Đỗ Việt Dũng
(VNTB) – Chính trường Việt Nam mấy năm qua xuất hiện một việc rất lạ, đó là lấy phiếu tín nhiệm các đại quan rường cột.
Mới nghe mọi người chắc hẳn vui mừng, vì đã có những thay đổi về chính trị mang tính dân chủ minh bạch theo gương các nước phương Tây. Nhưng thực tế việc lấy phiếu tín nhiệm đó như thế nào? Có phải là một bước đột phá trong tiến trình dân chủ không?
Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh do QH bầu, và gần đây nhất là tại BCH TW đảng CS đối với Bộ chính tri và Ban bí thư, người dân và công luận thấy được điều gì?
Thông thường tại các nước dân chủ tiên tiến bỏ phiếu tín nhiệm chỉ có 2 lựa chọn cho cử tọa, đó là tín nhiệm hay bất tín nhiệm. Những chính phủ hay cá nhân thành viên chính phủ không nhận được sự tín nhiệm cần thiết (thường là dưới 50%) đều phải từ chức. Còn ở ta lại khác, không biết đây là cao kiến của các “đỉnh cao trí tuệ ” hay là hình thức “Lấy phiếu tín nhiệm định hướng XHCN” . Những người chủ xướng nặn ra một phương pháp mới đó là đặt ra 3 mức, mà trong đó mặc định ai cũng được tín nhiệm tuốt (chỉ khác nhau là cao hay thấp mà thôi).
Những ai đã từng công tác trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể tại VN chắc không lạ gì chuyện bình bầu thi đua hàng tháng, 6 tháng, năm. Ở đó người ta phân ra các mức cờ đỏ, xanh, vàng tương ứng với các thứ hạng. Mục đích của việc bình bầu này là để xét lên lương, lên chức và quan trọng nhất đó là công cụ để người lãnh đạo “dằn mặt” cấp dưới.
Qua theo dõi 3 lần “lấy (bỏ) phiếu tín nhiệm định hướng XHCN”, tôi thấy bản chất nó y chang như việc bình bầu thi đua. Vậy mục đích của cuộc” bình bầu lớn” này là gì? Chắc chắn nó không hề có mục đích như các nước dân chủ tiên tiến, mà đây chỉ là một ngón đòn để các phe phái đánh đấm lẫn nhau mà thôi, phe nọ dằn mặt phe kia .
Ngoài ra đây cũng coi như một vở diễn tuồng dân chủ để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế. Nếu như tại QH ông thủ tướng có phần lép vế vì không dễ gì khống chế được gần 500 đại biểu – tuy chỉ là “nghị gật”, thì tại BCH TW thế thượng phong lại thuộc về thủ tướng và những người cùng phe phái vì gần 200 UVTW đều là bộ trưởng hoặc đứng đầu địa phương, ai chẳng ít nhiều chịu ơn Thủ tướng – NHÀ CHÚA của thế kỷ 21. Chế tài của việc bỏ phiếu tín nhiệm này không ai bị mất chức cả, nên nếu có tín nhiệm thấp một chút thì chỉ hơi mắc cỡ một chút thôi và việc người đó cần làm là bợ đỡ cấp trên và củng cố lại vây cánh. Tuyệt nhiên họ không nghĩ đến việc sửa đổi để phụng sự nhân dân tốt hơn.
Quan chức ở các nước dân chủ tiên tiến đối mặt với bỏ phiếu tín nhiệm là ở lại ghế hoặc ra đi, còn ở ta thì cả nhà cùng vui, chỉ khác nhau ở chỗ vui ít hay vui nhiều mà thôi . Vậy mà không ít người kỳ vọng vào các cuộc “bình bầu thi đua” này.
Thật đáng buồn.
Viết đến đây tôi thực sự không hiểu tại sao thế hệ cha tôi lại tôn sùng CNCS đến như vậy! Tôi không tin là cộng sản những năm 1960 và cộng sản bây giờ khác nhau. Có lẽ thời cha tôi bị bưng bít thông tin quá nhiều – đảng nói sao biết vậy!
Để kết thúc bài viết này , tôi chỉ xin trích lại câu nói của Đường Thái Tông Lý Thế Dân bên TQ: “Khi khởi binh ai cũng nói là vì nhân dân bách tính, còn khi nắm quyền rồi thì ai cũng chỉ lo cho sự hưởng thụ của mình mà thôi”. Đảng CSVN khi làm cách mạng tháng Tám cũng như vậy, họ nói là đầy tớ của CÔNG NÔNG. Nhưng đến 1954 họ đã làm cha của dân tộc Việt Nam , đến hôm nay cũng như vậy. Nên tôi cho rằng các cuộc lấy phiếu tín nhiệm của chính thể CSVN chỉ là một trò hề không hơn không kém.
Đỗ Việt Dũng (nguyên trung uý an ninh)
———————
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả