Nguyễn Đình Ấm
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Bất hợp lý nghiêm trọng nhất
Hàng không (cả quân sự và dân sinh) lâu nay tương đối yên ả, không có những “đổ vỡ” gì lớn nhưng đang chứa đựng những bất hợp lý nghiêm trọng cản trở sự phát triển ngành hàng không dân dụng (HKDD).
Bất hợp lý nghiêm trọng nhất trong ngành HKDD là việc phân bổ hạ tầng, đất đai giữa HKDD và HK quân sự (HKQS).
Năm 1975 khi chính quyền đảng CS tiếp quản sân bay TSN thì HKDD còn nhỏ bé. Ngoài vài đường bay nội địa, HKDD chỉ có đường bay ra nước ngoài độc nhất là cửa Bangkok (Thailand), mà cũng chỉ chuyên chở khách di tản HCR và các đoàn ngoại giao VN đi công tác. Vì vậy sản lượng vận chuyển khách của HKDDVN khi đó chỉ 200.000-250.000 lượt khách/năm. Trong khi đó HKQS với đội máy bay sẵn có và số tiếp quản từ chế độ cũ nên lực lượng khá hùng hậu. Có lẽ trước hoàn cảnh này nên diện tích sân bay TSN khi đó chủ yếu dành cho HKQS. Đến những năm 2000 khi TSN bị xà xẻo, lấn chiếm, chia chác chỉ còn 1.150 ha thì HKDD chỉ được quản lý, sử dụng 205 ha, 400 ha khu bay dùng chung còn HKQS chiếm tới 500 ha.
Thế nhưng, từ những năm 1990 khi VN đã thực hiện một phần nền kinh tế thị trường, mở cửa ra bên ngoài và Mỹ bỏ cấm vận thì thị trường HKDD tăng trưởng liên tục hai con số, đến nay TSN hàng năm có hơn 10 triệu khách thông qua, nhưng địa bàn hoạt động vẫn không thay đổi. Trong khi đó HKQS ngày càng “teo tóp” do thời bình, số máy bay cụ “hết đát”, không có nhiều tiền mua máy bay mới, ngân sách QP cũng không lớn nên trung bình hàng tuần chỉ có ít chuyến bay QS hoạt động thì vẫn quản lý 500 ha. Trước tình hình đó đáng lẽ các ông chủ VN phải phân bổ lại nguồn lực cơ bản này để mở rộng khai thác hiện đại hóa TSN.
Vẫn chung chạ…
Nhưng không! Cuối năm 2007 trước sự quá tải sân đỗ máy bay dân dụng, nhiều chuyến bay hạ cánh phải bay vòng chờ hoặc đỗ thuê bên QS, HKDD yêu cầu chính phủ xem xét cho làm thêm sân đỗ bên QS nhàn rỗi. Chính phủ đã đồng ý cho HK TSN quy hoạch sang phía QS 30 ha để làm 30 chỗ đỗ và các công trình khác nhưng QS “không thỏa thuận”. Từ năm 2006 doanh nghiệp quân đội lại thực hiện dự án sân golf, khách sạn, biệt thự, chung cư, nhà hàng trên 157,6 ha đất bảo hiểm, dự trữ của sân bay, có thể vĩnh viễn bóp chết sự phát triển HKDD của TSN. Nếu không bị chiếm dụng làm sân golf và các công trình phi HK khác với diện tích 1.150 ha ngang diện tích của sân bay Check Lap Kok, Hongkong (1.200 ha nhưng xây được sân bay có công suất hiện tại 45 triệu khách/năm và có thể tăng lên 80 triệu nếu thị trường đòi hỏi)…, thì lo gì TSN chật chội?
Nên nhớ sân bay thường có rất nhiều hoạt động nhưng diện tích, không gian vùng trời vẫn phải là một chỉnh thế không thể chia cắt phần nọ riêng biệt với phần kia…
Một sự phi lý nữa là trong khi HKQS hoạt động rất ít thì lại chiếm cứ đất đai, cơ sở ở nhiều nơi hạn chế phát triển của ngành HKDD. Sân bay Biên Hòa là cơ sở không quân lớn nhất ở miền Nam cũng như VN có mọi điều kiện của một căn cứ không quân lý tưởng, chỉ cách TSN 30 km, nhưng chỉ khai thác phần nhỏ công suất. Trong khi đó HKQS lại vẫn duy trì sự chiếm cứ ở TSN.
Việc để căn cứ QS chung với dân sự là thất sách nhiều mặt, là mục tiêu khi chiến tranh, bí mật QS dễ bị lộ. Nhưng vì nước ta nghèo không thể xây các sân bay QS riêng nên phải dùng chung như ở Nội Bài, Đà Nẵng là chấp nhận được. Thế nhưng việc chung chạ giữa HKQS và HKDD ở TSN khi có sân bay Biên Hòa gần đó quá “nhàn rỗi” là phi lý, thất sách. Do hoạt động ít lại quản lý quá nhiều đất đai dự trữ nên ở TSN, Gia Lâm… không ít diện tích đất của sân bay về tay các doanh nghiệp, cá nhân dẫn đến phá vỡ quy hoạch, bóp nghẹt địa bàn, không gian sân bay.
Trong những năm qua ở những sân bay dùng chung giữa QS và DD thường xẩy ra nhiều rắc rối. Tiêu chuẩn của HKDD theo chuẩn quốc tế (ICAO) luôn được thay đổi, cập nhật trong khi HKQS lại có tiêu chuẩn khác dẫn đến khác biệt trong việc quản lý tĩnh không, tiêu chuẩn an toàn. Ngày 29/10/2014 máy bay A 321 của hãng HK quốc gia suýt va chạm với máy bay trực thăng QS ở TSN là một ví dụ.
Một ông chủ của đất nước có trách nhiệm với nhân dân, dân tộc thì phải phân bổ, sử dụng tài nguyên quốc gia một cách hợp lý, công minh để phát triển đất nước. Nhưng xem ra ông chủ VN không làm hoặc không thể làm được trọng trách đó?