báo chí)
Theo Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, “Ngữ pháp tiếng Việt”. Nxb Khoa học Xã hội, 2002, trang 282–287: (1) Dấu chấm phẩy thường dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, nhất là khi giữa các vế có sự đối xứng về nghĩa, về cả hình thức. (2) Trong câu ghép song song mà vế sau có tác dụng bổ sung cho vế trước, cũng có thể dùng dấu chấm phẩy giữa hai vế. (3) Dấu chấm phẩy cũng có thể dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong một liên hợp song song bao gồm những ngữ.
Như vậy, với cách dùng “dấu chấm phẩy” trong Điều 1 của Luật Báo chí, cho thấy có sự bình đẳng giữa báo chí thuộc tổ chức Đảng, của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.
Cách hiểu này còn có căn cứ là tại Điều 2 “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí”, quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”.
Điều 4 của Luật Báo chí cho biết công dân có quyền về tự do ngôn luận, thể hiện qua các hành vi sau: 1- Được thông tin qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới; 2- Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; 3- Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; 4- Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; 5- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.
Từ cách nhìn giác độ “Sống làm việc, học tập theo Hiến pháp và pháp luật”, có thể khẳng định rằng rất có thể báo chí là “công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng”, song với các các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp, diễn đàn của nhân dân thì báo chí đúng như các nội dung luật định tại Điều 1, 2 và 4 của Luật Báo chí.
Không cấm tư nhân làm báo
Trong Luật Báo chí cũng không có quy định nào cấm tư nhân tham gia vào sản xuất báo chí. Vấn đề lâu nay là các văn bản dưới luật đã hạn chế quyền của tư nhân trong trực tiếp sản xuất báo chí. Điều này chắc chắn phải được sửa đổi trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận.
Mới đây, ở hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành luật Báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói: “Trên thế giới có rất nhiều nước không có luật báo chí, nhưng lại quản lý báo chí rất nhiều mà vẫn đúng pháp luật. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ và báo chí là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp nhất. 15 năm trước khi làm luật không ai có thể tưởng tượng được ở bên này bán cầu có thể trò chuyện và nhìn thấy hình của người ở bên kia bán cầu. Vậy chúng ta sửa luật thì đã xem xét đến những vấn đề phát triển của truyền thông thế giới thế nào?”.
Phó Thủ tướng khẳng định, sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, đảm bảo cho báo chí góp phần để nhân dân thực thiện tốt hơn quyền của mình. “Mạnh, đúng thì phát huy, hạn chế thì khắc phục, phải rất bình tĩnh trước những bất cập của hoạt động báo chí, không nên chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực mà giật mình, vội vàng ra ngay quy định hạn chế phát triển báo chí”, ông nói.
“Rồi vấn đề như báo chí hợp tác với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ví dụ như Đài truyền hình VN cũng đã có công ty liên doanh không chỉ với tư nhân mà với cả nước ngoài, có các chuyên trang, chuyên mục được thực hiện bởi các công ty tư nhân, không chỉ đơn thuần do vấn đề tự chủ tài chính mà bản thân nó có vấn đề công nghệ thúc đẩy và mang lại. Đặt trong luật sửa đổi này thế nào, đến đâu, đồng bộ thế nào?”.
Có quyền kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ, của Bộ Chính trị, quyền tự do ngôn luận thực sự không vấp phải sự cản trợ hay định kiến nào.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo