“Vừa rồi phong nhiều rồi, phong quá nhiều nên bây giờ giảm xuống họ không chịu. Như thế thôi, “tâm tư” là chỗ đó thôi chứ không có gì cả!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói với cử tri Đà Nẵng
“Dư” ra 74 tướng sẽ làm gì?
Ngày 1/12, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, kỳ họp đã thông qua Luật công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan QĐND Việt Nam.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng): “Chiếu theo luật mới thì “dư ra 74 tướng. Họ sẽ làm gì?” (Ảnh: HC) |
Theo đó, bảo đảm tổng số các vị trí có hàm cấp tướng trong quân đội không quá 415 và công an không quá 205. Các quy định liên quan đến thẩm quyền phong, thăng, giáng cấp tướng trong hai Luật này có hiệu lực ngay sau khi luật được Chủ tịch nước ký quyết định công bố.
Tuy nhiên nhiều cử tri Đà Nẵng cho rằng việc phong tướng như vậy là quá nhiều. Theo cử tri Nguyễn Trí Tổng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu), điều mà đông đảo cử tri quan tâm là ngày 12/1/1948, Bác Hồ ký sắc lệnh số 115 phong quân hàm cấp tướng cho 11 người, trong đó có 1 đại tướng là Võ Nguyên Giáp, 1 trung tướng là Nguyễn Bình, còn lại là 9 thiếu tướng. Sau 30 năm chiến tranh, thống nhất đất nước năm 1975 cả nước có 36 tướng. Và hiện nay, theo thống kê của Quốc hội thì tại chức có 489 tướng.
“Như vậy, chiếu theo luật mới thì “dư” ra 74 tướng. Thế thì 74 tướng này hiện nay sẽ làm gì? Chưa đến tuổi làm sao nghỉ hưu? Tôi không có khuyết điểm gì làm sao cho tôi nghỉ? Như vậy là “ngồi chơi xơi nước” để chờ về hưu à? Đó là chưa kể đến tướng “chìm”, tướng là “đại tá đổi”, mang quân hàm đại tá nhưng thực chất là ăn lương tướng thì chưa biết là bao nhiêu. Cho nên cử tri đặt vấn đề: Sao phong tướng nhiều thế?
Ở nghị trường Quốc hội, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng trả lời: “Không phong thì sợ anh em có tâm tư”. Như vậy là đi bộ đội để mà được tướng? Rồi “phong là để chuẩn bị cho thời chiến”. Biết bao giờ đến thời chiến? Đến thời chiến thì số tướng này có còn tuổi để phục vụ nữa không hay đã về hưu rồi? Cho nên tôi thấy chỗ này không thuyết phục được cử tri!” – ông Nguyễn Trí Tổng nói.
Tỉ lệ biểu quyết tán thành không cao
Trả lời ý kiến các cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây là vấn đề hết sức khó và nhạy cảm được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, thế giới theo dõi. Nhiều ý kiến cử tri phản ảnh quân đội thời bình sao nhiều tướng thế; tình hình trật tự an toàn xã hội nảy sinh tội phạm ngày càng nhiều sao công an cũng nhiều tướng thế? “Phản ảnh đó hoàn toàn đúng và rất nhạy cảm!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Với tư cách là người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chịu trách nhiệm về mảng này, ông cho biết, vấn đề này từng được đưa ra kỳ họp Quốc hội trước đây nhưng dừng lại, đến kỳ họp thứ 7 mới cho ý kiến. Ý kiến lúc đầu không phải như luật đã thông qua nhưng “nhiều vấn đề hết sức nhạy cảm, tế nhị” như các cử tri Đà Nẵng đã đề cập.
“Vấn đề tâm tư rồi so sánh với nước ngoài thế này, thế kia. Cũng phải nói rõ Trung Quốc cao nhất chỉ thượng tướng, trong khi Campuchia chỉ trung đoàn trưởng cũng là đại tướng 4 sao. Không thể so sánh được. Nhưng vừa rồi nhiều vấn đề này khác, phân tích lên, phân tích xuống, họp rất nhiều lần. Tôi cũng nhiều lần dự các buổi báo cáo với các cơ quan quan trọng của Đảng về vấn đề này!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cám ơn cử tri Đà Nẵng đã có những ý kiến rất thẳng thắn và xác đáng! (Ảnh: HC) |
Do có nhiều ý kiến khác nhau nên theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, tỉ lệ biểu quyết thông qua hai luật nên trên không cao. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan chỉ có 73,4% tán thành, Luật Công an nhân dân chỉ nhích hơn 71%; còn lại năm, bảy chục đại biểu Quốc hội không đồng ý và không biểu quyết.
“Ngay trong lực lượng công an cũng có những cái không thống nhất. Giám đốc Công an Hà Nội, TP.HCM là trung tướng, còn các tỉnh khác chỉ đại tá. Có những tỉnh rất lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đăk Lăk… cũng chỉ đại tá. Quân đội cũng thế, hai TP lớn thì có thể quân hàm lên đến trung tướng nhưng các sư đoàn đổ quân, các đơn vị không quân… trang bị rất hiện đại cũng chỉ đại tá thôi” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay.
“Tâm tư” là ở chỗ đó thôi!
Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng chỉ rõ, cái được của lần này là quy định cụ thể vị trí nào có cấp tướng, chứ không như trước đây cứ lấy đơn vị đặc biệt, địa bàn trọng yếu, rồi vấn đề này, vấn đề khác mà phong tướng. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ thì bỏ. Luật ghi rõ chức nào có thiếu tướng, chức nào có trung tướng, chức nào có thượng tướng, chức nào là đại tướng. Cấp phó cũng quy định rõ mỗi một chức, ví dụ cấp phó của Tư lệnh Quân khu thì không quá 4 người, chứ không phải như trước đây thích là cứ thế mà phong. Địa bàn trọng yếu rồi thế này, thế khác và cứ thế mà phong!”.
Theo ông, tuy luật quy định tổng số các vị trí có hàm cấp tướng trong quân đội là 415, công an 205 nhưng rất khó để tới con số đó. Vì cấp tướng vẫn thực hiện 4 năm mới được lên một cấp. Nếu là thiếu tướng thì sau đủ 4 năm mới lên được trung tướng, nhưng chưa chắc lên được trung tướng vì đã hết tuổi, 60 là phải về. Đầu vào của thiếu tướng không quá 57 tuổi, còn cao hơn khi có yêu cầu cụ thể thì do Chủ tịch nước quyết định.
“Cho nên con số 415 không thể đạt được. Không thể đạt được vì có người mới lên, chưa đủ năm thì đã hết tuổi. Theo cách bây giờ, thời bình này, để lên thiếu tướng, ai phấn đấu giỏi thì 57 tuổi mới có thể đạt được, còn không thì qua từng cấp từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn… lên cho đến phó Tư lệnh Quân khu để có được thiếu tướng là hết tuổi!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích.
Ông xác nhận, đúng như cử tri đã phản ảnh, việc thông qua Luật công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan QĐND Việt Nam “chưa thật ưng lắm”, nhưng ông cho rằng đây cũng là bước cố gắng lớn “vì đây là vấn đề rất khó, rất nhạy cảm chứ không phải đơn giản”.
Ông nhấn mạnh: “Vừa rồi phong nhiều rồi, phong quá nhiều nên bây giờ giảm xuống họ không chịu. Như thế thôi, “tâm tư” là chỗ đó thôi chứ không có gì cả. Vùng trọng yếu, địa bàn trọng yếu, đơn vị đặc biệt cho nên phong nhiều lắm. Giám đốc công an các tỉnh gần như bây giờ đều là thiếu tướng hết, quân đội được một ít bây giờ rút về quân khu thì cũng nhiều. Khi tôi về làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5 thì 6 năm trời đại tá chứ chưa nói đến lúc làm Tư lệnh. Bây giờ thì nhiều quá nên phải dừng lại, bớt lại!”.
HẢI CHÂU
Infonet