Cuộc đời có cả hoa thơm, áo đẹp… Tết phải có đủ niềm vui tinh thần và vật chất, chứ không phải tối ngày chỉ lo ăn.
Bắn pháo hoa cho dân vui
Dư luận hẳn thấy lạ khi một tỉnh nghèo như Nghệ An vừa được chính phủ cấp 3.600 tấn gạo cứu đói cho người dân thì UBNd tỉnh lại quyết sẽ bắn pháo hoa mừng Xuân Bính Thân 2016. Quyết định do chính UBND tỉnh Nghệ An ký số 201/QĐ-UBND.
Ngay sau khi nhận, Nghệ An đã phân bổ 3.600 tấn gạo đó cho 241.000 nhân khẩu được hỗ trợ gạo, mức hỗ trợ 15kg/người để cứu đói cho các hộ gia đình thuộc diện thiếu đói nhân dân dịp Tết này.
Những huyện được cấp gạo cứu đói nhiều là huyện miền núi, biên giới Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương… Trước đó, Tết Ất Mùi và vụ giáp hạt năm 2015, Nghệ An cũng được Chính phủ xuất cấp hơn 5.400 tấn gạo cứu đói.
Đem chuyện lạ đời này đi hỏi ông Hồ Đức Phớc– Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An thì vị này cho biết: “Tôi chưa nghe dư luận phản ứng gì, cũng chưa nghe Nghệ An có chủ trương về bắn pháo hoa”.
Tuy nhiên, trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch Nghệ An, vị này khẳng định, “có bắn pháo hoa, nhưng bắn tại bao nhiêu điểm thì không rõ”.
Vị Phó Giám đốc Sở còn cho biết, kế hoạch bắn pháo hoa cụ thể do UBND tỉnh phối hợp với tỉnh đội thực hiện. Sở văn hóa phụ trách chương trình văn hóa, văn nghệ cho đêm hội sắc xuân trước giờ bắn pháo hoa.
“Chương trình đêm hội giao thừa sẽ diễn ra từ 21h đến 00h tại quảng trường thành phố Vinh. Tiếp nối là màn biểu diễn bắn pháo hoa chào mừng năm mới”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, bắn pháo hoa là thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương đối với đời sống, tinh thần của người dân. Với tâm lý, người dân càng nghèo càng phải đảm bảo cho họ có được cái Tết vui vẻ, ý nghĩa, vì thế pháo hoa chính sẽ thay tiếng pháo mang đến cho họ sự tươi mới trong không khí vui tươi, hứng khởi của ngày đầu năm.
Một vấn đề được đặt ra là nói tổ chức bắn pháo hoa là vì người nghèo, muốn bù đắp tinh thần cho người nghèo, muốn cho người nghèo được hưởng thụ cái Tết ý nghĩa, tuy nhiên trên thực tế việc tổ chức bắn pháo hoa luôn tổ chức ở các trung tâm thành phố, huyện, hoặc thị xã, những người nghèo khó có thể đến xem. Tuy nhiên, vị Giám đốc sở cho rằng, so sánh như vậy thì thật vô cùng. Về đời sống của người dân các tỉnh miền núi địa phương đã chăm lo rất tốt.
Lựa chọn TP Vinh làm trung tâm vì ở đó đông người, có cả Việt kiều, đồng bào dân tộc thiểu số, khách du lịch… vì thế coi đây là điểm nhấn thu hút người dân và du khách cũng là dễ hiểu.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tổ chức thêm hai điểm nhấn nữa là “đêm hội sắc xuân miền Tây” được tổ chức từ 20 tới 26 âm lịch. Hai điểm vui chơi này sẽ được tổ chức theo hình thức luân phiên, năm nay ở huyện này sang năm sẽ tổ chức ở huyện khác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng kêu gọi, vận động, khuyên góp, tổ chức chương trình từ thiện ủng hộ bà con nghèo miền núi. Các ban ngành, lãnh đạo cũng phải chia nhau lên tận nơi tặng quà cho người dân nghèo.
“Thỏa mãn được mọi yêu cầu là rất khó. Nghệ An còn nghèo khó có thể bắn pháo hoa rải khắp toàn tỉnh nhưng chắc chắn người dân miền núi, các hộ nghèo sẽ không bị thiệt thòi. Họ vẫn có những điểm vui chơi, chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng xuân”, ông Dũng tự tin cho biết.
Càu Mau: ‘Không phải tối ngày chỉ lo ăn’
Câu chuyện đang diễn ra tại Cà Mau cũng gây nhiều quan tâm. Cà Mau không những là địa phương nghèo mà còn đang gặp những khó khăn trong việc chi trả lương với số tiền ”cầu cứu” ngân sách lên tới 17 tỷ đồng. Mặc dù vậy, địa phương này vẫn quyết định tổ chức bắn 10 điểm pháo hoa với tổng chi phí khoảng trên 3 tỷ đồng.
Khẳng định với Đất Việt, ông Trần Hiếu Hùng – Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nói rằng địa phương này không thiếu tiền. Mọi khoản thu đều vượt chỉ tiêu, vì thế phải tổ chức cho người dân có cái Tết trang hoàng, đầy đủ.
Việc Thới Bình thiếu tiền trả lương cho giáo viên, huyện phải tự cân đối.
“Cần phải tách bạch hai chuyện rất rõ ràng: Bắn pháo hoa là phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Kinh phí là do doanh nghiệp tài trợ. Nợ lương là do địa phương phải tự cân đối ngân sách để chi trả. Đó là do khả năng quản lý. Không liên quan tới việc bắn pháo hoa”, ông Hùng nói.
Vì thế, ông khẳng định, Thới Bình thiếu tiền tỉnh sẽ cho vay để trả lương cho giáo viên, không được nợ nần. Còn với trách nhiệm đảm bảo cho người dân có đời sống tinh thần tươi vui, phong phú tỉnh vẫn bắn pháo hoa tại 10 điểm.
“Tỉnh sẽ bắn pháo hoa tại 10 điểm, trong đó điểm trung tâm là thành phố Cà Mau. Các huyện khác, mỗi huyện một điểm, riêng huyện Ngọc Hiển là 2 điểm.
Dự kiến, điểm của tỉnh có 120 dàn pháo, tổng kinh phí khoảng 480 triệu. Các huyện còn lại dự kiến khoảng từ 60-90 dàn, kinh phí dự trù trung bình khoảng hơn 300 triệu/ một điểm”. Ông Hùng phấn khởi cho biết, tổ chức như vậy người dân giàu nghèo, ở khắp tỉnh đâu cũng được ngắm pháo hoa đêm giao thừa. Vì vậy, không có chuyện người nghèo thì tủi thân, hay thiệt thòi nữa.
“Cuộc đời có cả hoa thơm và áo đẹp. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn… Tết là phải chăm lo cả tinh thần và vật chất. Tết là phải hưởng thụ chứ không phải chỉ tối ngày lo ăn”, ông Hùng vui vẻ cho biết.
Đắk Lắk: Không vì niềm vui một phút rồi vụt tắt
Câu chuyện thứ ba đang diễn ra tại Đắk Lắk. Trong khi hầu hết các tỉnh thành trên cả nước dù giàu hay nghèo vẫn đang mong muốn được bắn pháo hoa để cho người dân vui thì tỉnh này lại chủ động cắt đề xuất bắn pháo hoa vì người nghèo, vì đời sống còn khó khăn.
Ông Vũ Văn Tùng – Trưởng phòng văn xã, xã hội văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk nói lại quyết định của chủ tịch rất rõ rồi, là chỉ bắn pháo hoa ở một điểm vì kinh tế khó khăn, vì thương dân còn nghèo.
Nói về việc nhiều địa phương nghèo như Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa dù vẫn xin gạo cứu đói từ Trung ương nhưng vẫn tổ chức bắn pháo hoa hoành tráng, ông Tùng cho hay: “Chuyện này cũng giống tâm lý trong gia đình mình vậy, dù nghèo cũng vẫn phải cố có cái áo mới. Hết tiền vẫn cố mua thịt cá, mua hoa đẹp. Tâm lý chung đều là như vậy, có cái mới là vui nhưng trách nhiệm của người quản lý là phải tính toán cho phù hợp với đời sống của người dân.
Bắn pháo hoa cũng chỉ kéo dài có 15 phút, niềm vui của người dân cũng chỉ đo được trong 15 phút rồi vụt tắt, trong khi đó, có thêm cân gạo thì người dân có được cái Tết thêm ấm no. Việc đó thiết thực hơn”, ông Tùng trăn trở.
Mặc dù cho biết, nguồn mua pháo hoa sẽ vận động xã hội hóa nhưng ông Tùng cho hay, Đắk Lắk quyết định như vậy là cách chia sẻ tốt nhất với doanh nghiệp và người dân. Theo ông Tùng, năm vừa qua là một năm khó khăn với địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng làm ăn thua lỗ vì thế để thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp và tránh gây phản cảm với người dân nghèo thì cũng nên làm.
Quảng Trị: Nhận gạo cứu đói cũng cố cho được một điểm
Câu chuyện thứ tư là tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng vừa quyết định cấp 1.014,31 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh: Lào Cai, Quảng Trị để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016.
Cụ thể, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ 155,31 tấn gạo; tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 859 tấn gạo. Chủ trương nhằm mục đích giúp địa phương bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên.
Mặc dù khó khăn, đói kém nhưng theo ông Nguyễn Văn Bốn – Chánh Văn phòng – UBND tỉhh Quảng Trị cho biết, tỉnh vẫn cố gắng bắn pháo hoa ở một điểm nhằm bù đắp thiệt thòi cho người dân nghèo.
Theo tính toán, chi phí cho một điểm bắn phóa hoa hết khoảng 100 triệu, số tiền không quá lớn.
Giải thích cho chủ trương này, ông Bốn cho biết sẽ sử dụng kinh phí từ nguồn xã hội hóa vì thế không ảnh hưởng tới ngân sách địa phương.
Theo Đất Việt