Quyền lực mềm của Trung Quốc: Điều gì sẽ xẩy ra?

Võ Long Triều (Hoa Kỳ)

       


(VNTB) – Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và hung hăng. Hoa Kỳ quyết định xoay trục về Á Châu-Thái Bình Dương và chuyển 60% quân lực về đó. Việc gì sẽ xẩy ra? Thế giới lo ngại an ninh hòa bình đang ở trong trạng thái rất mỏng manh!
Bản phân tích số 143 của Bộ Ngoại giao Mỹ chứng minh những sai trái kỹ thuật và pháp lý của Bắc Kinh về đường 9 đoạn ở Biển Đông. Điều đó cho thấy Mỹ công khai đối đầu với Trung Quốc mặc dù hai bên đã từng thỏa thuận không can thiệp vào sự tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ngay sau đó Bắc Kinh lên tiếng tố cáo Mỹ nuốt lời hứa hẹn và “Yêu cầu nghiêm túc giữ đúng cam kết, và thận trọng lời nói và hành động, cũng như tiếp cận và xử lý các vấn đề một cách khách quan  vô tư”.Dù ngỡ ngàng, tức giận nhưng Bắc Kinh nhận thấy mình chưa đủ sức trực đấu với Hoa Kỳ và đồng minh trong hiện tại nên “ngậm bù hòn làm ngọt”. Để đối phó, Bắc Kinh dọn đường đi lên bằng cách dùng đòn kinh tế, còn gọi là quyền lực mềm, chiêu dụ các quốc gia Á châu đang cần đầu tư phát triển. Đồng thời Bắc Kinh cũng đang cố thiết lập một liên minh Âu-Á-Phi thông qua chuyến viếng thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Kazakhtan và Serbia với mục đích đối lại sự bao vây của Mỹ và các nước hợp tác quân sự với Hoa kỳ.
Cách đây không lâu, Ngoại trưởng John Kerry nghĩ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ kiến tạo thế kỷ 21. Lời nói của ông Kerry có phần chủ quan và vội vàng. Trong khi đó, tháng 9/2014 tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe ở Tokyo, ông Narendra Modi Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố: “Thế giới hiểu rằng thế kỷ 21 là của Châu Á. Nếu Châu Á trở thành Châu lục đi đầu trong thế kỷ 21, thì Nhật Bản và ấn Độ sẽ là hai nước dẫn đầu và góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển một cách hòa bình”.  Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều cho rằng mối quan hệ song phương ở tầm cao của hai quốc gia nầy sẽ là đối trọng với một Trung Quốc có nhiều tham vọng ở Biển Đông.Như vậy thế kỷ 21 sẽ còn nhiều nước tham gia kiến tạo, hay là gây xáo trộn, bất ổn không còn hòa bình nếu không muốn nói có thể xảy ra chiến tranh.
Về phần Trung Quốc, giấc mơ của Hán tộc không thay đổi. Chính sách đối ngoại của Hồ Cẩm Đào “cùng nhau xây dựng một thế giới hài hòa” không còn giá trị nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình áp dụng chiến lược của Đặng Tiểu Bình “Hiện đại hóa quân đội nhân dân”,phô trương kho vũ khí, kích thích chủ nghĩa dân tộc. Đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế với những lời hứa hẹn, viện trợ, cho vay không lời và trực tiếp đầu tư. Trung Quốc đang có 4.500 tỉ Mỹ kim dự trữ ngoại hối mà các nước khác không có, nên Lý Khắc Cường hứa với ASEAN tại hội nghị thương đỉnh, sẽ trích 20 tỉ đô la cho 10 nước Đông Nam Á vay với lãi suất thắp. Mục tiêu là để xoa dịu những căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền ở biển Đông do việc Trung Quốc hấp tắp đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đảo Hoàng Sa.
Chủ trương xoa dịu các nước làng giềng của Trung Quốc cũng do nghị quyết của thượng nghị viện Hoa Kỳ số S.RES,412, chỉ trích hành động ngang ngược của Bắc Kinh và yêu cầu rút ngay HD-981 ra khỏi vị trí hiện tại. Sự kiện nầy làm cho các nước Á Châu phấn khởi, mong đợi sự bao che của Hoa Kỳ, nên họ càng quyết tâm chống đối chủ nghĩa bành trướng Hán Tộc của Trung Quốc.
Cũng trong mục đích xoa dịu đó, Lý Khắc Cường nhắn gởi với các nước ASEAN: “Chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác đầu tiên ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Liền sau đó Tập Cận Bình lên tiếng tại Quốc Hội Úc Châu để cho thế giới biết rằng nước ông: “Sẽ không bao giờ dùng sức mạnh để đạt mục đích”. Trong tương lai chưa biết Trung Quốc sẽ tráo trở như thế nào chớ hiện tại Bắc Kinh đã giấu kỹ “cây gậy” và chìa ra củ “ca-rốt” bởi vì sức mạnh quân sự hải còn thua kém Hoa Kỳ và đồng minh. Cho nên tạm thời Trung Quốc dùng tiền để mua chuộc các nước nhược tiểu, đặc biệt là các láng giềng Á Châu bằng cách:
– Ký kết các hiệp định về đường sắt và nông nghiệp với Thái Lan ngày 19/12/2014 trị giá hơn 10 tỉ đô la.
– Mua của Thái lan 2 triệu tấn gạo và 200 ngàn tấn cao su.
– Một ngày sau đó tại hội nghị Thượng đỉnh Mekong Lý Khắc Cường hứa sẽ cấp cho bốn nước Campuchia, Lào, Việt Nam và Miến Điện một khoản tín dụng hơn 11,5 tỉ Mỹ kim cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp.
– Viện trợ 3 tỉ cho các quốc gia nói trên để cải thiện cơ sở hạ tầng và để chống lại tình trạng nghèo đói.
Trung Quốc đã và sẽ còn đổ nhiều tiền vào vùng Đông Nam Á để cố làm dịu hìmh ảnh của một cường quốc hiếu chiến đã từng dùng sức mạnh quân sự lấn át láng giềng. Rõ ràng đây là một sự chuyển hướng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì thấy cần phải ve vãn các nước Đông Nam Á để đối đầu với chiến lược “xoay trục” sang Á Châu và Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương của Mỹ, gọi tắt là TPP. Chiến thuật của Trung Quốc là làm mọi cách để thuyết phục các nước láng giềng hợp tác hữu nghị đôi bên sẽ cùng có lợi, nhưng thực tế Bắc kinh vẫn không từ bỏ mục đích chiếm trọn Biển Đông.
        Ngày nay Hoa Kỳ không còn khả năng sử dụng “viện trợ Mỹ” như thời trước để giúp đỡ các nước nhược tiểu, nhưng cũng không ngoài mục đích lôi kéo đồng minh hoan nghênh quyền làm bá chủ thế giới vì sức mạnh quân sự tuyệt đối và tiền viện trợ không bồi hoàn. Chiến lược nầy Trung Quốc đang sử dụng trong khi họ còn yếu thế về quân sự. Tuy nhiên tình hình chính trị quân sự của Trung Quốc trong nhiều năm qua chứng minh Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin ông sẽ thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” là sẽ trở thành cường quốc số 1, thừa khả năng áp đặt một trật tự thế giới mới trên toàn cầu. Chính ông nói tại viện bảo tàng ngày 29/11/2012: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhứt của Trung Quốc trong thời kỳ cận đại nầy, và khẳng định rằng giấc mơ sẽ thành hiện thực”.

        Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và hung hăng. Hoa Kỳ quyết định xoay trục về Á Châu-Thái Bình Dương và chuyển 60% quân lực về đó. Việc gì sẽ xẩy ra? Thế giới lo ngại an ninh hòa bình đang ở trong trạng thái rất mỏng manh! 
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)