Huy Phương
(Người Việt)
Trong buổi lễ trao giải thưởng văn học năm 2016 tại Việt Nam, ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, cho biết sẽ tổ chức một hội nghị, vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10 Tháng Ba Âm Lịch, mời tất cả những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài về dự, kể cả những nhà văn đó phục vụ chế độ cũ. Đây là một “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học!”
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. (Hình: Báo Dân Trí) |
Chúng ta cũng nên biết rằng, Hội Nhà Văn Việt Nam lâu nay vẫn được xem là công cụ của đảng, và ông Hữu Thỉnh đã được đảng sắp xếp cho làm chủ tịch trong thời gian dài 15 năm (ba nhiệm kỳ). Trong tình trạng chính hội này sắp tắt thở bị cắt ngân khoản xuống một nửa, và ngân khoản này hầu hết dùng để in báo phát không (free) cho con số hội viên không dưới 1,000 người, và ngay trong tình trạng khó khăn như vậy, hội lại dám đề xuất một hội nghị có tầm vóc, tốn kém trong một thời gian quá ngắn, hẳn là một việc làm cấp bách do cấp trên giao phó là khẩn trương “hòa hợp dân tộc.”
Trước hết, trên danh nghĩa, ông Hữu Thỉnh đã dùng chữ “nhà văn phục vụ chế độ cũ” để nói đến những người như chúng tôi, hầu phân biệt với những nhà văn phục vụ chế độ của đảng ngày nay.
Thật ra, theo định nghĩa chung của nhà văn, nhà văn không phải là thứ “viết thuê vẽ mướn,” đồng nghĩa với “chém thuê giết mướn” trong cung cách văn nô, bồi bút theo lề lối của những nhà văn, nhà thơ sống trong chế độ Cộng Sản lâu nay, không “phục vụ” thì chỉ có cách chết đói hay đi tù như những nhà văn thuộc thế hệ Nhân Văn Giai Phẩm 1955. Không phục vụ chế độ như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có nghĩa là “tình báo nước ngoài được cài cắm và làm gián điệp cho ngoại quốc” nhằm “phủ nhận sự lãnh đạo của đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của đảng Lao Động Việt Nam.” (lời lẽ kết án của đảng đối với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm).
Nhà văn ở miền Nam trước đây không có ai nhận sự lãnh đạo chính trị của đảng nào hay chính phủ nào trong lĩnh vực văn hóa cả. Thiên chức của một nhà văn không phải sinh ra để phục vụ chế độ hầu để kiếm chén cơm, manh áo, chút tem phiếu hay một chức vụ của đảng ban cho. Ở miền Bắc, người ta đào tạo ta những nhà văn như thế, nhưng tận tụy phục vụ cho đảng, cuối cùng cũng chỉ nhận được sự xem thường, khinh miệt.
Có lần, Hội Nhà Văn Cộng Hòa Dân Chủ Đức, qua Hội Nhà Văn Việt Nam, gửi tặng cho các nhà văn Việt Nam mấy cái xe đạp Diamant. Thời đó, món quà này là một cả một gia tài lớn. Hội nhà văn làm danh sách, chia xe đạp cho một số nhà văn, trong đó có nhà văn Nguyên Hồng. Từ Bắc Giang, Nguyên Hồng lặn lội về Hà Nội nhận xe. Nhưng nhà văn phục vụ chế độ khốn khổ này, cuối cùng chỉ được chụp hình với cái xe, để người ta gửi báo cáo về Đông Đức, còn cái xe thì hội giữ lại để dâng cho giới lãnh đạo. Ông Nguyên Hồng cho rằng Hội Nhà Văn Việt Nam đối xử với hội viên của họ còn thua bọn đầu nậu, du thủ du thực trong Bỉ Vỏ (tác phẩm của Nguyên Hồng trước 1945).
Còn thời nay, Nguyễn Hữu Thỉnh, suốt 15 năm là một nhân vật như thế nào?
Ông Hữu Thỉnh sinh năm 1942, 10 tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn lính Pháp, đến 12 tuổi mới được đi học. Nhập ngũ, làm lính Trung Đoàn 202, tham gia các công việc như chăn bò, học lái xe tăng, Sau 1975, ông học sơ cấp thú y. Đặt để một ông tốt nghiệp sơ cấp thú y, trưởng ban chăn nuôi, biên tập của tạp chí Thú Y, một ông Thừa Cung thời nay, làm hội trưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, thật là đúng quy cách, đường lối của đảng đối với văn nghệ sĩ.
Hổ thẹn vì mang danh hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, ngày 11 Tháng Năm, 2015, 20 nhà văn, nhà thơ ký tên vào đơn tuyên bố từ bỏ hội. Đó là Nguyên Ngọc, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Đình Trọng, Võ Thị Hảo, Bùi Minh Quốc, Đặng Văn Sinh, Hoàng Minh Tường, Lê Hiền Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Quang Thân, Thùy Linh, Vũ Thế Khôi, Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Dạ Ngân, Nguyễn Duy, và Trần Kỳ Trung. Trong số 20 người, có bốn người cũng đồng thời tuyên bố rời bỏ cả Văn Đoàn Độc Lập, đó là Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Nguyễn Duy, và Trần Kỳ Trung.
Cái hội nhà văn do ông Hữu Thỉnh lãnh đạo là cái hội đã đem râu cụ Phan Thanh Giản cắm vào cằm ông Nguyễn Khuyến, lấy khăn vấn của ông Chu Văn An đội cho ông Cao Bá Quát, và cho rằng Hàn Mạc Tử và Yến Lan là một!
Nói về “hòa giải dân tộc,” thì những người có đầu óc suy nghĩ ở hải ngoại hẳn đã phải dị ứng nổi gai ốc, mỗi lần nghe đến mấy chữ này, vì 42 năm với những thù hận, kiêu ngạo, kỳ thị, ngu dốt của những người thắng trận, không còn gì để hòa hợp, hòa giải nữa! Ở trong nước, với người đã chết các ông cũng đào mồ cuốc mả, với người sống thì đàn áp tù đày. Liệu tổ chức được một thứ hội nghị “hòa giải dân tộc” như thế, số tiền hải ngoại gửi về có tăng lên chăng?
Nhưng quý ông trong nước cũng đừng quá bận tâm lo lắng. Không phải đến bây giờ hải ngoại chưa chịu hòa hợp hòa giải với mấy ông. Cách đây mấy năm, nhiều nghệ sĩ hải ngoại cũng về với hy vọng làm lại chuyện này, nhưng đi ra rồi lại đi vào, đi ngược về xuôi, không còn biết đâu mà lần!
Gần đây một số nhà văn, nhà thơ của miền Nam thời cũ (tôi không dùng chữ phục vụ chế độ cũ) mặc dầu họ là những cựu quân nhân, viên chức, thậm chí đã bị các ông cầm tù, đày ải trong các trại tập trung, cũng đã xin về hòa hợp hòa giải bằng cách “giao lưu” với những nhà văn trong nước, xuất bản, in sách, giới thiệu, ra mắt tác phẩm. Họ đình đám, ca tụng hòa giải với nhau, còn đem hình ảnh ra quảng bá, khoe khoang trên báo chí hải ngoại nữa, thì cần gì các ông phải nhọc lòng, tốn ngân khoản để tổ chức hội nghị này, hội nghị nọ cho nhọc lòng, thêm đề tài cho thiên hạ chửi nữa..
Cũng có thể rồi đây, các ông sẽ chiêu dụ được một đám lòng tong, cá chốt ở đây về dự tham dự hội nghị “hòa hợp dân tộc” nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương. Cũng còn nhiều anh lúc ra đi, trốn chui trốn nhủi, bây giờ về, muốn được xe công an hộ tống có còi hụ dẫn đường, và muốn nhảy cẫng, leo lên sân khấu cùng vỗ tay hát bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên, đứa con bất hiếu!
Tôi không nghĩ là ông Hữu Thỉnh “hoang tưởng” như một nhà văn nhận định trong cuộc phỏng vấn của Văn Hóa, có thể Cộng Sản nghĩ đúng: mẻ lưới nào quăng ra mà không có cá! Không có cá thì cũng có cua, còng, rơm rác! Rồi căn cứ vào đó, theo thói quen được chăn dắt, báo chí truyền hình trong nước lại ca tụng: “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” đã thành công rực rỡ!
Thôi, “bỏ đi Tám!”