Trưa 29/8, Toà án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên bản án tám năm tù giam và ba năm quản chế đối với nhà hoạt động Trần Văn Bang (hay còn gọi là Trần Bang) trong phiên toà phúc thẩm mà gia đình cho là mang nặng tính hình thức và không công bằng.
Ông Bang, 61 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2022 với cáo buộc “làm, tàng trữ và phát tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Trong phiên toà sơ thẩm vào giữa tháng 5 vừa qua, ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết tội trong một phiên toà chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Theo gia đình ông Bang, trong phiên phúc thẩm, mẹ già và các em của ông bị giữ ở ngoài khu vực xử án. Sau khi tranh cãi với lực lượng bảo vệ phiên toà, một giờ sau khi phiên toà bắt đầu, mẹ ông và ba người em hộ tống mới được cho vào quan sát phiên toà qua màn hình ở một phòng khác gần phòng xử án.
Khác với phiên sơ thẩm, đại diện ngoại giao của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Đức và Hà Lan lần này được quan sát phiên xét xử nhưng cũng chỉ thông qua màn hình.
Nhận xét về phiên phúc thẩm, đại diện gia đình ông Bang nói với RFA trong điều kiện ẩn danh:
“Khi chúng tôi được vào phòng quan sát phiên toà qua màn hình TV, phía toà đang đọc bản cáo trạng và bản án sơ thẩm rồi luật sư có ý kiến và sau đó đến phần tranh luận.
Họ cũng cho luật sư nói tương đối nhiều, có cho anh Bang nói. Nhưng đại diện Viện Kiểm sát đọc nguyên bản án cũ lên rồi họ kết luận, không chấp nhận lời bào chữa của luật sư và của chính anh Bang.
Khi thẩm phán hỏi anh Bang xin giảm án hay kêu oan thì anh không xin giảm án mà khẳng định toà sơ thẩm xử oan. Luật sư trình bày các bài viết của anh trên Facebook có mục đích nói lên quan điểm của mình để xây dựng đất nước chứ không có mục tiêu chống phá chế độ như cáo buộc nói.”
Người này cho biết luật sư đã đưa ra các tình tiết không hợp lệ trong việc giám định các bài viết và tài liệu của ông Bang bởi các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh như: chỉ có ông Trần Đình Hoà trong nhóm bốn người của Sở Thông tin và Truyền thông tham gia giám định các bài viết của ông Bang là có nhiệm vụ của giám định viên, trong khi chỉ có ông Dương Minh Nghĩa trong nhóm bảy người của Sở Văn hoá và Thể thao tham gia giám định các cuốn sách tìm thấy trong nhà ông Bang là có chức năng giám định về công nghệ thông tin nhưng lại quyết định về xuất bản.
Thêm nữa, các kết luận giám định chưa đủ chữ ký của những người tham gia giám định như yêu cầu của pháp luật.
Luật sư Lê Ngọc Luân, người bào chữa cho nhà hoạt động này đề nghị trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại và giám định lại các bài viết, các cuốn sách tìm thấy trong nhà của ông Bang nhưng toà bác bỏ.
Cũng theo gia đình, việc giám định và các thủ tục giám định mang tính hình thức, không tuân thủ pháp luật. Người này chia sẻ thêm:
“Gia đình rất bất ngờ khi anh Bang không được phép nói lời cuối cùng. Thẩm phán đọc quyết định nói anh không có quyền kháng cáo nữa và giao cho phía công an thi hành án. Ngay sau đó, họ đưa anh đi ngay, gia đình chạy ra để gặp nhưng không kịp.”
Phóng viên nhiều lần gọi vào số điện thoại của Toà án Nhân dân Cấp cao tại TP HCM để kiểm chứng thông tin mà gia đình ông Bang cung cấp, tuy nhiên không có ai nhấc máy.
Ông Bang, cựu quân nhân trong cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, là một nhà hoạt động nhân quyền và rất tích cực tham gia phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.
Ông là một trong sáu nhà hoạt động và nhà báo tự do bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” từ đầu năm đến nay. Trong số những người còn lại có Nguyễn Lân Thắng- blogger của RFA, và giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước.
Trước phiên sơ thẩm và phúc thẩm, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức vì ông chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết.