Chân Như, phóng viên RFA
2017-06-16
Phóng viên Chân Như phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á thuộc HRW.
Chân Như: Xin chào ông, trước hết xin ông có thể chia sẻ với khán giả thông tin mới nhất về tình hình nhân quyền ở Việt Nam ?
Ông Phil Robertson: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch chuẩn bị đưa ra thông báo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam vào thứ Hai tuần tới và sẽ kiểm chứng tình trạng sử dụng côn đồ hành hung các nhà hoạt động và sự liên kết giữa các nhóm côn đồ này với Chính phủ.
Đây sẽ là một cuộc kiểm chứng toàn diện, không chỉ sử dụng các bản báo cáo và còn cả các đoạn ghi hình và sẽ thay đổi cách mọi người hiểu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam bởi vì tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trong suốt những năm 2011, 2012, 2013 là việc chính phủ mở rộng việc khởi tố các nhà hoạt động theo Bộ luật Hình sự. Và đột nhiên, cộng đồng quốc tế đồng loạt quan tâm đến các tù nhân chính trị ở Việt Nam và họ đặt ra câu hỏi là điều gì đang diễn ra ở đất nước này vậy?
Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra là thế giới đang đánh giá họ qua số lượng nhà hoạt động bị đưa ra tòa. Cho nên bây giờ họ đã thay đổi chiến lược. Chỉ những người đứng đầu mới bị đưa ra tòa, còn những người tầm trung, hay những người xuất hiện trong các cuộc biểu tình bây giờ sẽ bị côn đồ hành hung, đánh đập, thậm chí là ngay trước mắt chính quyền. Và khi những nhà hoạt động báo là họ bị đánh đập, không ai là người đứng lên chịu trách nhiệm cả.
Chân Như: Ông nói rằng bản báo cáo sẽ được công bố vào thứ 2 tuần tới, liệu báo cáo này có đề cập đến cụ thể nhà hoạt động hay nhà bất đồng chính kiến nào không?
Ông Phil Robertson: Như tôi đã nói, báo cáo sẽ đề cập đến những vụ việc mới nhất. Khán giả chắc cũng đã ước tính được số lượng những người bị côn đồ tấn công. Vì vậy chắc chắn họ sẽ không thất vọng về nội dung bản báo cáo này.
Chân Như: Theo quan điểm của ông vì sao chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng các biện pháp mạnh chẳng hạn như sử dụng côn đồ để tấn công các nhà hoạt động?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ đây là một cách nhằm dập tắt tiếng nói của các nhà hoạt động và thể hiện khả năng kiểm soát của chính quyền. Trong một số vụ như Formosa chẳng hạn, họ nhận thấy rằng người dân biểu tình không chỉ vì chuyện bồi thường chưa thỏa đáng, mà họ còn đòi hỏi chính quyền phải chịu trách nhiệm và phải đưa ra lời giải thích về thảm họa này.
Họ nhận ra rằng họ không thể kiểm soát được tình hình vì vậy họ làm nản lòng những người chủ chốt và họ muốn các nhà hoạt động là họ phải trả giá cho hành động của họ bằng cách sử dụng côn đồ đe dọa, khiến các nhà hoạt động lo sợ rằng bất cứ khi nào họ cũng có thể bị tấn công chẳng hạn như khi họ đang lái xe đến nơi nào đó. Nỗi sợ này chính là mục tiêu của Chính phủ khi sử dụng côn đồ.
Chân Như: Vậy thì luật pháp Việt Nam có được tuân thủ hay không hay chỉ là lời nói cửa miệng?
Ông Phil Robertson: Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, luật pháp là bất cứ luật nào họ nói ra. Những luật này không nhất thiết sẽ được thực thi, cũng không quan trọng đối tượng là ai, tình trạng ra sao và hành động của họ là thế nào. Thực chất là luật Đảng còn mạnh hơn cả luật pháp.
Chân Như: Những kêu gọi của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch có tác động lên Chính phủ Hà Nội không?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra nhiều ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam rất nhạy cảm về hình ảnh của họ trong mắt quốc tế. Họ đã thực hiện nhiều biện pháp để thuyết phục những tổ chức họ quan tâm như Liên Hiệp Quốc rằng họ đang nỗ lực giải quyết vấn đề nhân quyền. Tôi nghĩ đó là một đòn bẩy quan trọng thúc giục họ thay đổi các chính sách. Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều bước tiến khác như việc giảm số lượng án tử hình, công nhận quyền cho cộng đồng người đồng tính.
Đây là sự nhượng bộ với cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam nhận ra rằng việc họ nhượng bộ về nhân quyền không hề ảnh hưởng lớn đến quyền kiểm soát xã hội của họ. Hiện tại Chính phủ Việt Nam chỉ quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực. Họ đang nỗ lực dập tắt tất cả những phong trào quần chúng, họ phá vỡ sự liên kết giữa các nhà hoạt động trong mọi chiến dịch như lao động hay môi trường, hay những người chống Tàu cũng bị xếp vào hàng chống đối chính quyền.
Chân Như: Ông nghĩ điều gì có thể giúp đóng góp thêm vào các hoạt động thúc giục Chính phủ Hà Nội thay đổi các chính sách thù nghịch thành những tiếng nói ôn hòa về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do cho người Việt Nam?
Ông Phil Robertson: Tôi nghĩ thứ chúng ta thiếu hiện giờ là những tiếng nói của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền. Chúng tôi rất thất vọng khi Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ mà không đề cập gì đến vấn đề nhân quyền. Điều đó có nghĩa là Nhà Trắng đón chào những kẻ độc tài. Và thật đáng xấu hổ khi Tổng thống Trump đã xóa bỏ thông lệ nhân quyền là một phần của chính sách Hoa Kỳ.
Tuy nhiên các quốc gia khác cần đứng lên lấp khoảng trống mà ông Trump tạo ra, chứ đừng bỏ bên vấn đề nhân quyền giống ông ấy. Liên minh châu Âu, Úc, Canada, New Zealand và các nước như Nhật Bản, Nam Hàn, nơi mà dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, cần đưa nhân quyền vào chính sách của họ và lên tiếng công khai yêu cầu Việt Nam thay đổi.
Chân Như: Xin cám ơn những chia sẻ của ông.
1 comment
Tổng thống Trump rất thiển cận, vịt què trong các chính sách đối nội và đối ngoại điều này làm tổn hại rất nhiều mặt cho nước Mỹ.
Châu Âu, các nước dân chủ cần có sức ép lớn hơn và có điều kiện ràng buộc nhiều mặt về nhân quyền có kiểm chứng trong quan hệ với Việt nam kể cả các trừng phạt khi có các vi phạm xảy ra.
Nhật bản nước viện trợ lớn cho VN cũng phải thay đổi có các tiêu chuẩn điều kiện về nhân quyền.