Việt Nam Thời Báo

Những đợt tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng thế nào đến thị trường toàn cầu?

Vietstock

Giờ đây, gần như chắc chắn rằng tuần tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất lần thứ 3, và đó sẽ là bước đầu tiên trên con đường hướng tới việc giành lại lãi suất từ 3% – 4%, MarketWatch đưa tin.

Đó là một quyết định dành cho nước Mỹ, nhưng lãi suất của Mỹ cũng là một biến số chủ chốt cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Vậy thì lãi suất cao hơn của Fed sẽ ảnh hưởng thế nào đến phần còn lại của thế giới? Điều đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của dòng tiền siêu rẻ, lạm phát sẽ bắt đầu tăng trở lại, tiết kiệm sẽ lại tăng cao, ngân sách Chính phủ sẽ chịu áp lực khổng lồ, và căng thẳng thương mại âm ỉ giữa Mỹ và châu Âu sẽ bùng nổ vì đồng Euro sẽ giảm giá.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen
Các chuyên viên giao dịch giờ đây nhận thấy khả năng nâng lãi suất của Fed trong cuộc họp tuần tới là hơn 50%. Mọi chuyện vẫn chưa xong, nhưng rất gần như thế. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ đáng kể, thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng giá, và đã sống sót (ít nhất là cho đến nay) qua chiến thắng của một trong những vị Tổng thống kỳ lạ nhất lịch sử Mỹ. Khó mà thấy được tình huống “khẩn cấp” nào mà Fed sẽ phải đương đầu – vì thế lãi suất “khẩn cấp” nên dần kết thúc là điều khá hợp lý.
Nếu 0.25 điểm nữa không gây thiệt hại quá nhiều thì chúng ta có thể kỳ vọng được thấy một loạt đợt tăng lãi suất đều đặn, cho tới khi trở lại mức 3% – 4%. Vậy điều đó sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới như thế nào?
Đây là 5 xu hướng lớn cần theo dõi:
Thứ nhất, điều đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên tiền siêu rẻ
Lãi suất của Fed hiện vẫn là quan trọng nhất thế giới, là “cột mốc” cho lãi suất trên mọi tài sản tài chính khác. Nếu lãi suất trở lại bình thường thì giá mọi thứ cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Thật vậy, các vấn đề duy nhất của Nhật Bản và khối các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thể sẽ khiến cho lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp lâu hơn tại 2 khu vực này.
Tuy nhiên, ở các nơi khác, chắc chắn họ sẽ tăng lãi suất. Hãy mong đợi nước Anh sẽ làm theo, và có lẽ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Canada và Australia cũng sẽ làm thế. Thậm chí quan trọng hơn là, giá nợ doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Thứ hai, hãy chuẩn bị cho lạm phát
Đó không phải là những gì mà hầu hết mọi người mong đợi, nhưng lãi suất gần như zero đã sinh ra giảm phát, chứ không phải lạm phát.
Khi lãi suất tăng lên, lạm phát, vốn đã bị “nhốt” nhiều năm qua, sẽ bắt đầu xuất hiện trở lại. Trong ngắn hạn, điều đó có thể thật sự là tốt – nhưng nếu chỉ báo này cho thấy các dấu hiệu trở nên mất kiểm soát thì sẽ có những vấn đề thực sự.
Thứ ba, hãy kỳ vọng lãi suất tiết kiệm tăng
Ở mức 0.25%, nếu tiết kiệm thì được gì? Không nhiều lắm. Với lãi suất trở lại bình thường, và với tiền trong ngân hàng được hưởng một mức lợi nhuận thật sự hợp lý, thì người ta sẽ bắt đầu tiết kiệm trở lại, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển.
Chẳng hạn, ở Anh, tỷ suất tiết kiệm đã giảm xuống 5.5%, thấp hơn nhiều so với lãi suất dài hạn 8.4%, và điều tương tự sẽ đúng với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Tiết kiệm cao hơn sẽ là điều tuyệt vời cho lĩnh vực ngân hàng và tài chính, vốn bị “đói” tiền tươi trong thời gian qua. Nhưng sẽ là không tốt cho những phương tiện thay thế khác như cho vay ngang hàng, đã nở rộ trong thời gian lãi suất rất thấp.
Thứ tư, hãy mong đợi áp lực ngân sách khổng lồ lên các Chính phủ
Sau cuộc khủng hoảng, thâm hụt ngân sách đã trở nên mất kiểm soát, và tỷ lệ nợ tăng vọt. Tuy nhiên, điều đó không thành vấn đề nhiều vì chi phí dành cho món nợ ấy là rất thấp. Chẳng hạn ở Anh, tỷ lệ nợ/GDP đã tăng lên 81%, một trong những mức cao nhất của quốc gia này trong thời bình, nhưng tiền lãi hàng năm chỉ là 43 tỷ bảng Anh, tương đương với 3% tổng GDP, và 8% chi tiêu Chính phủ.
Với lãi suất bình thường, món nợ ấy sẽ là… kinh khủng – nước Anh có thể chứng kiến tỷ lệ nợ sẽ tăng lên 16% chi tiêu Chính phủ, hay thậm chí nhiều hơn, đến mức không thể kham nổi. Vậy giải pháp là gì? Hãy mong đợi Chính phủ xét đến những cách vỡ nợ thông minh, chẳng hạn như, bắt buộc các ngân hàng trung ương hủy món nợ mà họ đang nắm giữ, và nếu cần thiết, sẽ mua nhiều nợ hơn.
Cuối cùng, hãy mong đợi một cuộc chiến thương mại – giữa Mỹ và châu Âu
Đồng USD sẽ tăng giá mạnh là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là so với đồng Euro. Đừng quên rằng, tại sao bất kỳ ai cũng muốn có lãi suất zero hoặc âm cho đồng tiền của họ ở châu Âu, đặc biệt là với những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy, những người luôn đe dọa chấm dứt sự tồn tại của đồng tiền này, khi họ có thể kiếm được 4% ở Mỹ?
Một đồng Euro yếu hơn nhiều, có thể là dưới mức “đồng giá” với đồng USD, sẽ khiến cho thặng dư thương mại của Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt. Mức thặng dư khởi điểm này đã là khá lớn – theo dữ liệu của Eurostat, trong năm 2016, EU đã đạt được 115 tỷ Euro thặng dư với Mỹ. Vào cuối năm 2018, con số đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổng thống Donald Trump sẽ ghét điều đó, vì nó sẽ “cướp” đi hàng loạt công việc sản xuất cao cấp mà ông đã hứa bảo vệ. Và ông sẽ tìm cách để tấn công lại.
Lãi suất gần với mức zero là yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu suốt 1 thập kỷ qua. Chúng đã thay đổi cách tài sản được định giá, tác động lên lãi suất tiết kiệm, cho phép các Chính phủ vay được những số tiền lớn mà chỉ hứng chịu ít hậu quả, và thay đổi các mô hình giao thương trên khắp thế giới.
Từ tuần tới trở đi, lãi suất sẽ bắt đầu được bình thường hóa. Đó sẽ là một hành trình dài trước khi chúng trở lại các mức đã từng đạt được – ít nhất là 2 hoặc 3 năm. Nhưng khi chúng đạt đến mức ấy thì nền kinh tế toàn cầu sẽ trông rất khác./.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo