Với 64,3% số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia trong phiên họp kín khá căng thẳng sáng 6-8 đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2015 là 15,1%.
Trong đó, mức tăng cao nhất là vùng 1 (3,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 400.000 đồng so với LTT năm 2014). Đây đã là phiên họp thứ ba để chốt lại mức đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Có thể nói các bên đều đã nỗ lực đưa ra lý lẽ và cơ sở để chứng minh cho đề xuất của mình. Phía đại diện người sử dụng lao động (VCCI) muốn mức tăng thấp vì doanh nghiệp (DN) năm qua còn nhiều khó khăn; phía đại diện người lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thì muốn mức tăng cao hơn vì LTT hiện hành không đáp ứng yêu cầu sống tối thiểu.
Cuối cùng, mức đề xuất đã được quyết định bằng bỏ phiếu kín. Trong 64,3% ý kiến thống nhất mức đề xuất tăng 15,1%, chắc chắn không có phiếu của tổ chức Công đoàn (CĐ). Bởi lẽ, theo ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia – tổ chức CĐ sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét vì mức tăng 18,5% do CĐ đề xuất cũng vẫn là mức mà NLĐ phải “thắt lưng buộc bụng”, sống dưới mức tối thiểu.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, thừa nhận với mức tăng như đề xuất thì cũng chỉ mới đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu của NLĐ. Điều này có nghĩa nhà nước vẫn còn “nợ” NLĐ 25% mức sống tối thiểu. Món nợ này sẽ phải trả dứt vào năm 2017 theo lộ trình điều chỉnh LTT. Để trả được “món nợ” này, trong 2 năm tiếp theo (2016 và 2017), LTT sẽ phải tăng nhiều hơn cho đủ số 25% mức sống tối thiểu còn thiếu hụt.
Điều này hoàn toàn không đơn giản. Theo khảo sát của Viện Công nhân – CĐ, dự báo chỉ số tăng giá sinh hoạt bình quân từ nay đến năm 2017 là 6,5%/năm, trong khi mức sống tối thiểu (chỉ đơn cử ở vùng 1) năm 2015 là 4.256.000 đồng, năm 2016 là 4.532.000 đồng và năm 2017 là 4.827.000 đồng/người/tháng. Nếu mức LTT năm 2015 là 3,1 triệu đồng (vùng 1) thì trong 2 năm 2016 và 2017, mức tăng lương LTT để bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2017 (4.827.000 đồng/người/tháng) tổng cộng là 1.727.000 đồng; bình quân mỗi năm sẽ phải tăng LTT 863.500 đồng.
Đây là một con số không tưởng bởi trong quá trình tăng LTT vùng từ trước đến nay, chưa bao giờ có mức tăng “kỷ lục” này. Nếu điều đó xảy ra, có thể sẽ là cơn địa chấn đối với DN chứ không đơn thuần là tăng LTT theo lộ trình. Còn nếu như điều đó không xảy ra thì nhà nước sẽ tiếp tục nợ NLĐ và việc “LTT bảo đảm mức sống tối thiểu” sẽ chỉ là một giấc mơ.
Thế thì tại sao không chia đều mức tăng LTT trong 3 năm để không gây sốc cho DN? Đây là điều Hội đồng Tiền lương quốc gia phải tính đến ngay từ bây giờ nếu không muốn tự gây khó cho mình trong những năm tiếp theo. Xin nhắc lại, mục tiêu đến năm 2017, LTT bảo đảm mức sống tối thiểu đã là một sự trễ hẹn với NLĐ. Nhà nước không thể cứ hứa mãi với NLĐ bởi mỗi lần thất hứa là một lần đánh mất niềm tin.
Lệ Thủy