(VNTB) – ĐĐTKPĐ do Đức Thượng-Đế lập năm 1926 tại Chùa Gò Kén. Cao-Đài Đại-Đạo do quan phủ Ngô Văn Chiêu lập năm 1924. ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao-Đài Đại-Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Cao-Đài Đại-Đạo) độc lập nhau. Cơ phổ độ chỉ là một diện trong bốn diện cơ bút của ĐĐTKPĐ.
Đạo Cao-Đài dụng Nho Tông Chuyển Thế, Kinh Xuân Thu tiêu biểu cho Nho Tông. Cổ nhân nhận định rằng: Xuân Thu dĩ đạo danh phận (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo của danh và phận).
Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) nói tắt là Đạo Cao-Đài do Đức Thượng-Đế dùng cơ bút lập ra năm 1926 tại Chùa Gò-Kén, Tây Ninh. Cao-Đài Đại-Đạo do Ngài Ngô Văn Chiêu lập ra năm 1924. Danh phận hai bên riêng biệt, nên là hai tổ chức tôn giáo độc lập nhau. Nhưng đàn em của Ngài Ngô Văn Chiêu đã thao túng chữ nghĩa, cắt xén ĐĐTKPĐ thành Cơ phổ độ hay Cơ phổ hóa để ghép đôi với Cơ Tuyển Độ và đưa vào Cao-Đài Đại-Đạo do Ngài Ngô Văn Chiêu sáng lập. Sách Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (LSQP NVC) bản năm 1996 đã hô biến một tôn giáo do Thượng-Đế lập ra trở thành một phần trong Cao-Đài Đại-Đạo do người phàm trần là quan phủ Ngô Văn Chiêu lập ra. Đó là Pháp môn quảng cáo con thỏ có sừng, con rắn có chân và dùng đó để phủ nhận Thượng-Đế trong ĐĐTKPĐ.
1/- Xác định ý nghĩa danh từ Phổ Độ và Cơ phổ độ.
Sách LSQP NVC bản năm 1996 thao túng ý nghĩa danh từ Phổ Độ và Cơ phổ độ. Cho nên cần xác định ý nghĩa hai danh từ trên theo Đạo Sử và Hội Thánh Cao-Đài để hiểu đúng sự thật.
1.1/- Cơ phổ độ là một diện trong bốn diện cơ bút của ĐĐTKPĐ.
Châu Tri số 42, ngày 01-02-1932, Thượng Chánh Phối Sư, Thượng Tương Thanh cho biết Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài dạy cơ bút có 4 diện: Cơ lập Đạo (Enseignements religieux), Cơ Pháp (Législatìon – Sacerdoce), Cơ Phổ độ (Propagande de la Foi), Cơ Bí pháp (Enseignements ésotériques). (Hết trích).
Cơ phổ độ còn được gọi là Cơ phổ hóa, Cơ bút phổ độ, Cơ bút truyền đạo hay Cơ phổ tế; và chỉ là một diện trong 4 diện cơ bút của Đạo Cao Đài. Đó là pháp lý từ Hội Thanh Cao Đài.
Lập Cơ phổ độ.
Đạo Sử Q1, trang 56, bản in 1995 viết: Khuya mùng 1 Tết năm Bính Dần (13-02-1926) giờ Tý, tái cầu Đức Thượng-Đế giáng dạy rằng:
Đức, Hậu tập cơ sau theo mấy anh mà độ người, nghe và và tuân theo.
Ấy là lời Thánh Giáo và ngày kỷ niệm khai Đạo Cao-Đài về cơ phổ hóa, ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần giờ Tý vậy (13 Février 1926) (Hết trích).
Theo Đạo sử, khi có lệnh của Thượng-Đế mới lập đàn Cơ phổ hóa (hay Cơ phổ độ), đồng tử phò cơ do Đức Chí Tôn chọn. Đàn Cơ phổ độ thường có hai phần: phần dạy đạo lý và phần Đức Chí Tôn hay Đức Lý Giáo Tông thâu nhận môn đệ. Cơ phổ độ lập trong thời kỳ chưa có Tân Luật; và qua hai giai đoạn.
Thứ nhứt: Từ 13-2-1926 (Tết năm Bính Dần) đến ngày 14-11-1926 thì tạm ngưng toàn bộ để trở về Chùa Gò Kén (Tây Ninh) lo tổ chức Lễ Khai Đạo (18-11-1926).
Thứ hai: Sau Lễ Khai Đạo Đức Chí Tôn dạy một số vị đi địa phương tiếp tục lập đàn Cơ phổ độ, một số vị ở tại Gò Kén để lo đạo sự và lập Tân Luật.
Ngưng Cơ phổ độ.
Ngày 01-6-1927 Hội Thánh Cao-Đài ban hành Tân Luật và Thượng-Đế ngưng Cơ phổ độ.
Thượng-Đế dạy ngày 01-6-1927: Còn tới cuối kỳ tháng 6 nầy thì Thầy phải ngưng hết cơ-bút truyền Đạo, các con sẽ lấy hết chí-thành đã ung-đúc bấy lâu mà lần-hồi lập cho hoàn-toàn mối Đạo.
Nầy là lời đinh-ninh sau rốt khá lưu tâm, ai vạy tà nấy có phần riêng, ai cứ giữ nẻo thẳng, đường ngay, bước đến thang thiêng-liêng chờ ngày hội-hiệp cùng Thầy, ấy là điều quí-báu đó, Thầy cho con tự-định thâu sớ mà cho nhập-môn như các chỗ khác. (TNHT Q2 trang 149, bản in 1972.)
Đức Chí Tôn lập Hội Thánh Cao-Đài làm Thánh thể của Chí Tôn nên giao quyền thâu nhận môn đệ lại cho Hội Thánh theo Tân Luật, phần Đạo Pháp, Điều 9. Hội Thánh ban hành Tân Luật đi liền với việc Đức Thượng-Đế phân quyền thâu nhận môn đệ nhập môn theo Tân Luật. Đó là ý nghĩa câu: Tân Luật là Thiên điều tại thế.
Các đàn Cơ phổ độ là một phần cơ bút của ĐĐTKPĐ nên khi Đức Chí Tôn ngưng cơ bút phổ độ thì ba diện cơ bút còn lại vẫn tiếp tục. ĐĐTKPĐ vẫn tiếp tục nhiệm vụ trong bảy trăm ngàn năm.
1.2/- Đức Cao-Đài dạy ý nghĩa Phổ Độ trong ĐĐTKPĐ.
Ngày 08-4-1926, Đức Cao-Đài dạy: “Tam Kỳ Phổ Độ” là gì?
Là Phổ-Độ lần thứ ba.
Sao gọi là Phổ-Độ? Phổ-Độ nghĩa là gì?
Phổ là bày ra.
Độ là gì? Là cứu chúng sanh.
Muốn trọn hai chữ Phổ-Độ phải làm thế nào?
Chúng sanh là gì? Chúng sanh là toàn cả nhân loại, chớ không phải lựa chọn một phần người, như ý phàm các con tính rối.
Muốn trọn hai chữ Phổ-Độ phải làm thế nào? THẦY hỏi? Phải bày BỬU-PHÁP chớ không đặng giấu nữa. (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 1, trang 13, bản in 1972)
Tóm lại: Chữ Phổ Độ trong ĐĐTKPĐ có nghĩa là bày BỬU PHÁP ra để cứu vớt chúng sanh. Chữ phổ độ trong đàn Cơ phổ độ là Thượng-Đế dạy lập một đàn cơ ở địa phương để dạy đạo và thâu nhận tín đồ ngay trong đàn cơ đó.
2/- Pháp môn phủ nhận Thượng-Đế, lần 1.
Pháp môn cắt xén ĐĐTKPĐ thành Cơ Phổ Hóa để phủ nhận Thượng-Đế
2.1/- Tờ Khai Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ với Chánh phủ Pháp.
Đạo Sử Quyển 2, trang 3: Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29–9–1926), ông Cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung vâng Thánh ý hiệp với chư Ðạo Hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với Chánh Phủ…
… May mắn cho chúng sanh, Thiên tùng Nhơn nguyện, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng Ðàn dạy Ðạo và hiệp Tam Giáo lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại cõi Nam nầy….
Đạo Sử viết: vâng Thánh ý là vâng lệnh Đức Thượng-Đế. Tờ Khai Đạo viết rõ là khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
2.2/- Sách LSQP NVC.
Trang 03: Lịch Sử QUAN PHỦ NGÔ VĂN CHIÊU (1878-1932) Người sáng lập CAO-ĐÀI ĐẠI-ĐẠO (TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ).
Trang 47: Ngày 23-8-Bính-Dần (29-9-1926) ông Lê-văn-Trung vâng Thánh-Ý hiệp với chư đạo-hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Tường đứng tên vào tịch-đạo để Khai-Đạo (Cơ Phổ-Hóa) với Chính-phủ.
Quý vị viết ông Lê Văn Trung vâng Thánh-Ý có nghĩa là vâng lệnh Thượng-Đế; nhưng lại cắt xén ĐĐTKPĐ thành Cơ phổ hóa là sai. Sau đó đưa ĐĐTKPĐ do Thượng-Đế lập trở thành một phần trong Cao-Đài Đại-Đạo do quan phủ Chiêu lập ra là tự mâu thuẫn.
Cơ bút của ĐĐTKPĐ có 4 diện, Cơ phổ hóa là một trong bốn diện đó. Các vị cắt xén ĐĐTKPĐ thành Cơ Phổ-Hóa. Đó là sai với sự thật.
Đạo Cao-Đài là một tôn giáo pháp quyền để xây dựng nhân quyền. Theo Đạo Cao-Đài là theo pháp luật Đạo chứ không phải theo người.
Đạo Nghị Định Thứ Năm (1930), Điều thứ nhứt: Buộc cả Chức sắc thọ phong phải phế đời hành đạo. (Hết trích).
Đạo Luật Mậu Dần (1938). Điều III. Mục số 7: Nếu như một ai còn đương quyền Đời mà muốn vào hàng phẩm Chức Việc, thì phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo. (Hết trích).
Quan phủ Ngô Văn Chiêu làm quan cho Pháp, đến tháng 12 năm 1931 mới về hưu, chưa được bốn tháng thì liễu đạo. Quan phủ Ngô Văn Chiêu không có tên trong Tờ Khai Đạo, không có mặt trong Lễ Khai Đạo tại Gò Kén, không có Thánh danh trong Đạo Cao-Đài, chưa từng hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh lấy một ngày. Do vậy chỉ có những người không hiểu biết pháp luật Đạo Cao-Đài mới ghép đôi ĐĐTKPĐ với quan phủ Ngô Văn Chiêu.
3/- Pháp môn phủ nhận Thượng-Đế, lần 2.
Pháp môn cắt xén ĐĐTKPĐ thành Cơ Phổ Độ để phủ nhận Thượng-Đế.
LSQP NVC viết quan phủ Chiêu gầy dựng Cơ Phổ Độ là sai.
Trang 20 viết: (Ngài Chiêu) 5/. THUYÊN BỔ VỀ SAI GON.
a/- Thời kỳ gầy dựng Cơ Phổ Độ (Nhóm một, Nhóm hai, Nhóm ba).
b/- Cơ Phổ Độ phát triển.
Trang 37 viết: a/- Thời kỳ gầy dựng Cơ Phổ Độ của Cao-Đài Đại-Đạo.
Thời kỳ truyền bá Đạo Cao-Đài đã đến và năm 1924 được Ngài gọi là năm 1 Cao-Đài Đại-Đạo ….
Trích dẫn Đạo sử bên trên cung cấp sự thật là Thượng-Đế dạy lập ra các đàn Cơ Phổ Độ (hay Cơ Phổ Hóa) vào Tết năm Bính Dần (13-2-1926). Các vị tiền bối (kể cả Ngài Chiêu) phải thi hành mạng lịnh của Thượng-Đế. Nhưng các vị viết Ngài Chiêu thuyên bổ về Sài Gòn mở ra Thời kỳ gầy dựng Cơ Phổ Độ (Nhóm một, Nhóm hai, Nhóm ba), … là sai với sự thật.
LSQP NVC viết quan phủ Chiêu xong nhiệm vụ xây dựng nền tảng Cơ phổ độ là sai.
Trang 47: Quan Phủ Ngô Văn Chiêu biết bấy giờ Ngài đã xong nhiệm vụ trong việc xây dựng nền tảng Cơ Phổ Độ của Cao-Đài Đại-Đạo.
Mục 1.1, trích lời Thượng-Đế dạy ngày 01-6-1927: Còn tới cuối kỳ tháng 6 nầy thì Thầy phải ngưng hết cơ-bút truyền Đạo, …
Theo đó Thượng-Đế ngưng Cơ phổ độ (30-6-1927). Chỉ có Thượng-Đế mới có quyền ngưng Cơ phổ độ. Quan phủ Chiêu không có quyền gầy dựng, cũng không có khả năng xây dựng nền tảng Cơ phổ độ. Bởi lẽ ba vị đệ tử đầu tiên của ĐĐTKPĐ đã được dạy trước khi quan phủ Chiêu đến hợp tác. Tính ra Thượng-Đế mở Cơ phổ độ ngày 13-02-1926 đến ngày ngưng Cơ phổ độ là 503 ngày.
Ngày 26-4-1926 quan phủ Chiêu rút lui khỏi ĐĐTKPĐ. Thời gian Ngài Chiêu có mặt để thi hành lệnh của Thượng-Đế về Cơ phổ độ là 73 ngày. So sánh 73 ngày với 503 ngày nó cũng tương đương với một tuần lễ có 7 ngày mà Ngài Chiêu có mặt chưa được một ngày thì rút lui hoàn toàn.
Khi Ngài Chiêu liễu đạo Hội Thánh Cao-Đài viết trong Châu Tri: Ông Ngô Văn Chiêu khi sanh tiền làm chủ mối Đạo Chiếu Minh Đàn tại tỉnh Cần Thơ… là bằng chứng từ Hội Thánh Cao-Đài rằng hai bên độc lập nhau.
Vì vậy khi quí vị viết quan phủ Chiêu: xong nhiệm vụ trong việc xây dựng nền tảng Cơ Phổ Độ… là quý vị phong tặng Ngài Chiêu làm xong một việc mà Ngài Chiêu không có khả năng thực hiện. Nó giống như bà Tiến Sĩ Trần Thu Dung ở Pháp viết quyển Đạo Cao-Đài và Victor Hugo; trong đó bà Trần Thu Dung bịa đặt ra chuyện Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc có con gái tên Phạm Thị Tốt làm Nữ Đầu Sư rồi lấy chồng tên Vidal do ông Nguyễn Phan Long làm chủ hôn vậy.
Tóm lại: trang 20 và trang 37 viết: quan phủ Chiêu về Sài Gòn để mở ra Thời kỳ gầy dựng Cơ Phổ Độ của Cao-Đài Đại-Đạo. Đến trang viết quan phủ Chiêu đã xong nhiệm vụ trong việc xây dựng nền tảng Cơ Phổ Độ của Cao-Đài Đại-Đạo. Đó là quý vị đang khoe khoang cái sừng thỏ và chân con rắn trước công luận.
4/- Đối chiếu vắn tắt ĐĐTKPĐ với Cao-Đài Đại-Đạo.
Mục 2.2 bài viết trích dẫn Đạo Nghị Định Thứ Năm (1930), Điều thứ nhứt và Đạo Luật Mậu Dần (1938). Điều III. Mục số 7.
Sách LSQP NVC bản năm 1996 bỏ bớt cách tu của quan phủ Chiêu so với bản in lần thứ nhất (1932), nên Tôi dùng sách LSQP NVC bản in năm 1932 để đối chiếu.
LSQP NVC bản in 1932, trang 19 viết: Trước hết nên biết trước rằng Ngài chẳng đồng ý kiến với ông Trung, Tắc và Cư, mà ông Cư lại là đồng tử phò loan mỗi khi có cầu cơ. (Hết trích)
Trang 39 viết:
Cơm ngày hai bữa cho tinh,
Sáng lo việc nước chiều trình công phu. (Hết Trích)
Trang 40 viết: Ai cũng biết Chiêu là gốc, mà Chiêu không dám lãnh việc chủ cái Đạo này, vì Chiêu còn mắc nợ nhà nước (1) lo sao cho thái bình mới đủ trả nợ nước nên van vái đêm ngày không ngớt. … (Hết trích).
Thứ nhứt: Quan phủ Ngô Văn Chiêu chẳng đồng ý kiến với ông Trung, Tắc và Cư, mà ông Cư lại là đồng tử phò loan mỗi khi có cầu cơ. Nhưng ba Ngài Trung, Tắc, Cư là rường cột của ĐĐTKPĐ, lại thọ giáo với Đức Cao-Đài trước khi Ngài Chiêu đến hợp tác (28-01-1926). Quan phủ Chiêu chẳng đồng ý kiến với cả ba vị thì sao lại viết quan phủ Chiêu gầy dựng Cơ phổ độ?
Thứ hai: Quan phủ Ngô Văn Chiêu sáng lập Cao-Đài Đại-Đạo, vẫn làm quan với Pháp, tới tháng được Pháp trả lương. Lợi ích của Ngài Chiêu gắn liền với lợi ích của Chánh phủ thực dân Pháp, nên không dám lãnh trách nhiệm trong Đạo Cao-Đài, (Đạo Sử của bà Nguyễn Hương Hiếu cũng viết Ngài Chiêu sợ nên mất phẩm Giáo Tông).
Trong khi đó Ngài Cao Quỳnh Cư thư ký Sở Hỏa Xa và Ngài Phạm Công Tắc là thư ký Sở Thương Chánh mà Đức Thượng-Đế dạy phải từ chức để lo việc đạo, và không xung đột lợi ích. Ngài Phạm Công Tắc bị Pháp bắt đày đi Madagascar với nhiều chức sắc ĐĐTKPĐ khác. Ngài Cao Quỳnh Cư bị Chánh Tham Biện người Pháp nghi ngờ, thường bị mời ra Tòa Bố, bị cật vấn đủ điều, tới giờ cúng cũng không vô Chánh Điện cúng được. Còn Ngài Lê Văn Trung bị Pháp bắt bỏ tù.
Quan phủ Chiêu và Pháp gắn liền nhau về lợi ích nên đối nghịch với Ngài Trung, Tắc, Cư là điều rõ ràng. Ghép đôi người không dám hành đạo và người xã thân hành đạo là lập lờ đánh lận con đen.
Nhân sự hành đạo của ĐĐTKPĐ cho dù một phẩm Chức việc cũng phải từ bỏ quyền đời để lo cho Đạo, Chức sắc phải phế đời hành đạo, phải xuất xư đi các địa phương.
5/- Kết luận.
ĐĐTKPĐ do Đức Thượng-Đế lập năm 1926 tại Chùa Gò Kén. Cao-Đài Đại-Đạo do quan phủ Ngô Văn Chiêu lập năm 1924. ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao-Đài Đại-Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Cao-Đài Đại-Đạo) độc lập nhau. Cơ phổ độ chỉ là một diện trong bốn diện cơ bút của ĐĐTKPĐ.
Sách LSQP NVC bản năm 1996 cắt xén bản in LSQP NVC năm 1932; cắt xén ĐĐTKPĐ để đưa vào Cao-Đài Đại-Đạo do quan phủ Ngô Văn Chiêu sáng lập là sai. Bất cứ văn bút nào ghép đôi ĐĐTKPĐ và Cao-Đài Đại-Đạo theo kiểu: Phái Phổ Độ và Phái Vô Vi hay Cơ Phổ Độ với Cơ Tuyển Độ là sai sự thật. Đó là quý vị sử dụng cái sừng thỏ, cái chân rắn để phủ nhận Thượng-Đế trong ĐĐTKPĐ./.
______________________
Tham khảo:
https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2015/07/536-tien-si-tran-dung-can-xin-loi-nguoi.html#more
https://to-quoc01.blogspot.com/2015/08/sach-ao-cao-ai-va-victor-hugo-cau-tha.html