Luật sư tham gia hỏi cung:Trị tận gốc bức cung, nhục hình?

Về đề xuất ghi âm, ghi hình, có sự tham gia của luật sư khi hỏi cung, một số luật sư đã nói thằng từ kinh nghiệm thực tiễn.

    Vấn đề bức cung, dùng nhục hình đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vừa qua Ban soạn thảo sửa đổi Bộ Luật tố tụng hình sự có đề xuất bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can; đồng thời đề cao vị trí, vai trò của luật sư trong toàn bộ trình tự tố tụng hình sự (TTHS).
    Luật sư yếu thế hơn điều tra viên
    Luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Phó Trưởng Tiểu ban Luật Tố tụng hình sự (TTHS) Liên đoàn Luật sư Việt Nam), là thành viên Tổ Biên tập sửa đổi Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) lần này cho biết:
    Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã cử các thành viên tham gia Ban soạn thảo và Tổ Biên tập, chủ động đề xuất xây dựng một chương hoàn toàn mới trong BLTTHS là chương VII về bào chữa, tham gia đóng góp tích cực và có hiệu quả vào nhiều nội dung cơ bản các điều luật chương này và các chương khác của  BLTTHS.
    Trước hết, luật sư với tư cách là chủ thể thực hiện chức năng cơ bản là chức năng bào chữa trong TTHS, có địa vị, quyền năng bình đẳng với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và xét xử, nhưng dự thảo vẫn coi luật sư (người bào chữa) là người tham gia tố tụng, hoàn toàn yếu thế so với những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.
    Luật sư Phan Trung Hoài
    Luật sư Phan Trung Hoài
    Dự thảo cũng chưa từ bỏ dứt khoát cơ chế xin- cho liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa, trong khi đây là rào cản lớn nhất hạn chế quyền hành nghề của luật sư.
    Vì vậy vấn đề ghi âm, ghi hình đã được đặt ra nhằm ngăn ngừa tình trạng bức cung, nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như một số vụ án vừa qua.
    “Nên coi bản lấy cung không có hiệu lực khi không có luật sư hiện diện”
    Nói thêm về khó khăn của luật sư trong quá trình tố tụng, luật sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Giám đốc công ty Hoàng gia và cộng sự chia sẻ những khó khăn mà luật sư gặp: “Khó khăn từ việc phải cấp giấy chứng nhận để bảo vệ bị cáo, việc cấp giấy chứng nhận nhiều lúc phải cần có chữ ký của thân chủ trong khi đó bị cáo ở trong trại giam.
    Như vậy hiện tượng luật sư tiếp cận bị can bị cáo là rất khó khăn. Đấy là điều thứ nhất nên chỉ có mỗi cơ quan điều tra làm việc với bị cáo thôi, nó không mình bạch nên nhiều tờ khai là không phản ánh thực tế, bị can bị cáo ra tòa là phản khúc, ép cung.
    Để luật tố tụng hình sự đi vào cuộc sống thì việc đưa vào quy định về quyền im lặng của bị can, bị cáo là rất quan trọng. Nó xuất phát từ nguyên lý người buộc tội không nhất thiết phải chứng minh là người phạm tội, đó là nguyên tắc cơ bản để đảm bảo quyền của người ta…”
    Luật sư Hoàng Ngọc Giao
    Luật sư Hoàng Ngọc Giao

    Luật sư Giao nói tiếp: “Từ đó tôi muốn nhấn mạnh: Một là trách nhiệm điều tra thì vẫn điều tra, hai là người ta có quyền im lặng, và người điều tra phải dùng nghiệp vụ để cho đương sự thấy rằng mình phải khai ra những kẻ đồng phạm, những mỗi liên hệ có liên quan….

    Thứ hai: Thực tế trong thời gian qua việc lấy cung cũng rất hình thức, bởi với quy định là luật sư tham gia không được ảnh hưởng tới quá trình điều tra, nên nhiều khi điều tra viên không cho nói, không cho hỏi thân chủ.

    Luật sư chỉ ngồi làm vì thế nên là những gì đã lấy cũng đọc cho đương sự nghe rồi đương sự ký trước sự chứng kiến của luật sư, như thế là không ổn.

    Bây giờ cần là ngay khi hỏi cung, đề nghị có camera ghi hình, ghi tiếng và có sự tham gia của luật sư, sau đó bản ghi hình ghi tiếng ấy là có chữ ký của luật sư thì nó giảm thiểu đi và minh bạch hơn trong qua trình làm việc giữa cơ quan điều tra và đương sự.

    Việc ghi hình, ghi tiếng là rất cần thiết, đừng ngại nhưng bản ghi hình ghi tiếng là cần phải được coi là 1 trong những chứng cứ về lời khai, có sự tham gia của luật sư ngay từ đầu.

    Còn những bản lấy cung nào không có ghi hình ghi tiếng kèm theo mà không có sự hiện diện của luật sư thì nên coi bản lấy cung đó không có hiệu lực. Theo tôi phải làm như thế thì không xảy ra trường hợp ép cung, đó là những câu chuyện xoay quanh vai trò của luật sư”
    Bị cáo trình độ chưa cao, dễ bị tác động tâm lý
    Nói về vai trò cụ thể của luật sư khi hỏi cung, luật sư Nguyễn Văn Hướng cho rằng theo bộ luật TTHS không riêng gì hoạt động hỏi cung luật sư mới được tham gia.
    “Thứ nhất luật sư vào nơi tạm giam thì có thể giúp cho thân chủ như giải thích quyền và nghĩa vụ cho họ hiểu, cái quan trọng nữa là giúp họ ổn định về tinh thần hơn, rồi sức khỏe, cuộc sống của người ta nữa.
    Thứ 2: Luật sư tham gia có thể nâng cao chất lượng điều tra, điều tra viên có đến 60-70 % không thuộc luật, biên bản có sẵn rồi cứ làm chứ chưa biết luật tố tụng mục đích là làm những gì.
    Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng
    Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng
    Khi hỏi cung, nếu luật sư không chấp nhận và thấy không khách quan thì luật sư có quyền không ký. Nếu điều tra viên và luật sư mâu thuẫn thì có nhiều vấn đề: 1 không khách quan nên luật sư không ký, hai là bị cáo có quyền khiếu nại về sai lệch hồ sơ, thời gian…
    Từ đó thấy được vai trò của luật sư rất quan trọng. Những người phạm tội, nhiều trường hợp họ có trình độ văn hóa chưa cao, hơn nữa tư tưởng tâm lý của họ khi bị đeo gông, gặp những người có súng….nên rất sợ, vì vậy khi đó nói gì cũng nghe theo. Trường hợp như vậy không có luật sư thì sẽ rất không khách quan”
    .
    Về kinh nghiệm hoạt động tư pháp hỏi cung ở những nước có hệ thống pháp luật gần gũi với mình, luật sư Hướng chia sẻ: “Theo tôi ở nước khác, hoạt động tư pháp có hệ thống rất khách quan, khi bị phạm tội luật sư được vào rất dễ dàng và thủ tục rất khẩn trương.
    Thứ hai là mô hình điều tra rõ ràng, điều tra là riêng điều tra, cơ quan tạm giữ là cơ quan tạm giữ, nó tách bạch. Còn Việt Nam mình điều tra và tạm giam là chung. Mới đây Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề xuất tách trại tạm giam nằm ngoài công an tỉnh và nhà tạm giữ khỏi công an huyện để ngăn chặn vi phạm trong hoạt động giam giữ.
    Thứ 3 là ở nước mình cứ phạm tội là bắt giam, một đất nước nhiều nhà tù nhà tạm giam đâu có hay. Phải phân biệt những tội nào thi nên tạm giam, những tội nào thì nên được bảo lãnh.
    Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn oan sai, chứ theo tôi bắt người vô tội vào rồi bắt người ta nhận tội thì không nên. Ngoài ra cũng nên phân biệt oan và sai khác nhau. Oan là từ không có tội trở thành có tội, sai là từ có tội ít trở thành có tội nhiều”.
    Theo Thanh Thanh/ Đất Việt
    CATEGORIES
    TAGS
    Share This

    COMMENTS

    Wordpress (0)