Theo dự báo thì du lịch, vốn được mệnh danh là « ngành công nghiệp không khói » tại các thị trường mới nổi đến năm 2030 sẽ tăng trưởng gấp đôi và chiếm hơn một nửa lượng khách du lịch trên thế giới.
Trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 tăng chậm hơn mức 10,6% của năm trước. Tổng lượng du khách ngoại quốc là gần 7,9 triệu lượt, thấp hơn so với kỳ vọng 8,2 triệu lượt khách. Một trong những đặc thù trong năm là vụ Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam gây căng thẳng, khiến lượng khách du lịch từ Trung Quốc chỉ tăng 2,1% trong khi năm 2013 thị trường này tăng đến 33,5%.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020 là cạnh tranh được với các nước khác, trước hết là trong khu vực. Liệu mục tiêu này có quá khó khăn trong bối cảnh hiện nay ? Chúng tôi đã cùng với ông Nguyễn Văn Mỹ, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam điểm lại những điểm mạnh và điểm yếu của ngành du lịch, mà ông gọi là những điểm sáng và những mảng xám trong năm nay.
Trước hết ông Nguyễn Văn Mỹ nêu ra : đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rút ngắn một nửa hành trình để lên Sapa. Kế tiếp, ba điểm đến Hội An, Cù lao Chàm và Đà Nẵng là những điểm du lịch vừa an toàn vừa hấp dẫn, rồi đến Hà Giang, điểm du lịch mới rất ấn tượng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng nhắc đến chuỗi khách sạn của tập đoàn Mường Thanh, tuy là tư nhân nhưng không ngại đầu tư vào các tỉnh hẻo lánh. Tỉnh Phú Yên thì miễn vé tham quan các danh thắng do tỉnh này quản lý.
Không thể không kể đến quần thể Tràng An của Ninh Bình vào giữa năm qua đã được công nhận là di sản thế giới hỗn hợp. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mỹ ghi nhận đầu tư lớn của Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên cho những công trình mới, phức hợp Vinpearl Phú Quốc tạo thêm đẳng cấp cho hòn đảo xinh đẹp này.
Về mặt dịch vụ phục vụ khách, Saigon xây dựng 10 nhà vệ sinh công cộng tiện nghi miễn phí, khách sạn sang trọng Rex mở cửa cho khách vãng lai vào sử dụng nhà vệ sinh, là những việc tưởng như bình thường nhưng lâu nay chưa làm được. Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô thì thể hiện trách nhiệm với xã hội qua các hỗ trợ cộng đồng và vì môi trường
Còn những mảng xám ? Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, đa số đều là những tồn tại từ nhiều năm trước. Chẳng hạn như an ninh xã hội kém cỏi – đặc biệt ở những thành phố lớn ; giao thông hỗn loạn, các công trình giao thông kéo dài gây bất lợi cho sinh hoạt người dân và làm tăng thời gian di chuyển trên đường ; bán giá cắt cổ cho du khách ; vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981.
Hướng dẫn viên du lịch không đủ, các điểm du lịch tăng giá tùy tiện, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị đánh giá thấp trong số các sân bay châu Á, cũng là những điểm yếu hiện nay của du lịch Việt Nam.
Các dự án du lịch làm tổn hại môi trường như cáp treo Fansipan, cáp treo Sơn Đoòng, nhiều dự án thủy điện khai tử nhiều thác đẹp của Tây Nguyên, nạn đầu cơ phòng khách sạn và vé máy bay, đầu tư theo phong trào là những mảng xám làm cho du lịch Việt Nam ảm đạm thêm. Ngoài ra, quà lưu niệm đặc thù Việt Nam cũng rất nghèo nàn.
Là người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng năm 2015 là một năm rất khó khăn cho ngành này. « Lửa thử vàng gian nan thử sức », những doanh nghiệp không đối đầu nổi sẽ phải rời cuộc chơi.
(Theo Thụy My – RFI)