Vào sáng ngày 01 tháng 03 năm 2016, hàng trăm người dân đã bao vây khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để phả đối về việc lãnh đạo tỉnh này bán rừng phòng hộ cho Tập đoàn FLC làm dự án, nên không có chỗ đậu thuyền, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân.
Được biết, người dân của bốn xã/phường gồm:Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và Quảng Cư thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã mang theo chiếu, lều bạt, chăn màn và những lá đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng để yêu cầu giải quyết. Nhà cầm quyền tỉnh đã huy động lực lượng công an, an ninh, dân phòng đến để kiếm soát đoàn biểu tình cũng như chặn hết các ngã đường dẫn vào khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Một nguồn tin có mặt tại hiện trường cho biết: “Hôm trước, người dân chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình về việc tập đoàn FLC chiếm rừng phòng hộ, chiếm bãi đậu thuyền của chúng tôi. Nên hôm nay, chúng tôi đến để tìm câu trả lời. Chúng tôi chỉ tập trung ôn hòa, không ảnh hưởng đến những người xung quanh và không vi phạm pháp luật.”
Tỉnh Thanh Hóa cho tập đoàn FLC lấy khu vực bãi đậu thuyền, rừng phòng hộ thuộc bốn xã gồm: Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và Quảng Cư thuộc thị xã Sầm Sơn làm khu du lịch sinh thái mà không có bàn bạc với người dân nơi đây.
Trước đó, nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã di chuyển bến đậu thuyền vào một địa điểm khác cách chỗ cũ hơn 10km, gây bất lợi cho người dân. Những người dân thuộc bốn xã trên đều là ngư dân chài lưới sống nhờ vào việc đánh bắt thủy sản. Trên báo Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Lý, trú tại phường Trung Sơn, Sầm Sơn chia sẻ: “Bốn, năm đời cha ông chúng tôi đã truyền nối nghề chài lưới trên biển. Nhờ chúng tôi mới có du lịch Sầm Sơn ngày nay.Thế nhưng, hiện nay tỉnh Thanh Hóa, Thị xã Sầm Sơn đã định lấy về giao cho FLC. Họ lấy hết toàn bộ bến thuyền chúng tôi ở đây và chuyển chúng tôi đến tận bến Quảng Hùng xa cách 10 km. Chúng tôi đánh bắt nhỏ lẻ con moi, con cá, bán tươi chỉ 4000đ/kg, bán khô mới được 10.000 đ/kg, giờ họ chuyển chúng tôi đến bến trên 10 km đi lại rất khó khăn. Nhà tôi có 2 vợ chồng đi biển, sáng chồng đi biển, vợ cũng phải đi theo. Rồi tôi lại phải về nhà sau đó lại đi xuống đón chồng… Chúng tôi chỉ mong chính quyền để chúng tôi khoảng 1km trong tổng 3,5 km để chúng tôi sinh sống nhưng không ai đồng ý. Sau đó họ thông báo không để dân mét nào, chúng tôi bức xúc lên kéo lên tỉnh, vừa phụ nữ, bà lão, kể cả học sinh cũng bỏ học để lên UBND tỉnh.”
Ân Thiên/SBTN