Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Puneet Talwar nhấn mạnh điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự, ông Puneet Talwar, vừa dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự phiên Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt – Mỹ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội.
PV: Ông vừa trở về từ phiên Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt – Mỹ lần thứ 7. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong phiên đối thoại lần này?
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Puneet Talwar
Ông Puneet Talwar: Năm nay chúng tôi đã có một phiên đối thoại tuyệt vời với Việt Nam. Lần này, chúng tôi đã đối thoại với đại diện của rất nhiều thành phần thuộc 3 bộ của Chính phủ Việt Nam là Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Phía Mỹ cũng có đại diện từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ An ninh nội địa, Lực lượng bảo vệ bờ biển và Bộ Ngoại giao. Chỉ điều đó cũng đủ cho thấy phạm vi sâu rộng của mối quan hệ song phương mà Mỹ đang xây dựng với Việt Nam.
Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả về hàng loạt vấn đề từ gìn giữ hoà bình, đến vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, thực thi pháp luật và đảm bảo an ninh an toàn hàng hải. Có thể nói những cuộc gặp và thảo luận là rất hiệu quả.
Cũng cần nói thêm rằng, 2015 là năm quan trọng trong quan hệ song phương, là năm kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Mỹ – Việt. Và cuộc đối thoại này là một sự khởi đầu tốt của năm nay.
PV: Ông vừa nhắc tới kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ. Vậy xin ông cho biết đâu là những cơ hội cũng như thách thức trong quan hệ Mỹ – Việt thời gian tới?
Ông Puneet Talwar: Tại cuộc đối thoại vừa qua, chúng tôi đều ghi nhận rằng, quan hệ song phương Việt – Mỹ đã có những tiến triển vượt bậc trong 20 năm qua. Thông qua những nội dung và cách thức mà các quan chức Việt Nam thể hiện trong đối thoại lần này, tôi cảm nhận chắc chắn rằng quan hệ Việt – Mỹ sẽ còn có nhiều bước tiến lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Thực ra, quan hệ song phương với nước nào cũng đều có những thách thức nào đó. Nhưng phải nói rằng, trong quan hệ với Việt Nam, tương lai là rất sáng lạn. Như vừa đề cập, chúng tôi đã có những cuộc đối thoại rất toàn diện tại Hà Nội. Chúng tôi đã thảo luận về những lĩnh vực rất cụ thể mà hai bên có thể phối hợp và hợp tác, và có quan điểm khá thống nhất với nhau trong nhiều vấn đề.
Bên cạnh một loạt vấn đề liên quan đến mối quan hệ an ninh và ngoại giao nhân dân, hai bên cũng thảo luận về lĩnh vực hợp tác kinh tế. Chúng ta kỳ vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thông qua trong vài tháng tới và sớm có hiệu lực. Đó sẽ là bước tiến tốt cho cả Mỹ, Việt Nam và nhiều nước khác.
PV: Hiện Đảng Cộng hoà đã kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ. Vậy theo ông điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của chính quyền Obama đối với Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung?
Ông Puneet Talwar: Chúng tôi có sự ủng hộ từ cả hai Đảng đối với việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trên thực tế, nỗ lực thúc đẩy bình thường hoá quan hệ song phương Việt – Mỹ cách đây 20 năm cũng được thực hiện bởi cả hai Đảng chính trị tại Mỹ. Lúc ấy chúng ta có sự ủng hộ của Tổng thống Bill Clinton, người có tầm nhìn rất chiến lược về Việt Nam. Chúng ta cũng có Thượng nghị sỹ John Kerry, người bây giờ là Ngoại trưởng, và Thượng nghị sỹ John McCain đều là những người rất ủng hộ nỗ lực này. Có thể nói, đến lúc này, sự ủng hộ của hai Đảng vẫn rất mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới.
PV: Tổng thống Obama được cho là sẽ sớm đi thăm Việt Nam. Vậy nếu chuyến thăm này diễn ra, thì ý nghĩa của nó là gì, trong hoàn cảnh ông Obama còn rất ít thời gian tại Nhà Trắng?
Ông Puneet Talwar: Tôi cho rằng vào lúc này thì Chính phủ hai nước đã bắt đầu tiến hành thảo luận về khả năng thúc đẩy chuyến thăm này trong năm nay. Tôi phải nhấn mạnh rằng, đối với cá nhân Tổng thống Obama, đây là một trong những ưu tiên của ông trong quan hệ với Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do mà tôi được yêu cầu phải đến Việt Nam trong lần vừa rồi. Và đó cũng là một thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng sang châu Á của Mỹ.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng có ý nghĩa đặc biệt bởi nó cho thấy Mỹ và Việt Nam đang tiến lại gần nhau.
(Theo VOV)