Việt Nam Thời Báo

Nhà máy thép hơn 8.000 tỷ bỏ hoang: Vẫn đang… tìm hướng giải quyết?

BizLIVE 


BizLIVE – Đây là chia sẻ của ông Đặng Thúc Kháng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 vừa diễn ra.


Nhà máy thép hơn 8.000 tỷ bỏ hoang: Vẫn đang... tìm hướng giải quyết?

Nhà máy 8.100 tỷ bị bỏ hoang. Nguồn: Tuổi trẻ
Cụ thể ông Kháng cho biết, dự án đầu tư mở rộng giai đoạn hai Nhà máy Gang thép Thái Nguyên của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO – thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) nằm trong quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 12/7/2007 tiến hành ký hợp đồng, tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2009 xảy ra khủng hoảng kinh tế, do đó, đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) không thực hiện hợp đồng. Sau đó, mặc dù dự án được điều chỉnh nhưng cũng không thể thực hiện và phải tạm dừng.
Đến tháng 3/2009, Bộ Công Thương chủ trì mời Đại sứ quán Trung Quốc và các nhà thầu liên quan làm việc, tuy nhiên, cũng chỉ có thể điều chỉnh phụ lục hợp đồng điều khoản 04, tách phần C tức phần xây lắp của dự án để cho nhà thầu Việt Nam làm.
Chủ tịch Vnsteel cho biết, từ đó đến nay đã trải qua 15 lần đàm phán giữa các nhà thầu phụ nhà thầu chính với Bộ Công Thương, có 11 thông báo của văn phòng Chính phủ về ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn của dự án.
Dự án cũng đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính và TISCO phát hành cổ phần riêng lẻ 1.000 tỷ đồng để SCIC tham gia, nâng tổng số vốn từ 1.840 tỷ vốn điều lệ lên 2840 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Vnsteel tại TISCO từ 65% xuống còn 42 % trong khi SCIC chiếm 36% vốn.
“Hiện nay, các vấn đề liên quan đến dự án vẫn đang tiếp tục được giải quyết”, ông Kháng cho biết.
Trước đó, vào tháng 7/2007, TISCO đã ký hợp đồng tổng thầu với MCC xây dựng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỷ đồng.
Ký hợp đồng xong, nhà thầu được TISCO tạm ứng trên 35 triệu USD (khoảng 600 tỷ đồng, tỷ giá thời điểm đó) trong tổng giá trị hợp đồng khoảng 160,8 triệu USD. Tuy nhiên chỉ sau một năm, vào tháng 8/2008 MCC yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Chủ đầu tư sau đó báo cáo lên cấp trên và được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu. 
Đến năm 2012, khi phía Việt Nam gặp khó khăn về vốn, nhà thầu Trung Quốc đã quyết định rút nhân viên về nước. Vậy dù đã giải ngân hàng ngàn tỷ đồng, thi công được 80% tiến độ công trình, hàng ngàn tấn thiết bị của Gang thép Thái Nguyên phải nằm phơi mưa nắng.
Đến nay dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm. Theo TISCO, nếu khởi động lại, dự án phải có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 9.000 tỷ đồng, tức thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa.
LINH LINH

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo