Kiều Phong
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Những con số biết nói
Năm 2011, 60% diện tích toàn thành có cao độ thấp hơn 2 m trong khi mực nước cao nhất tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn và gần trung tâm thành phố có thể đạt 1,55 m (ghi nhận ngày 15/12/2008). Với mực nước 1,55 m cộng thêm 1 m nước biển dâng cao (NBDC) vào cuối thế kỷ sẽ gây ngập phần lớn diện tích thành phố. Tốc độ lún gần 15 mm/năm hiện nay tại nhiều điểm trong thành phố sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề.
Hiện nay, cả thành phố có hơn 100 điểm ngập, 154/322 xã phường ghi nhận bị ngập lụt thường xuyên. Trong điều kiện khí hậu cá biệt như cơn bão Linda năm 1997 thì 48% dân số thành phố sẽ chịu cảnh ngập lụt. Rủi ro của thành phố có thể còn trầm trọng hơn khi hệ quả của biến đổi khí hậu tác động vào vùng đất này. Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới năm 2009 xếp TP HCM vào danh sách 25 thành phố rủi ro nhất thế giới về quy mô dân số chịu ảnh hưởng của các cơn bão liên quan tới BĐKH. Nghiên cứu của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM 2009) dự báo tới năm 2050, 50% các nhà máy nước, 60% các nhà máy xử lý nước thải, 90% diện tích các bãi rác thải và 30% đến 70% hệ thống giao thông bao gồm đường cao tốc, cảng và hệ thống metro có nguy cơ ngập lụt. Vô hình chung, mối quan ngại địa phương về vấn đề ngập lụt trong đô thị hiện tại đã được liên hệ với nhận thức toàn cầu về rủi ro BĐKH trong tương lai.
Những con số này cho thấy bức tranh phức tạp của vấn đề ngập lụt tại TP HCM.
Không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu
Mặc dù TP HCM được biết đến trên thế giới như là một trong những thành phố nhiều rủi ro nhất trước tác động của Biến đổi Khí hậu (BĐKH) và Nước biển dâng cao, nguyên nhân chính của ngập lụt không phải là thiên tai mà là “nhân tai”. Chiến lược phát triển đô thị sai lầm, hệ thống thoát nước yếu kém và phương pháp tiếp cận nặng về giải pháp công trình đã làm trầm trọng hơn vấn đề.
Trong khi cả ngân sách đổ dồn vào việc xây dựng các công trình nhằm giảm thiểu tác động của lũ sông và triều cường tại TP HCM, căn nguyên thực sự của ngập lụt lại không nằm ở hai yếu tố thiên nhiên này. Các nghiên cứu so sánh về mực nước sông và mực nước biển, nhiệt độ bề mặt, lượng mưa và vị trí các điểm ngập đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng để xác định nguyên nhân của vấn đề.
Kiến trúc sư Hồ Long Phi so sánh số liệu thu thập từ các trạm quan trắc thủy văn khác nhau trong hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và trạm Vũng Tàu thời kỳ 1990 – 2007. Kết quả cho thấy trong khi mực nước tại Vũng Tàu không tăng và mực nước tại Biên Hòa chỉ tăng nhẹ thì mực nước tại trạm Phú An và Nhà Bè tăng đáng kể với tốc độ lần lượt là 1,45 cm/năm và 1,17 cm/năm. Đánh giá hệ số tương quan của mực nước cao nhất hàng năm cho thấy không có sự tương quan đáng kể giữa mực nước tại Vũng Tàu và các trạm trong nội địa trong khi các trạm này lại tương quan chặt chẽ với trạm Phú An. Phân tích của Hồ Long Phi cũng cho thấy có tương quan giữa lưu lượng xả tối đa tại thủy điện Trị An với mức nước cao nhất hàng năm tại Biên Hòa, Phú An và Thủ Dầu Một nhưng sự tương quan giữa mực nước tại các trạm này với lưu lượng xả tại hồ Dầu Tiếng là không đáng kể. Những kết quả này dẫn tới nhận định rằng xu hướng ngập lụt gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh không gắn với hiện tượng BĐKH toàn cầu và NBDC mà với các lý do địa phương.
Số lần mực nước đạt mức cao nhất tại trạm Phú An hàng năm tăng lên nhanh chóng. Nếu trong năm 1995, số lần mực nước vượt mức 1,2 m là khoảng 30 lần thì con số này vào năm 2007 là 100 lần. Sự gia tăng đột biến của số lần mực nước vượt các mức trên sông Sài Gòn bắt đầu từ những năm 1990 một lần nữa khằng định hiện tượng ngập lụt tại TP HCM không thể giải thích bằng BĐKH toàn cầu.
Nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi cao độ và tần suất vượt các mức cao độ của mực nước tại Tp HCM là quá trình phát triển đô thị của thành phố. Tốc độ tăng dân số và diện tích bề mặt bê-tông hóa không được chính quyền quan tâm đúng mức. Tốc độ tăng dân số tại TP HCM từ năm 1979 tới 1989 là 1,95%, từ năm 1989 tới 1999 là 2,63% và từ năm 1999 tới năm 2005 là 4,29%. Sự gia tăng dân số nhanh chóng trong một chu kỳ 5 năm dẫn tới sự gia tăng đáng kể số lần mực nước vượt các mức cao độ trong chu kỳ 5 năm tiếp theo. Ví dụ tốc độ tăng dân số cao trong thời kỳ 2001-2005 (20,7% so với 11,4% của thời kỳ 1996-2000 và 12,7% của thời kỳ 1991-1995) dẫn tới sự gia tăng đột biến (độ dốc của đồ thị) của số lần mực nước vượt các mức cao độ trong thời kỳ 2006-2007.
Việc gia tăng dân số không kiểm soát dẫn đến sự đô thị hóa tự phát tại vùng ven đô vốn trước kia là đất nông nghiệp. Điều này làm gia tăng ngập lụt theo 2 cách: thứ nhất, diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống; thứ hai, tỷ lệ diện tích bề mặt tự nhiên giảm xuống trong khi diện tích đất bị bê-tông hóa tăng lên khiến cho lượng nước chảy bề mặt gia tăng vì không thấm được vào lòng đất. Quá trình đô thị hóa trong vòng 14 năm trở lại đây cùng với sự làm ngơ của chính quyền dẫn tới sự biến mất của 47 con kênh với tổng diện tích 16,4 hecta, san lấp 7,4 hecta hồ Bình Tiên, một trong số những hồ chứa quan trọng nhất của khu vực. Trong vòng chỉ 8 năm 2002-2009, khả năng chứa nước của hệ thống hồ, ao và vùng ngập nước trong thành phố giảm gần 10 lần.
Việc mất diện tích bề mặt tự nhiên còn đồng thời xảy ra đối với diện tích công viên – cây xanh trong nội đô. Giai đoạn 1998-2009, nội thành TP.HCM mất đi 50% diện tích cây xanh khiến cho tỷ lệ cây xanh trên đầu người còn vô cùng nhỏ: 0,7 m2 vào năm 2009 (mục tiêu tới năm 2010 đề ra trong quy hoạch chung là 6-7 m2/người ?!). Việc chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên vốn có khả năng thấm trung bình 50% lượng nước mưa thành bề mặt đô thị vốn chỉ thấm được bình quân 15% lượng nước mưa tất yếu làm gia tăng đáng kể lượng nước chảy trên bề mặt gây ra ngập lụt. Diện tích bê tông hóa bề mặt của thành phố gia tăng nhanh hơn nhiều lần tốc độ tăng dân số. Trong vòng 17 năm, từ 1989 tới 2006, diện tích bê-tông hóa bề mặt gia tăng 305,5% từ hơn 6000 hecta vào năm 1990 lên tới 24.500 hecta vào năm 2006, trong khi dân số thành phố chỉ tăng 79,5% trong thời kỳ 1990 – 2010.
Như vậy vấn đề ngập lụt tại TP HCM không phải là hệ quả của quá trình NBDC dưới tác động của BĐKH. Thực tế là 75% các điểm ngập tại thành phố có cao độ lớn hơn 2,5 m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm và bất chấp mực nước ở Phú An thấp hay cao. Điều này có nghĩa rằng phần lớn các điểm ngập hiện nay bị ngập không vì lý do địa hình thấp hay mực nước của sông Sài Gòn lên cao.
Trước một thực tế như vậy, phía chính quyền không những dường như luôn né tránh trách nhiệm mà người ta còn cố tình “vẽ” dự án để trục lợi. Báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP HCM (2010) xác định địa hình và triều cường là hai nguyên nhân chính của vấn đề, từ đó bằng những lời hoa mỹ, người ta đưa ra các giải pháp xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều – những giải pháp vô cùng tốn kém nhưng lại không giúp giải quyết bản chất vấn đề.