Tô Lông
(Food Hunter Club)
Dân Hà Nội bị một cái thói chả biết từ bao giờ, đó là nói oang oang trong quán café. Tôi nhớ những gì tôi biết về phong thái người Hà Nội gốc đó là người thanh lịch không ai nói oang oang. Ngay cả những bà bán hàng rong cũng nói năng chừng mực, không quang quác chém gió hay hô hố cười ầm ĩ. Thế mà ngày nay, không cần phải ra các quán bia hơi, chỉ cần vào những quán café nhỏ, được bài trí nhã nhặn, lịch sự… cũng có thể chứng kiến đám khách hàng nói cười hơ hớ, bất chấp người xung quanh có cảm thấy khó chịu hay không. Khi tôi viết bài này, tôi cũng đang phải chịu đựng cái cảnh ấy. “Tức cảnh sinh tình”, tôi quyết định viết một bài về “ô nhiễm âm thanh” ở quán café với hi vọng phần nào có thể giải tỏa được nỗi ấm ức bấy lâu nay.
Hình minh họa |
Trước khi bàn về thói nói oang oang của “dân Hà Nội mới”, tôi phải than thở về gu thẩm mỹ nhạc của các chủ quán. Đây thực sự là thảm họa! Phàm đã là quán café thì phải có nhạc. Quan điểm này chẳng biết từ đâu mà ra. Cũng chẳng biết có phải khách thích nghe hay không hay chủ yếu là chủ quán, thậm chí là bồi bàn thích nghe. Nói chung, về căn bản, khách đến quán café không phải để nghe nhạc. Họ đến quán để tìm một không gian dễ chịu với bạn bè, người yêu, để nói những chuyện ở nhà hay cơ quan không tiện nói. Âm nhạc đóng vai trò chỉ để làm nền cho quán mà thôi. Vậy thì, việc chọn nhạc cho quán café phải đảm bảo mấy yếu tố sau: Một là nhạc không được bật với âm lượng quá to. Hai là không chọn những thứ nhạc xập xình. Ba là nhạc phải phù hợp với phong cách thiết kế của quán. Với ba tiêu chí tôi vừa nêu ra ở trên có thể thấy là số lượng quán có âm nhạc tốt ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhan nhản khắp đường phố là những quán café chọn thứ âm nhạc xập xình, sến súa của Vpop hay Kpop, với âm lượng rất to như trong sàn nhảy. Chủ quán đa phần là “trẻ trâu” thất nghiệp, nếu không phải “trẻ trâu” thì cũng là thành phần không có khả năng làm ăn ở đâu, chỉ muốn ngồi một chỗ kiếm sống từ việc bán quán. Với những quán café như vậy, thật sự chỉ ở đẳng cấp của quán giải khát.
Quán café ở Châu Âu vốn là một không gian văn hóa hưởng thụ cao cấp, phân biệt với những cửa hàng ăn uống cho giới bình dân. Các quán Café thường được thiết kế theo một phong cách nhất định và tất cả các chi tiết như phục vụ, âm nhạc, mẫu mã cốc chén, tranh treo tường… đều phải đồng bộ với phong cách đã được lựa chọn này. Ở Hà Nội thì khỏi bàn rồi, trừ những dãy café ra thì không có nhiều quán có phong cách đặc trưng, thường là chắp vá mỗi cái một tí, và như đã nói ở trên, âm nhạc không những không liên quan, mà còn tra tấn khách hàng.
Nếu bạn vào quán, gặp phải thứ nhạc vớ vẩn, bạn thử yêu cầu nhân viên đổi nhạc hoặc tắt nhạc thử xem! Bạn sẽ gặp phải một thái độ khó chịu, lườm nguýt. Còn chưa kể những ông chủ thích tỏ vẻ ta đây làm chủ, cương quyết không đổi nhạc, cứ bật xập xà xập xình. Chả là đã quen với nhạc Kpop, Vpop hoặc nhạc bar, sàn, hỏng tai rồi, thành tai trâu mất rồi, không nghe to không được. Và thế là, họ lan truyền văn hóa tai trâu ấy sang những người khách vô tội, đã mất tiền vào ngồi lại còn phải mua cái đống “bullshit” mà họ nhồi nhét! Tôi kịch liệt tẩy chay những quán như vậy! Mà mỉa mai là những quán có phong cách, chăm sóc khách hàng lịch sự, lại còn có gu chọn nhạc hay, ngày càng vắng bóng. Tôi ước tính trong số những quán tôi biết, cứ mỗi năm lại có từ 3-5 quán như vậy đóng cửa. Nhìn vào văn hóa café cũng đủ thấy cái đất “ngàn năm văn vật” này đang suy đồi đến đâu.
Rồi, cứ cho là bạn chọn được một quán có phong cách, âm nhạc hay, không gian dễ chịu, tiếp nữa bạn sẽ phải đối phó với đám khách vô duyên, cười nói ồn ào, thậm chí còn đưa con cái đến chạy lăng xăng phá phách. Tự dung, quán café như quán trà chanh chém gió kết hợp với vườn trẻ. Nếu tôi ngồi một mình, tai tôi sẽ phải chịu đựng đủ thứ tiếng ồn, tiếng ồn này sẽ được lưu lại trong não bộ của tôi. Không thể tổn hại thần kinh hơn! Nếu tôi ngồi nói chuyện với bạn bè, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hét thật to, nếu không sẽ không nghe thấy gì. Thế là tất cả phong thái lịch lãm mà bạn được dậy để trở thành người văn minh sẽ bị thui chột dần dần bởi đủ thứ tiếng ồn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao dân Hà Nội giờ lại thành ra như thế này? Tại sao những không gian công cộng ở Hà Nội giờ đây lại phế đến như thế? Nếu phân tích một cách bài bản chắc sẽ thành một luận án tiến sĩ, nên ở đây, tôi chỉ có thể gạch đầu dòng vài điểm:
Một là, sự lên ngôi của dân nhập cư văn hóa thấp. Lượng dân nhập cư vào Hà Nội ngày càng nhiều, dân Hà Nội gốc ngày càng tuyệt chủng. Dân nhập cư không xấu. Nhưng đa phần dân nhập cư đều không phải là thành phần văn hóa cao có nền nếp gia phong. Phàm đã là thủ đô, việc dân nhập cư chuyển đến làm việc và sinh sống là chuyện bình thường. Nhưng vì là “thủ đô”, là “trung ương”, nên những thành phần muốn nhập cư vào Hà Nội đều phải là các gia đình có văn hóa cao, những trí thức tinh hoa, những nhà buôn có thái độ làm việc nghiêm túc với chất lượng hàng hóa cao… Nếu không, sẽ “không có cửa” để tồn tại ở kinh thành. Thế nhưng, kinh tế mở cửa, cùng với quá trình đô thị hóa ồ ạt đã phá vỡ cấu trúc nông thôn, khiến những người dân lao động ở nông thôn tràn lên Hà Nội và phá nát lối sống thanh lịch cũng nhanh chóng như quá trình đô thị hóa. Hơn thế nữa, do chương trình thi đại học được phổ cập hóa, nên lượng sinh viên lên thủ đô ngày càng nhiều, để rồi lại sinh tồn làm việc ở đây. Thế nhưng, thay vì học lối sống văn hóa của người Hà Nội, họ lại xa lánh, bỏ qua, thậm chí là miệt thị. Khi họ thành đạt, họ cũng không biết tôn trọng các giá trị văn hóa mà chỉ chạy theo tiền tài, danh vọng. Bạn có thể dễ dàng thấy những người như thế ở tất cả các văn phòng dù nhà nước hay tư nhân. Tóm lại, một khi dân nhập cư không phải là những đỉnh cao tinh hoa mà là những tầng lớp văn hóa thấp thì một quá trình ngược sẽ xuất hiện, đó là “quê hóa thành thị”, hay nói một cách khác là tình trạng “dở quê dở tỉnh”. Quê hẳn thì đã đáng yêu!
Hai là, sự du nhập không lựa chọn của những thứ văn hóa lai căng. Từ thời mở cửa, đủ thứ ùa vào mảnh đất này. Nhạc Rock, nhạc Pop xen giữa phim Hàn, phim Ấn, truyện ngôn tình Trung Quốc, phim sex lẫn lộn với triết học của Nietzches, văn chương Herman Hesses… tóm lại là “vàng thau lẫn lộn”, giống như cảnh một người bạn tôi kể về mấy anh bạn đại gia của chị ấy là “hút xì gà ăn lẩu cua đồng”. Tình trạng này đánh chìm tất cả những gì tinh túy vào nồi cám lợn của văn hóa lai căng. Trong nồi cám lợn ấy, mỗi người sẽ phải tự bịt mũi bịt miệng để cố lần mò lấy cho mình vài viên ngọc quý.
Ba là, thiếu một hệ thống thẩm định và giáo dục văn hóa cao cấp. Bởi vì mảnh đất này đã bị bần cùng hóa quá lâu, nên người ta chỉ còn nghĩ đến cái ăn. Đến ăn cũng không biết chọn đồ ăn ngon, ăn sạch, mà chỉ biết ăn sao cho được nhiều. Thế nên, một hệ thống thẩm định và giáo dục văn hóa cao cấp trở nên quá xa xỉ. Người ta sẵn sàng bỏ cả triệu để ăn một bữa lẩu cá hồi chẳng ra làm sao, nhưng cầm một tập thơ hay với giá 80.000 trên tay có thể sẽ thấy tiếc. Tương tự như thế, người ta có thể làm đủ thứ website tạp nham như Kênh 14, VnExpress, Web Trẻ Thơ, Làm Cha Mẹ, Blog Tâm Sự… chứ bây giờ bảo làm một website hướng dẫn cộng đồng cách ăn sao cho ngon, cho sạch, mặc sao cho lịch sự, đọc sách sao cho có văn hóa, hưởng thụ nghệ thuật sao cho tinh tế… thì chẳng ai làm. Bởi vì làm những website nâng cao văn hóa ấy cần tri thức (chứ không quá tốn kém về tiền bạc), trong khi cũng chẳng còn có mấy người có đủ tri thức và nhận thức để làm.
Thôi, than thở cũng đủ rồi. Những người khách ồn ào kia cũng đã đi. Tôi phải quay trở lại với công việc làm cái thứ không mấy ai làm trong cái nồi cám lợn văn hóa này. Than thở thế chứ than thở nữa mà không bắt tay vào làm cái gì đó nghiêm túc, tử tế thì dần dần bạn cũng sẽ trở thành một phần của nồi cám lợn mà thôi.