Ramon Taylor
20-12-2016
Giám đốc ban vận động của CPJ Courtney Radsch (thứ 2 từ trái sang) trong một cuộc họp báo ở Brussels. (Ảnh tư liệu). Nguồn: AP
NEW YORK, NY — Ít nhà báo bị giết hại hơn trong năm 2016 so với những năm trước, theo phúc trình mới đây của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ). Nhưng các lý do khiến số nhà báo bị sát hại giảm xuống chưa hẳn là tin vui.Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hồi đầu năm nay đã mất đi một nhà báo, đó là ký giả tự do Almigdad Mojalli. Ông đã cộng tác với VOA được 3 tháng và lúc bấy giờ đang tường trình về tác động của chiến tranh tại Yemen thì bị giết trong một cuộc không kích do Ả Rập Xê-út lãnh đạo.
Ông Mojalli là một trong 48 nhà báo bị giết trong năm nay, mà theo phúc trình mới nhất của Ủy ban Bảo vệ Ký giả là do bị sát hại, bị kẹt giữa hai lằn đạn, bị trúng bom đạn trong vùng chiến sự, hoặc gặp những hiểm nguy trong khi tác nghiệp.
Bà Courtney Radsch, giám đốc ban vận động của CPJ, nói với đài VOA qua Skype rằng mặc dù tổng số nhà báo bị sát hại đã giảm so với những năm trước đó, những lý do dẫn đến kết quả này chưa thật sự rõ:
“Một điều mà chúng ta có thể suy đoán là các cuộc xung đột đã trở nên hết sức nguy hiểm đối với các nhà báo, và có ít nhà báo hơn đến tác nghiệp trong những vùng chiến sự.”
Đặc biệt là những vùng bị chiến tranh tàn phá trên khắp Trung Ðông, Hơn phân nửa số nhà báo bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại Syria, Yemen hay Iraq. Riêng Syria là nước dẫn đầu thế giới về số nhà báo bị sát hại, với 14 trường hợp trong năm nay.
Phúc trình của CPJ nói rằng ngay cả tại những nơi mà các nhà báo ít khi trở thành mục tiêu của các vụ giết hại, thì những hình thức kiểm duyệt và hù dọa vẫn xảy ra thường xuyên, chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước chiếm tới một phần ba số ký giả bị giam cầm trên thế giới.
Bà Radsch của Tổ chức Bảo vệ các Ký giả nói thêm:
“Chúng tôi nhận thấy các khu vực chiến tranh tiếp tục là nơi hết sức nguy hiểm và chết chóc đối với các nhà báo, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng bức bách, bịt miệng các tiếng nói chỉ trích bằng hành động tống giam và đàn áp đối với những người đã lên tiếng và những gì họ được quyền nói trên truyền thông xã hội.”
Giáo sư khoa báo chí Steve Raymer giải thích với VOA qua Skype rằng các chính quyền, trong đó có Nga, đã tìm được những cách để kiểm duyệt các nhà báo dễ dàng hơn. Ông nói:
“Số nhà báo bị sát hại tại Nga đã giảm so với năm 2013, theo số liệu của phúc trình này, nhưng Nga đã ra những luật lệ để bịt miệng nhà báo, bịt miệng những tiếng nói chỉ trích, mà họ không cần phải sát hại những người bất đồng hay sát hại nhà báo nữa.”
Theo số liệu của CPJ, 9 trong số 10 nhà báo bị sát hại là ký giả địa phương chứ không phải phóng viên nước ngoài. Số liệu này cho thấy xu hướng này đồng nhất với xu hướng của các năm trước.
Riêng về các nhóm chính trị, Nhà nước Hồi giáo dẫn đầu với hơn một nửa số nhà báo bị nhóm khủng bố cực đoan này giết hại trong năm 2016.