Việt Nam Thời Báo

Nhân nào quả nấy: Chỉ 6% du khách quốc tế quay lại Việt Nam*

* Tựa đề do VNTB đặt


Những người bán hàng rong chèo kéo du khách trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
—————————

Theo khảo sát vừa được ban quản lý chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU) công bố, chỉ có khoảng 6% khách du lịch quốc tế quay lại các điểm du lịch tại Việt Nam, trong khi hơn 90% là du khách lần đầu đến thăm VN.

Trao đổi với PV, nhiều hướng dẫn viên và chuyên gia du lịch đều cho rằng kết quả khảo sát này phản ứng tương đối chính xác thực trạng du lịch VN, đó là nhiều điểm đến với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng thiếu đầu tư, sản phẩm du lịch nghèo nàn, giao thông khó khăn…

Đến một lần cho biết

Lần đầu tiên đến VN, nhưng sau gần 30 ngày lang thang từ phía Bắc đến TP.HCM, hai bạn trẻ Nina Walker và Julian Roopp (đến từ TP Stuttgart, Đức) cho biết, càng về phía Nam, đặc trưng châu Á của VN càng ít, có chăng là khí hậu nóng ẩm mà thôi. TPHCM đẹp hiện đại nhưng chẳng còn nhiều những kiến trúc mang phong cách châu Á, mà chỉ thấy giống những TP hiện đại khác mà thôi. Buổi tối muốn giải trí, thưởng thức nghệ thuật riêng của Việt Nam chúng tôi chẳng biết đi đâu”.

Chìa ra một mẫu túi có vài đồ trang trí gắn nam châm vừa mua được, hai bạn Amyna và Fatou (đến từ Pháp) cho biết, tìm kiếm cái gì đó mang đặc trưng VN để làm kỷ niệm lần đầu đến đây thật khó. Có nhiều thứ giống đồ kỳ niệm của Thái Lan hay Trung Quốc, nên đành chọn mấy miếng nhựa gắn nam châm có tên các địa danh VN. Khi chúng tôi hỏi liệu các bạn sẽ quay lại VN, cả Walker, Roopp, Amyna và Fatou đều cười lắc đầu.

Đây là 2 trong số nhiều trường hợp du khách nước ngoài mà chúng tôi gặp tại khu vực nhà thờ Đức Bà và Bưu điện trung tâm TP.HCM, nơi du khách nước ngoài thường ghé thăm khi lưu lại TP.HCM và cũng là nơi chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát bỏ túi, đều cho biết “không có nhu cầu quay trở lại VN vì điểm đến chưa hấp dẫn”.

Bước ra khỏi Bưu điện trung tâm TP.HCM, ông Carlo Campism, du khách người Ý, quay lại chụp thêm một tấm ảnh kiến trúc tòa nhà. Ông Carlo cùng bạn gái chuẩn bị kết thúc chuyến du lịch VN sau bốn tuần rong ruổi qua Sapa, Hà Nội, vịnh Hạ Long, Huế, Hội An và TP.HCM.

“Tôi chưa nghĩ đến việc trở lại VN du lịch nếu có dịp. Phong cảnh VN đẹp nhưng ô nhiễm quá.Ở Hạ Long vẫn thấy rác nổi lềnh bềnh trên biển, phố ở Hà Nội cũng thấy nhiều rác” – ông Carlo nói.
Tại Venice (một thành phố du lịch nổi tiếng của Ý), theo ông Carlo mở cửa ra đã thấy du khách quốc tế nên người ta nghĩ ra nhiều cách để làm hài lòng du khách cũng như biết cách xoáy vào những sở thích, tạo tiện ích để du khách cảm thấy mình được chiều và được cung cấp thông tin, địch vụ. Trong khi đó, các di tích, điểm tham quan tại VN có nhiều nhưng chưa được đầu tư thật hấp dẫn, xem qua một lần là đủ.

“Khi lang thang ngắm cảnh, chúng tôi luôn bị những người bán hàng rong chèo kéo, mời chào. Chưa kể với những du khách không theo tour như chúng tôi, di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng phương tiện vận chuyển công cộng chưa thật sự thuận tiện vì thiếu thông tin cho du khách nước ngoài để hỗ trợ họ đến được nơi cần đến” – ông Carlo cho biết.

Sản phẩm nghèo nàn

Trưởng phòng điều hành khối du lịch quốc tế, có gần 23 năm làm việc cho một công ty lữ hành quốc tế lớn tại VN, cho biết du khách quốc tế ít trở lại VN không phải do VN không có tuyến điểm mà vì sản phẩm du lịch VN nhàm chán quá.

“Chỉ mới so sánh với những quốc gia trong khu vực, chưa nói đến các quốc gia lớn khác, đã thấy chúng ta quá lạc hậu. Thái Lan hàng năm vẫn quảng cáo cho thấy họ có 5 đến 10 điểm đến mới, lớn hoặc nhỏ, khi chúng tôi đến khảo sát thì thấy đúng là họ có đầu tư điểm đến mới. Trong khi đó, VN nhiều năm liền chẳng có đầu tư nào cho thích đáng nên thật sự chưa thể thấy có được gì thay đổi trong chương trình tour” – vị này nói.

Theo anh Thành – hướng dẫn viên của một công ty du lịch tại TP.HCM, mỗi khi làm tour, công ty này đều phải cố gắng nghĩ ra cách này cách khác theo kiểu “xé ra thêm” để làm tour phong phú và cho “có vẻ mới hơn”. Chẳng hạn với Hội An, thay vì cho du khách đi bộ tham quan phong cảnh, phố phường, công ty phải tổ chức cho khách đi xích lô, đạp xe đạp, xem làng nghề…

“Chất lượng tour nghèo nàn, tuyến điểm du lịch ít mà giá vé tham quan cao, như: vé tham quan Huế sẽ tăng thêm gần 30%/người, vịnh Hạ Long tăng gấp đôi giá dù chất lượng điểm tham quan không có gì đặc biệt thì làm sao kéo khách quay trở lại được …” anh Thành nói.
Các công ty lữ hành quốc tế chuyên đón khách du lịch nước ngoài cho biết tùy chương trình và khách sạn (4-5 sao), tour sang VN từ các nước châu Âu khoảng 900 đến hơn 1.000 USD/khách cho tour 9-10 ngày.
Du khách mua tour đến VN chủ yếu là tham quan thuần túy và tìm hiểu, khám phá văn hóa Việt. Trong khi đó, ngoài chương trình tour thuần túy như VN, các quốc gia khác còn có nhiều chương trình tour hoặc điểm tham quan kết hợp vui chơi giải trí nhằm thu hút du khách quay lại trong thời gian ngắn nếu có cơ hội để giải trí, shopping. “Nếu chỉ đơn thuần là tham quan, đi qua, ngắm cảnh và chụp hình rồi liệu bạn có trả thêm tiền để quay lại một lần nữa?” – giám đốc một công ty du lịch nói.
Ông Trần Xuân Hùng, giám đốc Công ty du lịch Viking, cho biết vấn đề đau đầu nhất mỗi lần đón khách nước ngoài là thiết kế chương trình để họ giải trí về đêm và nơi mua sắm, đặc biệt là các nhóm khách đến từ thị trường Hồi giáo.

“Đến TP.HCM chúng tôi chỉ có thể giới thiệu họ đến Saigon Square để mua hàng, nhưng sau nhiều giờ lục tung khu vực này, hầu như khách nào cùng hỏi còn chỗ để mua đồ nữa không. Các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM thật sự không thể so sánh với những nơi tương tự tai đất nước họ, còn quà tặng và đồ đặc trưng VN thì đốt đuốc ban ngày cũng không tìm ra được”.
Ông Ngô Thanh Phong, hướng dẫn viên Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng điểm tham quan của VN có thể làm tốt hơn để tăng tính hấp dẫn, lôi kéo du khách chi thêm tiền, lưu trú lâu hơn nhưng lâu nay chưa làm được. Chẳng hạn tour ĐBSCL, khách chỉ nghỉ 1-2 đêm, trong khi luồng lạch từ TP.HCM rất thuận tiện cho việc tổ chức tour đường sông từ TPHCM xuống Cần Thơ hoặc Châu Đốc.

“Nhiều khách quốc tế đi tour đến đây đều cho rằng nếu được đầu tư phương tiện vận chuyển chuyên nghiệp, chắc chắn họ sẽ ở lại thêm để thưởng thức đặc trưng riêng của du lịch vùng sông nước miền Tây Nam bộ” – ông Phong nói.

52% du khách VN quay lại Singapore

Số liệu của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại VN cho biết, 8 tháng đầu năm 2014 đã có 303.000 lượt khách Việt sang du lịch Singapore, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Cũng theo STB, năm 2013 đã có 380.000 lượt khách Việt sang Singapore, đóng góp 616 triệu USD cho doanh thu du lịch quốc đảo này. Trong đó có đến 52% khách Việt quay lại Singapore để du lịch, chỉ có 48% khách cho biết lầ đầu tiên đến Singapore. Tỉ lệ này của khách quốc tế lần luợt là 59% và 41%.

Theo Một Thế Giới

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.