“Quyền im lặng” của nghi can được thể hiện trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đang “nóng” trên nghị trường QH là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Những ý kiến trái chiều về “quyền in lặng” cho thấy cần phải mổ xẻ để quyền này được hiểu đúng nghĩa trong quá trình tố tụng, tránh bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai.
Nhận tội vì… bức cung, nhục hình
Nhiều vụ án oan sai đã được các cơ quan tố tụng công nhận, tổ chức xin lỗi, bồi thường người bị kết án oan. Một trong những nguyên nhân chính là trong quá trình tiến hành tố tụng có bức cung, nhục hình.
Điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ án 7 thanh niên ở Sóc Trăng… Nếu họ không bị cán bộ điều tra dùng nhục hình thì hà cớ gì mà họ lại nhận tội giết người, chỉ đến khi thủ phạm gây án đầu thú thì ông Chấn và 7 thanh niên mới được giải oan. Kêu oan ở tại tòa cũng chẳng được lắng nghe. Tố bị bức cung thì không thể trả lời cho câu hỏi “bằng chứng đâu?” của thẩm phán. Vì vậy, bị cáo Huỳnh Văn Nén – bị tuyên án chung thân về tội giết người – đã cởi phăng áo tại phiên tòa, chỉ những vết sẹo trên thân thể để trả lời câu hỏi “bằng chứng đâu” của hội đồng xét xử.
Ông Nguyễn Thanh Chấn – nạn nhân của bức cung, nhục hình của điều tra viên. |
Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can (ngoại trừ trường hợp tội xâm phạm an ninh quốc gia), nhưng thực tế thì khi nghi can bị bắt, hầu hết luật sư không được tham gia ngay từ đầu như quy định. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã thừa nhận có bức cung, nhục hình là do cán bộ điều tra nôn nóng… Thực tế, việc bức cung, nhục hình xảy ra chủ yếu trong giai đoạn điều tra.
Vì vậy dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự đã đưa quy định về “quyền in lặng” của nghi can trong thời gian chờ tham gia của luật sư, nhằm đảm bảo quyền lợi của nghi can cũng như chống được nạn bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai, làm dư luận bức xúc.
Có luồng ý kiến lo ngại “quyền im lặng” của nghi can sẽ gây cản trở điều tra. Thiếu tướng Trịnh Xuyên – GĐ Công an tỉnh Thanh Hóa – còn cho rằng: “Quy định quyền im lặng là vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng, là nguyên nhân phát sinh tội phạm”!
Trong khi đó, luồng ý kiến bảo vệ giữ “quyền in lặng” của nghi can đề nghị cần hiểu rõ “quyền im lặng” của nghi can chỉ trong giới hạn thời gian chờ sự có mặt của luật sư, chứ không phải nghi can được giữ quyền in lặng suốt quá trình tố tụng. Quy định về “quyền im lặng” là bước tiến về tư duy trong hoạt động lập pháp. Các ý kiến đồng tình với quy định “quyền im lặng” cho rằng sẽ giảm được việc oan sai, chấm dứt được việc bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra, hoàn toàn không gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.
Trọng cung hơn trọng chứng
Thực tế, trong quá trình tố tụng còn có tình trạng “trọng cung” hơn “trọng chứng”. Đơn cử hai vụ án kêu oan được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là vụ án Hồ Duy Hải (Long An) và Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận). Cả hai vụ án không thu được chứng cứ. Thậm chí trong vụ án Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra cho ra chợ mua chứng cứ, buộc và kết tội theo lời khai của bị cáo. Tình trạng “trọng cung” hơn “trọng chứng” ở nhiều vụ án được thể hiện xuyên suốt từ khi khởi tố cho đến khi xét xử. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Đặc biệt, tình hình “trọng chứng” hơn “trọng cung” trong nhiều vụ án hiện nay thì “quyền im lặng” càng có ý nghĩa quan trọng.
“Quyền im lặng” của nghi can không phải là nghi can được “cấm khẩu” suốt quá trình tố tụng. Quyền im lặng cần phải được thực thi trong xã hội mà người dân được bình đẳng trước pháp luật. Mặt khác, “quyền im lặng” của nghi can đã được nhiều nước thực hiện. Giáo sư Anna C.Conley – chuyên gia pháp luật (Mỹ) – cho hay, luật pháp nước này quy đinh “quyền được im lặng” là để bảo vệ công dân, quyền lợi của người yếu thế trong xã hội. Những nhà làm luật ở Mỹ không nhìn “quyền im lặng” dưới góc độ lợi ích của cơ quan tố tụng.
Theo Lao Động