VOA
Có nhiều than phiền về ứng xử của công an Việt Nam trong những năm gần đây
Bộ Công an Việt Nam đang thu thập ý kiến từ công chúng về dự thảo quy tắc ứng xử của nhân sự ngành công an.
Nội dung đầy đủ của bản dự thảo được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an từ ngày 18/7/2017. Thời gian lấy ý kiến kéo dài 2 tháng kể từ ngày đăng.
Sau khi lấy ý kiến, bản quy tắc sẽ được ban hành dưới hình thức một thông tư, áp dụng đối với “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân”.
Trong số 3 chương và 17 điều, người dân chú ý nhiều đến Điều 6 Chương II chứa đựng quy định cụ thể về ứng xử của công an với nhân dân.
Theo đó, công an phải “tận tình, trách nhiệm” khi giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của nhân dân. Khi tiếp xúc với dân, công an phải “kính trọng, lễ phép” cũng như “xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã”.
Quy tắc dự thảo đòi hỏi công an không được “hạch sách, nhũng nhiễu” hay có “thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân”. Công an cũng được yêu cầu “không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân”.
Bên cạnh đó, dự thảo đề ra nguyên tắc là công an “không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc”.
Đây là lần đầu tiên Bộ Công an soạn một bản quy tắc ứng xử chính thức của nhân sự thuộc bộ.
Nhiều vụ nhân viên công an ứng xử tồi hoặc bị đánh giá tiêu cực trong con mắt người dân đã bị đưa lên mạng xã hội trong vài năm gần đây. Điều này phần nào đã thúc đẩy bộ trưởng công an ra một chỉ thị hồi cuối tháng 10 năm ngoái về nâng cao văn hóa ứng xử công an nhân dân.
Cùng thời gian đó, bộ cho biết họ có kế hoạch xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Sau gần 9 tháng, nó đã được công bố.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội ở Hà Nội, khẳng định với VOA rằng bộ quy tắc ra đời vì có những áp lực lớn từ xã hội:
“Vì cái áp lực của bên ngoài kêu nhiều quá, bây giờ người ta muốn quy chuẩn hóa thành ra một quy định pháp lý hẳn hoi đối với cảnh sát. Những cơ chế luật định đó chỉ ra đời dưới áp lực của dư luận, của nhân dân. Người dân khi mà thấy quan chức nhà nước hay cảnh sát làm sai, lạm dụng quyền lực thì phải tìm tất cả bằng chứng và tố cáo một cách rất là công khai. Với các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ, với mạng xã hội, bất kể một sự vi phạm nào có thể sau nửa giây là bị đưa lên cho thế giới biết. Cái đấy nó tạo một áp lực rất là lớn”.
Các nhà quan sát nhận xét tinh thần của bản quy tắc không có gì đặc biệt mới so với “6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy công an nhân dân”, hay một số nội dung cũng tương tự như “Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân”.
Tiến sĩ Quang A lưu ý rằng một mặt những sức ép xã hội có tác động quan trọng, song mặt khác do cơ chế chính trị Việt Nam chưa có những cơ quan giám sát độc lập có thẩm quyền pháp lý, bộ quy tắc của ngành công an khó được thực thi nghiêm chỉnh. Ông nói:
“Cái việc thực hiện nó như thế nào? Phải có những tổ chức có thể vẫn là nhà nước nhưng độc lập hẳn với những người bị tố cáo hay bị khiếu nại, thì như thế lúc đó may ra mới có cơ cải thiện. Nếu mà không có, những cái tiêu chí, yêu cầu nêu ra như thế này cũng lại rơi vào lãng quên như là những lời răn của ông Hồ Chí Minh đối với lực lượng công an”.
Trong nhiều dịp khác nhau, kể cả thông qua các bài viết trên báo chí chính thống, một số lãnh đạo công an thừa nhận rằng “không ít” cán bộ, chiến sĩ công an có thái độ, cử chỉ, lời nói “khiếm nhã, không đúng mực”, giải quyết công việc “còn cứng nhắc”.
Những việc này “gây bức xúc trong quần chúng” và làm giảm sút lòng tin của nhân dân với ngành công an, theo các lãnh đạo ngành. Họ cũng chỉ ra rằng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chống lại lực lượng công an trong khi thi hành nhiệm vụ.
Một bài viết hồi tháng 4 năm nay trên tạp chí Lý luận Chính trị thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nói việc cải thiện nhận thức và văn hóa ứng xử của công an là “việc làm cần thiết nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội” đối với công an.