Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2016-05-11
Những cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường trước thảm họa cá chết tại miền Trung diễn ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn, vào hai chủ nhật 1 và 8 tháng 5 vừa qua.
Hoạt động đó không được truyền thông của chính quyền Việt Nam loan đi rộng rãi trong những ngày xảy ra sự kiện. Sau đó hôm 9 tháng 5 báo Công an Thành phố có bài với nội dung cáo buộc những người biểu tình.
Phản ứng của những người tham gia kêu gọi bảo vệ môi trường thế nào đối với những cáo buộc nêu ra trong bài viết như thế?
Nội dung bài báo
Bài báo tựa đề ‘Thấy gì về những cuộc xuống đường “ôn hòa’ vì cá chết tại miền Trung?” của tác giả Bùi Anh Tấn đăng trên mạng báo Công an Thành phố chỉ một ngày sau khi diễn ra cuộc biểu tình lần thứ hai kêu gọi bảo vệ môi trường biển, minh bạch về nguyên nhân làm cá chết vào ngày chủ nhật 8 tháng 5.
Bài báo thừa nhận sự lúng túng, phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý đối với hiện tượng cá chết mà tác giả gọi là ‘sự cố đáng tiếc dẫn đến thông tin trái chiều, bị nhiễu và có những phát ngôn chưa chuẩn… làm cho dư luận xôn xao, hiểu sai vấn đề.’
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có qui định là mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do thành lập hội và tự do biểu tình. Tôi thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp nên tôi không vi phạm pháp luật.
-Huỳnh Thanh Phát
Tác giả Bùi Anh Tấn nhắc đến truyền thống lâu đời của người Việt là tinh thần tương thân tương ái trong trường hợp như với những người dân miền Trung chịu nỗi đau cơ cực; tuy nhiên theo tác giả thì những cuộc “xuống đường ôn hòa” trong hai ngày 1 và 8/5/2016 gây mất an ninh trật tự tại những thành phố lớn.
Cơ quan chức năng gây mất trật tự chứ không phải người biểu tình
Đối với cáo buộc người đi biểu tình gây mất trật tự, bạn trẻ Huỳnh Thanh Phát ở Sài Gòn phản bác cho rằng chính lực lượng chức năng được chính quyền điều động đến mới tạo ra cảnh hỗn loạn khi phát loa lớn, ngăn chặn và hành hung những người tham gia biểu tình. Bạn Huỳnh Thanh Phát nói:
“Tôi muốn nói trước tiên theo tôi biết điều 25 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam có qui định là mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do truyền thông, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do thành lập hội và tự do biểu tình. Tôi thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp nên tôi không vi phạm pháp luật.
Thứ đến việc họ để xảy ra bạo động là thuộc phía giữ gìn an ninh trật tự chứ không phải phía người biểu tình. Thực sự mà nói những ngày biểu tình vào ngày 1 và 8: vào ngày 1 tôi tham gia nên quan sát thấy được tận mắt; ngày 8 tôi chạy vòng ngoài quan sát rất rõ là những người biểu tình không hề có hành động gọi là quá khích. Chỉ có lực lượng Thanh niên Xung Phong – một lực lượng công ích không liên quan đến pháp luật, không có thể chế tài pháp luật mà vẫn trấn áp người dân và trấn áp người biểu tình thì tôi thấy người vi phạm là Thanh niên Xung Phong và Trật tự Đô thị.”
Kích động?
Ngoài cáo buộc người đi biểu tình gây mất an ninh, trật tự, bài báo của tác giả Bùi Anh Tấn trên mạng báo Công an Thành phố còn cho rằng ‘một số thế lực vốn không thích Việt Nam ổn định, đoàn kết’ nhân sự kiện cá chết hằng loạt dọc theo các tỉnh miền Trung tung những thông tin kích động trên các trang mạng xã hội để lôi kéo người dân xuống đường.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội có ý kiến về điều này như sau:
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.
“Quan điểm của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng những người dân tham gia xuống đường đó là bị kích động thì riêng cá nhân tôi không ai có thể kích động được. Từ lương tâm, từ trái tim của một con người, từ lương tâm của một người cha suy nghĩ về những đứa con của mình sống trong một môi trường như thế thì chúng không có tương lai. Tôi với tư cách, trách nhiệm của một người cha không thể để gánh nặng đó lên vai những đứa con của tôi được.
Nếu như người ta nói rằng có một sự kích động nào đó thì đối với cá nhân tôi cũng như rất nhiều anh em, bà con khác, người ta nghĩ rằng chính lời nói của các quan chức cộng sản, chính thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đã kích động người dân phải xuống đường. Chính những câu nói của các quan chức cộng sản từ ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho đến ông bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường, ông thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường và những quan chức liên quan khác. Chính những điều đó, chính những câu nói vớ vẫn của họ đã kích động chúng tôi phải xuống đường để cất lên tiếng nói của mình để thực hiện những quyền chính đáng của mình.”
Bạn trẻ Huỳnh Thanh Phát cũng không đồng ý với cáo buộc ‘kích động’ mà tác giả Bùi Anh Tân đưa ra trong bài viết:
“Thứ nhất họ phải xác định được việc kích động là sao và việc kích động đó từ đâu xuất phát. Việc cá chết và Formosa là sự thật có trên báo, người dân đọc được. Vậy có phải báo đảng, báo nhà nước kích động người dân hay không?! Họ phải xác định điều đó trước tiên.
Còn họ nói muốn gây bạo loạn, phá vỡ khối đoàn kết thì phải nói chính bản thân người dân đang muốn chính quyền thực hiện mong muốn của người dân mà chính quyền lại không thực hiện điều đó. Vậy ai là người phá vỡ sự đoàn kết?”
Tiếp tục biểu tỏ ý kiến
Đoạn kết bài viết của tác giả Bùi Anh Tấn nêu ra nghi vấn liệu xuống đường có giúp cho tình hình cá chết tại miền Trung sáng sủa hơn lên hay chỉ làm cho tình hình thêm rối ren. Rồi tác giả nhắc đến những bài học Cách mạng màu, Cách mạng Cam, Mùa Xuân Ả Rập… để kêu gọi mọi người bình tĩnh.
Họ nói chờ, bình tĩnh chờ! Vậy bình tĩnh thế nào? Chúng tôi làm việc trong đồn với các viên an ninh, tôi nói hãy trả lời cho chúng tôi câu hỏi ‘khi nào- 1 tuần, 1 tháng, 1 năm hay 1 trăm năm nữa, mới có câu trả lời?
-Nguyễn Chí Tuyến
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến có ký kiến về kêu gọi như thế:
“Họ nói chờ, bình tĩnh chờ! Vậy bình tĩnh thế nào? Chúng tôi làm việc trong đồn với các viên an ninh, tôi nói hãy trả lời cho chúng tôi câu hỏi ‘khi nào- 1 tuần, 1 tháng, 1 năm hay 1 trăm năm nữa, mới có câu trả lời?’ Tại sao các anh bảo chúng tôi bình tĩnh ngồi im. Ngồi im để ăn loại muối, ăn loại nước mắm sản xuất từ những con cá chết. Mà cá chết ở đây không chỉ đơn giản bị ô nhiễm ( thường) mà ô nhiễm những kim loại nặng. Mà kim loại nặng sẽ gây ra ung thư mà ung thư không phải chỉ một đời. Nó truyền đến các đời, vậy cả nòi giống này cứ lặng im, cấm mồm- cấm khẩu đợi chết từ từ? Tôi hỏi câu hỏi đó và họ không trả lời được.”
Bạn trẻ Huỳnh Thanh Thát cho biết sau lần tham gia biểu tình hôm 1 tháng 5 bị an ninh theo sát, bị đánh đưa về đồn công an làm việc và mới vào ngày 10 tháng 5 khi hẹn uống cà phê với nhà hoạt động Nguyễn Nữ Phương Dung, bạn cũng bị bắt về phường làm việc với lý do không mang theo chứng minh thư.
Dù sức khỏe không được tốt, nhưng bạn trẻ Huỳnh Thanh Phát khẳng định sẽ tiếp tục tham gia biểu tình để nói lên tiếng nói của bản thân trước thảm họa môi trường ở Việt Nam:
“Thực sự lý do đơn giản tôi muốn tự do; mà muốn có tự do phải vượt qua nỗi sợ.”
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến thì cho rằng việc bản thân anh có tiếp tục biểu tình hay không là tùy thuộc vào thái độ của chính quyền hiện nay. Theo đó Nhà nước phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến thảm họa sinh vật biển chết hằng loạt vừa qua một cách khoa học và trung thực.
Ông này cho biết tiếp khi nào nguyện vọng đó của những người dân như ông chưa được đáp ứng thì ông vẫn phải bằng cách này hay cách khác bày tỏ chính kiến của bản thân.
Ngày 9 tháng 5 báo Công an Thành phố có bài với nội dung cáo buộc những người biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường trước thảm họa cá chết tại miền Trung diễn ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn, vào hai chủ nhật 1 và 8 tháng 5 vừa qua.