Việt Nam Thời Báo

PTT Vũ Văn Ninh: Từ “nợ nước ngoài chưa đáng ngại” đến “cần triển khai sân bay Long Thành”

VNTB: Chỉ còn vài này nữa là dự án sân bay Long Thành sẽ lên “bàn mổ” quốc hội. Nhân vật mới nhất xuất hiện trên sân khấu lợi ích ODA là Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh với hai cuộc trả lời phỏng vấn liên tiếp – cuộc đầu tiên về “nợ nước ngoài chưa đáng ngại”, để cuộc tiếp theo đó là “xây dựng sân bay Long Thành là chủ trương lớn cần triển khai”. 
Những đại biểu quốc hội đau đáu về việc “không bấm nút sẽ tiết kiệm được 6,3 tỷ đồng mỗi đại biểu” nghĩ sao về chiến dịch PR lộ liễu trên?

—————————

“Xây dựng sân bay Long Thành là chủ trương lớn cần triển khai”

"Xây dựng sân bay Long Thành là chủ trương lớn cần triển khai"

Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 8 tỷ USD, trong đó khoảng 84.000 tỷ đồng huy động từ ngân sách nhà nước và dự án được triển khai theo 2 giai đoạn.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, dự án xây dựng sân bay Long Thành nếu không làm sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, phải cân đối các nguồn tài chính từ ngân sách và tư nhân để dự án khả thi.

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa VIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh dự án xây dựng sân bay Long Thành, tại tỉnh Đồng Nai cũng như việc huy động nguồn vốn cho dự án này.

– Hiện có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội kể cả thành viên Chính phủ xung quanh việc xây dựng sân bay Long Thành, đặc biệt là việc huy động vốn cho dự án này, vậy quan điểm của Phó Thủ tướng trong vấn đề này như thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Theo tôi, dự án xây dựng sân bay Long Thành là một chủ trương lớn cần phải triển khai nhằm giảm quá tải cho các cảng hàng không khác.

Tuy nhiên, về vốn cho dự án này cũng phải tính nhiều phương án khác nhau. Trước mắt, chủ trương đưa ra là huy động nhiều nguồn vốn trong đó vốn ngân sách chỉ là một phần.

Trong trường hợp phải sử dụng vốn ngân sách thì phải tính toán hiệu quả thế nào, an ninh tài chính quốc gia ra sao, an ninh nợ công như thế nào… thì lúc ấy mới có thể triển khai được.

– Thưa Phó Thủ tướng, hiện nhiều đại biểu Quốc hội rất lo lắng khi triển khai dự án này trong bối cảnh ngân sách đang bội chi rất cao, vậy với tư cách thành viên Chính phủ thì Phó Thủ tướng có bấm nút cho dự án không?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cái lo của nhiều đại biểu cũng có lý, nhất là trong bối cảnh nguồn tài chính và ngân sách đang còn nhiều khó khăn. Nhưng theo tôi, đây là một chủ trương mang tính dài hạn và không phải làm ngay một lúc dùng tất cả số tiền ấy để triển khai, kể cả một vài năm cũng không thể xong được.

Theo tôi muốn triển khai thì phải tính bài toán lâu dài, làm sao hiệu quả nhất. Cụ thể, nếu vay được vốn để đầu tư cho dự án thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện có hiệu quả, trả được nợ.

Quay trở lại vấn đề nợ công, hiện tổng nợ trên GDP chỉ là một chỉ tiêu thôi, chưa phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Vì có những nước người ta nợ công lên tới 100% GDP mà người ta vẫn khỏe mạnh, an toàn, không vấn đề gì cả nhưng có những nước chỉ vay 20-30% thôi nhưng vẫn vỡ nợ vì không có khả năng trả được nợ.

Chính vì thế, chỉ tiêu thứ hai rất quan trọng là có trả được nợ hay không. Cho nên, phải làm ăn có hiệu quả để trả nợ mới thực sự quan trọng.

– Hiện dự án đưa ra với số vốn rất lớn, vậy thưa Phó Thủ tướng dự án này có tính đến chuyện đội vốn không?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Bây giờ mới là chủ trương, khái toán, chưa tính cụ thể. Lúc nào xây dựng cụ thể, tính toán cụ thể thì mới chính xác.

– Có ý kiến cho răng, dành 24.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng là một số tiền lớn, phải vay để đảo nợ? Điều này có đúng không thưa Phó Thú tướng?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Việc này Chính phủ sẽ tính toán cụ thể. Bây giờ đầu tư từ ngân sách hoàn toàn là khó cho nên Chính phủ phải mở ra thêm hướng hợp tác công tư, có phần của Nhà nước, có phần của tư nhân, bên ngoài.

– Vậy theo Phó Thủ tướng, để triển khai dự án này thì doanh nghiệp tự vay vốn hay Chính phủ sẽ bảo lãnh?

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Có rất nhiều giải pháp, chọn giải pháp nào còn tùy thuộc vào nhà đầu tư. Nếu có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án thì Chính phủ không phải bảo lãnh nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Theo Quảng Thúy
VIETNAM+

—————————————

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Nợ nước ngoài chưa đáng ngại”

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói: “Tăng nợ công chủ yếu tăng nợ trong nước, chứ nợ nước ngoài hiện nay không đáng ngại vì lãi suất thấp, chỉ có 1,2%”.

Bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giải thích:
– Việc cân đối tài chính hiện có khó khăn, nhưng nếu nhìn vào bản chất của nó cũng không đến mức phải hoảng loạn.
Tăng nợ công chủ yếu tăng nợ trong nước, chứ nợ nước ngoài hiện nay không đáng ngại vì lãi suất thấp, chỉ có 1,2%.
Trong bối cảnh nợ công ở mức cao như hiện nay, việc xây sân bay Long Thành theo Phó thủ tướng có ảnh hưởng lớn đến nợ công?
– Đối với sân bay Long Thành, về định hướng lâu dài là cần thiết phải làm, đáp ứng nhu cầu phát triển vì các cảng hàng không đã quá tải và cải tạo khó khăn. Đồng thời, khu vực người ta làm mà mình không làm thì không cạnh tranh được.
Vốn đầu tư cho sân bay Long Thành là rất lớn, phải tính từ nhiều bài toán, ngân sách chỉ là một phần. Tất nhiên, khi đầu tư phải tính đến an ninh nợ công như thế nào, an ninh tiền tệ quốc gia ra sao.
Cái lo hơn là nợ trong nước,chưa có giải pháp huy động dài hạn, thời gian vay bình quân chưa được 5 năm, thậm chí có những kỳ hạn vay chỉ một, hai năm, phải trả nợ nhanh lắm.
Bài toán hiện nay là cơ cấu giãn việc trả nợ, vừa không áp lực cho nền kinh tế  và ngân sách.
* Nhưng thưa Phó thủ tướng, tâm lý xã hội rất lo lắng khi nợ công tăng cao?
– Cái lo lắng đó là có lý. Nhưng đây là bài toán lâu dài, không phải ngay một lúc mà tính được, mà lo hơn là phải tính toán làm sao để việc đi vay về làm ăn có hiệu quả nhất.
Tỉlệ nợ công trên GDP dù rất quan trọng nhưng chưa phải là chỉ tiêu quan trọng nhất.
Có những nước nợ công lên tới 100% nhưng vẫn an toàn, trái lại có nước nợ công chỉ 20% mà vẫn không an toàn vì không trả được nợ.
Như vậy cái quan trọng là có trả được nợ công hay không. Nếu đi vay mà làm ăn tốt thì được, còn đi vay về mà làm ăn không được gì thì rất mệt.
Hiện nay chúng ta đang phát hành thêm nguồn để đầu tư, đầu tư trái phiếu quy mô cũng khá lớn, nhưng phát hành trái phiếu lại có mâu thuẫn là sẽ tăng nợ.
Giữa bài toán tăng nợ để đầu tư và không tăng nợ không đầu tư phát triển, theo tôi, nên chọn phương án khó hơn dễ. Vấn đề là đầu tư sử dụng thế nào để trả được nợ.
Giống như gia đình xây nhà, thiếu tiền phải đi vay, rồi sau phải đi cày để trả nợ. Chúng ta đang làm theo hướng như vậy.
* Áp lực nợ công, theo Phó thủ tướng sẽ tác động thế nào lên cải cách tiền lương?
– Vấn đề cải cách tiền lương không chỉ phụ thuộc vào ngân sách, bởi hiện nay kể cả dừng hết các thứ khác thì việc cải cách tiền lương vẫn chưa giải quyết cơ bản được.
Vì bộ máy cồng kềnh, số người hưởng lương từ ngân sách lớn quá. Chính vì thế phải đồng bộ, phải cơ cấu lại, hiện nay mới bắt đầu làm chưa có kết quả rõ nét được.
Thứ hai là hệ thống sự nghiệp hưởng lương rất lớn, do đó cũng phải đổi mới khối sự nghiệp này để làm sao họ tự lo được lương. Khi đó, số lượng giảm xuống thì việc cải cách tiền lương mới tốt hơn. Hiện nay đối tượng này chưa cơ cấu được một cách căn bản.
* Chính phủ cho biết có thể sẽ bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn nước ngoài trong việc đầu tư vào sân bay Long Thành. Nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì sao?
– Cái đó chỉ là một trong những phương án để xem xét thôi. Nếu có nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì có khi Chính phủ không cần phải bảo lãnh nữa. 


Theo Viễn Sự
Tuổi trẻ

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.