Hôm nay BPSOS công bố danh sách đợt 2, gồm 21 nhân vật, trong đó có 19 giới chức chính quyền cấp thành phố, huyện và phường liên quan đến vụ cướp đất của người dân ở thôn Cồn Dầu, Thành Phố Đà Nẵng mà đã kéo dài từ năm 2010 đến nay. Danh sách còn có 2 người không thuộc chính quyền nhưng liên quan mật thiết đến vụ cướp đất lớn này.
Danh sách Cồn Dầu thuộc bộ hồ sơ Số 4 trong tổng cộng 6 bộ hồ sơ mà BPSOS đã nộp cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ cuối tháng 2 và đang được 20 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế xem xét để cùng vận động cho việc chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu.
“Hồ sơ này đặc biệt ở chỗ nó liên quan đến cả 2 thành phần đối tượng của Luật Magnistky Toàn Cầu: đàn áp nhân quyền nghiêm trọng và tham nhũng lớn,” Ts Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định.
Các hành vi đàn áp nhân quyền nghiêm trọng trong hồ sơ Cồn Dầu gồm có tra tấn và đánh chết người.
Ngày 4 tháng 5, 2010 Ông Trần Văn Minh, lúc ấy là Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân TP Đà Nẵng, đã trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công của nhiều trăm công an, cảnh sát cơ động và côn đồ nhắm vào đoàn người tiễn quan tài của cụ bà Maria Đặng Thị Tân, 93 tuổi, đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trên 100 giáo dân đưa tang đã bị đánh đập dã man, trong đó có 2 phụ nữ đã bị sẩy thai. Sau đó 62 người đã bị đưa về đồn công an. Công an đã tra tấn họ liên tục trong nhiều ngày để ép cung.
Công an tiếp tục lùng bắt những giáo dân Cồn Dầu bị tình nghi đóng vai trò chủ chốt trong việc chống lại chính sách cướp đất. Một thanh niên khoẻ mạnh, Nguyễn Thành Nam, đã bị tra tấn nhiều lần và lần cuối thì Ông đã chết do chấn thương. Tháng 10, 2010, 6 giáo dân Cồn Dầu bị tuyên án tù.
Người chủ chốt đằng sau kế hoạch cướp đất Cồn Dầu là Ông Nguyễn Bá Thanh, lúc ấy là Bí Thư Thành Uỷ kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng. Dù bị nhiều lần cáo buộc về tham nhũng, Ông Thanh vẫn không bị điều tra và xử lý. Không những vậy, Ông Thanh đã được điều ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương của Đảng Cộng Sản với chức năng chống tham nhũng.
“Theo góp ý của luật sư mà chúng tôi tham khảo, dù đã qua đời Ông ấy vẫn cần bị nêu tên trong danh sách vì là tâm điểm của mạng lưới những thủ phạm liên can trong hồ sơ đàn áp nhân quyền và tham nhũng này,” Ts. Thắng giải thích.
Đến nay Luật Magnitsky Toàn Cầu chưa thực sự hiệu lực vì các cơ quan chấp pháp chưa hoàn tất thủ tục và thể thức để thực thi luật.
“Dù vậy, chúng tôi vẫn lần lượt công bố các danh sách đề nghị chế tài để chứng tỏ rằng chúng tôi đã sẵn sàng”, Ts. Thắng nói.
Giải thích về lý do công bố hồ sơ đợt 2 vào ngày hôm nay, Ts. Thắng cho biết cuối tháng tư là thời điểm mà Luật Magnitsky Toàn Cầu đòi hỏi Tổng Thống nộp bản báo cáo đầu tiên về thực thi luật cho Quốc Hội.
Đáp ứng đòi hỏi này, ngày 20 tháng 4 vừa qua Tổng Thống Donald Trump gửi văn thư cho Quốc Hội để khẳng định “sự ủng hộ của Hành Pháp của tôi cho đạo luật quan trọng này và nói rõ về cam kết của chúng tôi đối với việc chấp pháp mạnh mẽ và đầy đủ.”
Văn thư giải thích thêm, “Hành Pháp của tôi đang tích cực nhận diện các cá nhân và thực thể mà Luật có thể áp dụng và đang thu thập chứng cớ cần thiết để áp dụng nó.”
Sau lần báo cáo đầu tiên này, hàng năm Tổng Thống Hoa Kỳ phải nộp bản phúc trình cho Quốc Hội vào dịp Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, tức ngày 10 tháng 12. Bản phúc trình kế tiếp sẽ là ngày 10 tháng 12, 2017. Cuộc vận động chung của khoảng 20 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế, trong đó có BPSOS, nhắm vào thời điểm này.
Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu, đã cộng tác với BPSOS trong chiến dịch Cứu Cồn Dầu từ năm 2010, cho biết là hồ sơ dùng để vận động chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu cũng đã được chuyển cho một số tổ hợp luật sư để khai thác Tu Chính Án Hickenlooper (22 U.S. Code § 2370) trong Luật Ngoại Viện năm 1961, Luật Mậu Dịch năm 1974, Luật Miễn Truy Tố Chính Quyền Ngoại Quốc năm 1976, và Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tra Tấn năm 1972. Các luật này cho phép công dân hay cư dân Hoa Kỳ kiện chính quyền ngoại quốc trong các vụ soán đoạt tài sản với mục đích thương mại và và cá nhân các giới chức chính quyền ngoại quốc can dự vào các hành vi tra tấn.
Tổng Thống Trump đã nhận lời tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC 2017 sẽ diễn ra giữa tháng 11 này tại khu nghỉ mát InterContinental của Sun Group ở TP Đà Nẵng. Sun Group là chủ đầu tư của khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, trong đó có giáo xứ Cồn Dầu. Công ty này đồng loã với chính quyền Đã Nẵng để cướp đất của các giáo dân Cồn Dầu rồi chia lô bán lẻ cho các chủ đầu tư. Tổng trị giá của các lô đất này lên đến 1.2 tỉ Mỹ kim.
“Chúng tôi đã báo động với Hành Pháp Hoa Kỳ về điều này,” Ts. Thắng cho biết.
***
Danh sách đợt 2 đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu:
(1) Ông Nguyễn Bá Thanh (sinh ngày 18 tháng 4, 1953, lìa đời ngày 13 tháng 2, 2015), cố Ủy viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, cựu Thành Uỷ kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Đà Nẵng: Được những người “tay trong” mệnh danh là “Ông 10%”, Ông Thanh bị nhiều cáo buộc về tham nhũng mà nổi bật là vụ Cầu Sông Hàn năm 2000. Ông Thanh là người chủ chốt đằng sau chính sách cướp trắng đất của Giáo Xứ Cồn Dầu để giao cho Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Mặt Trời (Sun Group) chia lô bán cho các nhà đầu tư. Trị giá của toàn bộ khu đất này được ước tính là 1.2 tỉ Mỹ kim. Có nghi vấn là, khi còn sống, Ông Thanh đã chuyển một phần tài sản của gia đình sang Hoa Kỳ qua các người con du học và một số thân nhân ở quốc gia này.
(2) Ông Trần Văn Minh (sinh năm 1955), nguyên Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân TP Đà Nẵng (2006-2011): Ông Minh là người thực thi chính sách do Ông Thanh đề ra. Ngày 4 tháng 5, 2010 chính Ông Minh đã thiết lập “trung tâm chỉ huy” ở một căn hộ của giáo dân Cồn Dầu để điều động cuộc bố ráp đám tang của cụ bà Maria Đặng Thị Tân. Ông Minh cũng là người ra lệnh cho công an tấn công và bắt người trong ngày này và sau đó để khảo tra và ép họ ký tên chấp nhận giao đất cho Sun Group.
Ông Trần Văn Minh
(3) Ông Võ Văn Thương (sinh năm 1958), nguyên Chủ Tịch UBND Quận Cẩm Lệ (2010-2016), đương kim Bí Thư kiêm Chủ Tịch UBND Huyện Hải Châu, TP Đà Nẵng: Trong vai trò Chủ Tịch UBND Quận Cẩm Lệ, Ông Thương đã ký giấy cưỡng chế đất và nhà của các giáo dân Cồn Dầu để giao cho Sun Group. Ông Thương có mặt trong hầu hết các cuộc họp của chính quyền và giáo dân Cồn Dầu để đe dọa và cưỡng ép họ ký nhận giao đất. Ông là một trong những cán bộ chỉ huy cuộc đàn áp ngày 4 tháng 5, 2010 tại nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu.
Ông Võ Văn Thương
(4) Ông Lê Quang Nam (sinh năm 1970), Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Đà Nẵng (tháng 7, 2016 đến giờ): Trước đó, Ông Nam là Bí Thư Quận Cẩm Lệ, trức tiếp chịu trách nhiệm về chính sách trục xuất và tái định cư các gia đình thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu để giao đất cho Sun Group. Trong vai trò Giám Đốc Sở TNMT, Ông Nam chỉ đạo việc phối hợp giữa Công Ty Quản Lý và Khai Thác Đất TP Đà Nẵng trực thuộc Sở TNMT, với Sun Group để chia lô và bán đất Cồn Dầu cho các nhà đầu tư.
Ông Lê Quang Nam
(5) Đại Tá Lê Văn Tam (sinh năm 1959): nguyên phó Giám Đốc Công An TP Đà Nẵng (2009 – 2015), Giám Đốc Công An TP Đà Nẵng (tháng 5, 2015 đến nay). ĐT Tam là công an cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng chỉ huy toàn bộ lực lượng công an trong cuộc tấn công vào đám tang ngày 4 tháng 5, 2010.
Đại Tá Lê Văn Tam
(6) Đại Tá Nguyễn Văn Tiến, nguyên Trưởng Công An Quận Cẩm Lệ (nghỉ hưu cuối năm 2014): ĐT Tiến trực tiếp ra lệnh bắt và tra khảo trên 60 Giáo Dân Cồn Dầu trong ngày 4 tháng 5, 2010. ĐT Tiến có măt tại một số cuộc thẩm vấn nơi xảy ra tra tấn. Ông trực tiếp thẩm vấn một số người bị bắt. Ông cũng là người ra lệnh bắt Nguyễn Thành Năm, một giáo dân Cồn Dầu đã chết vì thương tích do tra tấn gây ra.
Đại Tá Nguyễn Văn Tiến
(7) Đại Tá Trần Mưu (sinh ngày 23 tháng 5, 1962), nguyên Phó Giám Đốc Công An Quận Cẩm Lệ (2009–2015), đương kim Phó Giám Đốc Sở Công An TP Đà Nẵng: Khi còn là Phó Giám Đốc Công An Quận Cẩm Lệ, Trung Tá Mưu trực tiếp điều động công an tấn công các giáo dân Cồn Dầu trong đám tang cụ bà Maria Đặng Thị Tân, gây thương tích cho trên 100 người, trong đó có 2 phụ nữ bị sẩy thai. Trung Tá Mưu trực tiếp điều động việc tra tấn 62 giáo dân Cồn Dầu.
Đại Tá Trần Mưu
(8) Ông Huỳnh Đức Thơ (sinh ngày 10 tháng 4, 1962), Chủ Tịch UBND TP Đà Nẵng (2015 đến giờ), nguyên Phó Chủ TỊch UBNS TP Đà Nẵng (tháng 4, 2014 – tháng 1, 2015), nguyên Giám Đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP Đà Nẵng (tháng 1, 2010 – tháng 4, 2014): Dưới sự chỉ đạo của Ông Thơ, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư đã chấp thuận cho Sun Group thực hiện dự án khu đô thị sinh thái trên đất của Giáo Xứ Cồn Dầu. Ông Thơ bị nhiều tố cáo về tham nhũng.
Ông Huỳnh Đức Thơ
(9) Ông Nguyễn Điểu: Nguyên Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Đà Nẵng (về hưu năm 2016): Trong vai trò ấy, Ông Điểu đã “sang tay” đất Cồn Dầu cho Sun Group. Công ty Quản Lý và Khai Thác Đất, trực thuộc Sở TNMT mà Ông là Giám Đốc, là đối tác của Sun Group trong việc chia lô và bán đất Cồn Dầu cho các nhà đầu tư. Ngày 1 tháng 4, 2017 Ông Điểu nhận Huân Chương Lao Động Hạng Nhì của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.
Ông Nguyễn Điểu
(10) Ông Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1960), Bí Thư kiêm Chủ Tịch UBND Phường Hoà Xuân: Ông Toàn là người trực tiếp điều động việc di dời 1,600 ngôi mộ trong nghĩa trang Cồn Dầu. Ông đã cho lệnh bốc trên 400 ngôi mộ bất chấp sự phản đối của thân nhân của người quá cố để di dời sang nghĩa trang do chính quyền chị định. Không ai có thể phối kiểm xương cốt được cải táng là của thân nhân mình.
Ông Nguyễn Văn Toàn
(11) Ông Lê Viết Lam (sinh năm 1969), Tổng Giám Đốc Sun Group (2007 đến giờ): Ông là chủ đầu tư chính trong dự án Khu Du Lịch Sinh Thái Hoà Xuân, bao gồm 110 mẫu đất của Giáo Xứ Cồn Dầu. Dùng chính quyền Đà Nẵng làm bình phong, Ông Lam là động lực chính đằng sau vụ cướp đất của Giáo Xứ Cồn Dầu để rồi chia lô và bán cho các nhà đầu tư với giá 200 – 300 lần cao hơn mức bồi thường cho khổ chủ. Giá một mét vuông đất ruộng đền bù cho giáo dân Cồn Dầu vào năm 2010 là từ 30 đến 50 ngàn đồng Việt Nam. Giá một mét vuông đất tại Cồn Dầu hiện đang được rao bán trên thị trường từ 8 đến 10 triệu đồng Việt Nam.
Ông Lê Viết Lam
(12)Bà Hồ Thị Nga (sinh năm 1974): Là một giáo dân Cồn Dầu, Bà Nga đã là công cụ đắc lực của chính quyền Quận Cẩm Lệ và TP Đà Nẵng trong việc gạt lấy “sổ đỏ” của trên 100 hộ gia đình giáo dân Cồn Dầu để vay và quịt nợ ngân hàng. Tháng 2 năm 2017, Bà Nga bị bắt về tội lường gạt và bị cáo buộc là đã hối lộ các giới chức các cấp phường, quận và thành phố để ký và chuyển nhượng các “sổ đỏ”.
Bà Hồ Thị Nga
(13) Thượng Tá Lê Viết Hiếu: Thượng Tá Công An Quận Cẩm Lệ, trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(14) Thượng Tá Phan Hữu Phùng: Thượng Tá Công An, Trưởng Toán Hình Sự, Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(15) Trung Tá Nguyễn Ngọc Tuấn: Trung Tá Công An Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(16) Ông Đặng Hồng Phúc: Công an Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(17) Trung Tá Tuấn: Trung Tá Công An Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(18) Trung Tá Liên: Trung Tá Công An Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(19) Trung Tá Thanh: Trung Tá Công An Quận Cẩm Lệ trực tiếp tra tấn nhiều giáo dân Cồn Dầu tại đồn công an.
(20) Bà Tán Thị Thu Dung, chánh án Toà Án Nhân Dân Quận Cẩm Lệ: Tháng 10 năm 2010 Bà Thu Dung đã cản không cho văn phòng Luật Cù Huy Hà Vũ đại diện cho các giáo dân Cồn Dầu bị truy tố. Tại phiên toà ngày 27 tháng 10, 2010, Bà Dung cấm các bị cáo khai sự thật là đã bị công an tra tấn để ép cung. Bà đã xử tù 6 giáo dân Cồn Dầu.
(21) Bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh Án Toà Án Phúc Thẩm Quận Cẩm Lệ: Tại phiên toà phúc thẩm ngày 26 tháng 1, 2011, Bà Cảnh không cho phép bị can phát biểu để tự bào chữa hay tố giác việc công an sử dụng tra tấn để ép cung, và giữ nguyên mức án.
Bài liên quan:
Văn thư của TT Trump gửi Quốc Hội Hoa Kỳ về thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu:
https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/04/20/letter-president-certain-congressional-committee-chair
Công Bố Đợt 1 Danh Sách Đề Nghị Chế Tài Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1201-2017-04-03-01-58-05.html
BPSOS: Hoàn tất danh sách 168 nhân vật để đề nghị chế tài
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1199-2017-03-22-21-41-32.html
Theo BPSOS