Việt Nam Thời Báo

RFA – Ông Tô Lâm và những toan tính, nên thâu tóm hay chia sẻ quyền lực

Nếu như ông ấy rời bỏ cái chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp bất thường vào hôm 26/8 vừa qua thì ông ấy sẽ không được mời tới New York.

 

Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới theo nghị quyết của Trung ương Đảng, qua thông báo sau phiên họp bất thường thứ tám của Quốc hội khóa 15 diễn ra hôm 26/8. Điều đó có nghĩa việc “thâu tóm quyền lực” cho đến Đại hội 14 diễn ra vào năm 2026 của ông Tô Lâm sẽ khó thực hiện.

Chia sẻ quyền lực để giải quyết xung đột nội bộ là điều người lãnh đạo đảng CSVN đang nghĩ đến?

 

Tô Lâm chưa “nhả ghế” Chủ tịch nước

Chiều 26/8, sau khi đã kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ còn bỏ trống. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ tiến hành bầu chức danh Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Như vậy, cho đến thời điểm này, ông Tô lâm vẫn chưa chịu nhả bớt “một ghế” cho người khác, mà theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc, người đó có thể là một nhân vật xuất thân từ Quân đội để cân bằng quyền lực với phe công an.

Luật sư Đài cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tham dự kì họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), khai mạc ngày 10, bế mạc ngày 24 tháng 9, tại New York. Có thể ông ấy sẽ thăm Nhà Trắng hoặc có bài phát biểu trước quốc tế. Muốn như vậy, ông Tô Lâm cần phải có chức danh là nguyên thủ quốc gia chứ không thể chỉ là người đứng đầu một đảng:

“Ông ấy muốn sẽ có một bài phát biểu, một sự ra mắt đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới ở tại trụ sở LHQ ở New York.

Nếu như ông ấy rời bỏ cái chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp bất thường vào hôm 26/8 vừa qua thì ông ấy sẽ không được mời tới New York. Bởi vì, tại kỳ họp các nhà lãnh đạo thế giới ở New York thì họ chỉ chấp nhận cho vị trí là nguyên thủ quốc gia. Họ không cho phép người đứng đầu một cái đảng chính trị được phát biểu ở tại diễn đàn đó. Cho dù, theo luật của nước đó, người đó là người có quyền lực cao nhất họ cũng không chấp nhận được.”

Đồng quan điểm với luật sư Đài, ông Nguyễn Tiến Trung (Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam) cho rằng vào tháng 10, Tô Lâm sẽ phải chia sẻ quyền lực của mình cho một nhân vật khác, mà theo ông, có thể là Đại tướng Lương Cường:

“Tức là Việt Nam vẫn duy trì mô hình “tứ trụ”, chứ ông Tô Lâm vẫn chưa thể tập trung hết quyền lực vào tay như Trung Quốc là ông Tập Cận Bình, vừa là người đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước.”

Ngoài ra, theo ông Trung, ông Tô Lâm sẽ đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam khi là người đầu tiên gặp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách là vừa đứng đầu đảng, vừa đứng đầu nhà nước. Có như vậy thì theo ông Trung “cái thế của ông ấy càng được mạnh hơn”.

Ông Lê Anh Hùng, một nhà quan sát chính trị, hiện đang ở trong nước nhận định rằng dù đã được thông báo nhưng hiện vẫn chưa thể chắc chắn rằng ông Tô Lâm có chuyển giao bớt “chiếc ghế” Chủ tịch nước vào tháng 10 như đã công bố hay không. Tuy nhiên,  bản thân ông Hùng nói, ông ủng hộ việc nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước:

“Bản thân tôi ủng hộ việc nhất thể hóa, tức là thống nhất hai vị trí Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Để cái người đứng đầu hệ thống chính trị mang đầy đủ tính chính danh, tức là vừa đứng đầu đảng nhưng mà đồng thời cũng là đứng đầu bộ máy nhà nước.”

Lý giải về quan điểm của mình, ông Hùng cho rằng những người không muốn nhất thể hóa hai chức danh, phần lớn do lo ngại về sự tập trung quyền lực. Đó là mối lo có cơ sở vì hệ thống chính trị Việt Nam thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, theo ông:

“Nhưng mà nếu ông Tô Lâm mở rộng cái không gian dân sự, mở rộng cả cái quyền tự do của dân sự và chính trị cho người dân để người dân thể hiện cái quyền của mình đối với những vấn đề của đất nước. Cho phép người dân lên tiếng về những vấn đề của đất nước, cho phép người dân thực hành các quyền dân sự và chính trị đã được quy định trong Hiến pháp. Đấy cũng là một cái cách hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nếu ông Tô Lâm chấp nhận mở rộng cái không gian sinh hoạt dân chủ cho nhân dân Việt Nam thì việc gộp hai cái chức danh, nhất thể hóa Tổng Bí Thư Đảng và Chủ tịch nước là rất là cần thiết.”

 

Lãnh đạo mới “cùng phe cánh”?

Kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua cũng đã chọn ra được ba Phó thủ tướng mới thay thế vị trí khuyết của những người tiền nhiệm đã bị mất chức vụ do dính líu tới các vụ án tham nhũng.

Ba tân Phó thủ tướng bao gồm cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ kiêm thêm chức Phó thủ tướng cho đến khi tìm được bộ trưởng mới và ông Bùi Thanh Sơn đảm nhiệm luôn Bộ trưởng Ngoại Giao.

Đánh giá về ba nhân vật này, ông Nguyễn Văn Đài cho biết hai ông Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn kém hơn về năng lực cũng như kinh nghiệm so với hai người tiền nhiệm là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam:

“Tôi biết là ông Phó thủ tướng Phạm Bình Minh là một người rất có năng lực. Ông ấy đã làm ngành ngoại giao nhiều năm và là một người được đào tạo rất là bài bản ở nước ngoài. 

Thứ hai là ông Vũ Đức Đam. Ông ấy trước đây là một người học cử nhân thạc sĩ đều ở Bỉ, rất có trình độ, phụ trách về mảng kinh tế. Ông ấy hơn hẳn ông Hồ Đức Phớc. Ông Hồ Đức Phớc chỉ được đào tạo ở trong nước thôi. Ông ấy cũng không giỏi bằng người phó thủ tướng tiền nhiệm của mình.”

Dù cho rằng những người lãnh đạo mới không đủ năng lực để ngồi vào ghế Phó thủ tướng. Tuy nhiên, theo ông Đài, ông Tô Lâm đưa những người mà ông ấy mong muốn, để gia cố thêm vị thế của mình:

“Nếu như những người như ông Vũ Đức Đam hay ông Phạm Bình Minh còn ở lại thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ nghe lời ông Tô Lâm. Còn những Phó thủ tướng mới thì tôi cho rằng đều là những người thuộc phe cánh của ông Tô Lâm. Ông ấy muốn những người làm theo cái gì mà ông muốn, chứ không phải làm theo những gì mà chính phủ hay là người dân muốn.”

Còn về ông Nguyễn Hòa Bình, theo ông Đài, ông này đã từng bị chỉ trích rất nhiều liên quan đến các vụ án tử tù oan, đặc biệt là vụ án Hồ Duy Hải đã khiến ông Bình mang “tiếng xấu cho chính bản thân ông ấy, cũng như ngành tư pháp của Việt Nam.”

Việc ông Lê Minh Trí vừa được bầu giữ chức Chánh án TAND tối cao thay ông Nguyễn Hòa Bình, khiến nhiều người nuôi hy vọng rằng vụ án Hồ Duy Hải sẽ sớm được lật lại. Trong số này có ông Lê Anh Hùng:

“Trước kia, khi là viện trưởng VKS, ông Trí đã lên tiếng bày tỏ sự bênh vực đối với các trường hợp án oan thì bây giờ, khi ông ấy ở cương vị mới thì chúng ta có quyền hy vọng. Đặc biệt là sau khi sự xáo trộn nhân sự này diễn ra trong bối cảnh là ông Nguyễn Phú Trọng nhân vật bảo thủ đã ra đi và Tô Lâm làm lãnh đạo cho lại hệ thống chính trị ở Việt Nam.”

Theo ông Đài, ông Lê Minh Trí, với cương vị là Chánh án TAND tối cao, ông ấy nên có những hành động cụ thể để chứng minh những kiến nghị của mình về vụ án Hồ Duy hải là đúng:

“Chính bản thân ông đã phát hiện ra những cái sai cơ bản nhất trong vụ án Hồ Duy Hải. Ông đã liệt kê đến gần 30 điểm sai trái trong cái bản kiến nghị. 

Bây giờ, chính ông ấy lại ngồi vào vị trí Chánh án TAND tối cao thì ông ấy phải có trách nhiệm để mà sửa những cái sai lầm của người tiền nhiệm.

Và ông ấy cũng phải chứng minh rằng cái bản kiến nghị của ông ấy là đúng và chính xác. Còn nếu như không làm được điều đấy thì ông ấy thừa nhận là cái việc kiến nghị của ông là sai.

 

____________________

Nguồn: RFA

 


 

Tin bài liên quan:

RFA – Kết thúc giai đoạn điều tra 3 lãnh đạo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

Tâm trạng người bị tống xuất lưu vong

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà văn Phạm Thành phải giám định tâm thần?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.