Việt Nam Thời Báo

Ôn cố tri tân: Ô nhục thay!

Lê Long
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Thế kỷ 12, đời vua Lý Cao Tông (1176-1210), trộm cướp và nạn đói nổi lên khắp nơi, lòng dân rối ren, bởi chính sự bị bỏ bê. Vua Cao Tông chỉ chăm săn bắt, xây cất nhiều cung điện, vơ vét của dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: “Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.”
Đó là vào thời phong kiến, khi dân trí còn lạc hậu, quân chủ tập quyền vẫn được duy trì, chuyện nước non thịnh suy phụ thuộc hoàn toàn yếu tố minh quân.
Nhưng ở thế kỷ 21 này, khi nền chính trị hiện đại với tên gọi đẹp đẽ – dân chủ cộng hòa phổ cập khắp nơi, những tưởng tình trạng đó đã bị xóa bỏ. Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo sau năm 1975 đã biến cả đất nước trở thành một nhà nước phong kiến dưới tên gọi mới: Nước CHXHCN Việt Nam.
Nơi mà tập thể lãnh đạo được chính người trong cuộc là ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch Quốc Hội khóa XI thừa nhận: Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi.
Đảng trị – với những ông Vua tập thể đã cản trở nguồn nội lực bên trong của Đất nước, làm gia tăng các nguy cơ phụ thuộc/ lệ thuộc bên ngoài, nhất là đối với Trung Quốc.
Ví như bảo vệ lãnh thổ, giang sơn vốn được ưu tiên hàng đầu của bất cứ triều đại lãnh đạo phong kiến. Triều Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã thân chinh đánh quân Tống xâm lược, đuổi  quân giặc ra khỏi bờ cõi. Đến thời nhà Lý, nhà Tống cũng rục rịch xâm lược nước ta, nhà vua đã cho Lý Thường Kiệt dem quân sang đánh phủ đầu tỉnh Quảng Tây để triệt phá âm mưu xâm lược của bọn giặc. Đời nhà Trần, quân Nguyên Mông hung bạo và mạnh mẽ đến thế mà khi sang xâm lược cũng bị quân ta đánh cho ba lần đại bại. Thời Quang Trung (Nguyễn Huệ), hai mươi vạn quân Thanh xâm lược chỉ trong vòng mấy ngày đã bị quân ta đánh cho không còn manh giáp.
Trong di huấn để lại, vua Trần Nhân Tông, người giữ vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3 đã nhắn nhủ con cháu về sau: “… Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ Trung Hoa.
Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác…”.
Thế nhưng, từ năm 1974 đến nay, lãnh đạo nước nhà liên tiếp làm trái lời di huấn đó của tổ tiên. Bất lực trước việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974), tiếp tục mất một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (1988). Mới đây, vào giữa năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền nước ta để thăm dò khai thác, cho tiến hành xây sân bay dài 2km và hệ thống căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma, uy hiếp trực tiếp vùng trời, vùng biển, đất liền của tổ quốc ta. 
Vậy mà từ đó đến nay, các vị lãnh đạo nước nhà ngoài tư thế thụ động, chỉ bắt đầu chống trả khi mất một phần lãnh thổ, chỉ biết lên án qua con đường ngoại giao cho có lệ, chứ chưa có một hành động hay biện pháp xứng tầm nào ở cương vị lãnh đạo đất nước bị xâm hại về mặt chủ quyền lãnh thổ cả. Kể cả đối với biện pháp hòa bình là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng chưa thấy sự quyết liệt trong đó.
Nguy hiểm hơn, những hành động yếu hèn đó của chính quyền không những không được thừa nhận, mà ngược lại, còn thay đen thành trắng khi gần đây, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, ông ta tuyên: Chúng ta đã giành thắng lợi trong đấu tranh về biển đông.
Người Việt trong nước lẫn hải ngoại ngơ ngác trước “thắng lợi” mà ông Tổng bí thư ám chỉ. Thắng lợi nào đây? Khi nhìn lại ở quá khứ lẫn hiện tại, chỉ thấy biển đảo bị chiếm đóng trái phép, tàu thuyền của ngư dân bị húc vỡ, thuyền viên bị bắt bớ giam giữ đòi tiền chuộc khiến không ít gia đình ngư dân lâm vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất. Lại thêm, lệnh cấm bắt cá hằng năm do Trung Quốc ngang ngược đưa ra trên vùng biển nhà Việt Nam.
Thế có khôi hài lắm không?
Dân sôi sục, căm phẫn bao nhiêu thì lãnh đạo thờ ơ, nhún nhường đến yếu hèn bấy nhiêu. Từ việc sau va chạm trên biển gắn với sự kiện dàn khoan HD-981, Việt Nam chẳng những không lên tiếng đáp trả mạnh mẽ mà ngược lại còn cử phái đoàn đặc biệt sang “nước bạn” để hòa đàm, cầu cạnh.
Từ đặc phái viên Lê Hồng Anh với mục đích chuyến thăm là để “trao đổi về các biện pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy quan hệ quan hệ hai Đảng, hai nước.”
Khiến giới trí thức trong nước giật mình. Giáo sư Tương Lai – một người nổi tiếng trong giới đấu tranh trong nước, tỏ ra nghi ngờ hai từ “khôi phục” và đưa ra quan điểm mạnh mẽ trong lần phỏng vấn RFA: “Khôi phục cái gì? Khôi phục mối quan hệ mà Trung Quốc đã đưa ra những lời bịp bợm 4 tốt và phương châm 16  chữ? Tất cả những cái đó đã bị lột trần với hành động kẻ cướp của giàn khoan 981.” Ông cũng cho hay, “Với hình giàn khoan ấy, nó lột trần bộ mặt xâm lược của bọn hiếu chiến trong thế lực cầm quyền Bắc Kinh, đồng thời nó cũng lột mặt nạ của những kẻ lâu nay ăn phải bả của Trung Quốc, ra rả nói lên 4 tốt và 16 chữ”.
Khi chuyến đi đó của “đặc phái viên” còn chưa khiến dư luận người Việt trong và ngoài nước tạm lắng thì ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại tiếp tục được cử đi sứ Trung Quốc. Mặc cho Trung Quốc đã không ít lần phá vỡ các bản ghi nhớ, đường dây nóng thiết lập trước đó nhằm đạt mục đích bá quyền của mình. Thế nhưng, trong lần trả lời báo Thanh Niên về kết quả chuyến đi, ông Bộ trưởng Quốc phòng, Phùng Quang Thanh lại một lòng, một dạ: “Bạn đón tiếp ta rất nhiệt tình, trọng thị, chu đáo và rất hữu nghị. Mục đích của chuyến đi là 2 bên bàn bạc với nhau để tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa quân đội của 2 nước cũng như Đảng, Nhà nước và nhân dân 2 nước.” Và theo đó, ”Hai bên thống nhất với nhau ký 1 bản ghi nhớ về kỹ thuật để thiết lập đường dây liên lạc thường xuyên trực tiếp giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng.”
Khó ai nghĩ rằng, lãnh đạo nhà nước trước chủ quyền quốc gia lại thờ ơ, nhu nhược đến vậy? Điều gì đã xảy ra? Người dân vốn bị ám ảnh với “Hội nghị Thành Đô”, nay trước cách hành xử đó của chính quyền, lại càng thêm lo lắng, đau xót trước vận mệnh quốc gia.
Khôi hài thay. Nếu vua Trần Nhân Tông có sống lại, chắc hẳn sẽ uất hận trước “trò chơi” của các vị ấy!
Ô nhục thay!

Tin bài liên quan:

Mạng Lưới Blogger Việt Nam tiếp xúc với đại diện 6 Đại Sứ Quán tại Hà Nội

Phan Thanh Hung

Hành nghề luật sư tại Việt Nam dưới cái bóng của đảng

Phan Thanh Hung

Xử 4 dân oan Dương Nội: Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.